Chị Lê Thị Thanh Thương và con gái - NVCC
Đồng cảm với người khó khăn
Hiện chị Thương ở trọ tại phố Định Công Thượng (Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Trong những ngày vừa qua, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, thấy nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chị đã không ngần ngại bớt khoản thu nhập ít ỏi của mình để mua gạo, bánh mì và mang hoa quả mua về bán đến giúp đỡ.
Chị lên mạng xã hội thông tin về việc sẽ giúp những người thực sự khó khăn. Khi nhận được thông tin của trường hợp nào chị cũng mang quà đến tận nơi vừa trao trực tiếp vừa để xem họ có khó khăn thực sự hay không. Có những hôm chị vừa đi giao hàng vừa trao tới 30 suất quà với khoảng cách gần 100 km/ngày.
“Tôi là mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ, một cháu 7 tuổi, một cháu mới hơn 2 tuổi, nhưng luôn cố gắng không làm gánh nặng cho xã hội, mà tự cố gắng vươn lên. Con tôi cũng đi thu gom đồng nát để tích cóp tiền chia sẻ với các bạn khó khăn hơn. Tôi muốn những suất quà từ thiện mình trao phải đến được đúng người cần nhận”, chị Thương chia sẻ.
Trong số những người xin hỗ trợ có nhiều bà mẹ đơn thân nên chị rất đồng cảm. Tuy nhiên, trong quá trình đi trao, chị cũng thấy có nhiều hoàn cảnh chưa thực sự khó khăn, nên khuyên họ nên biết đủ cho xã hội chứ không nên chỉ biết đủ cho mình. Đồng thời, sau khi đi xác minh, thấy những trường hợp nào khó khăn mà chị không giúp được, chị lại kết nối với nhóm Thiện nguyện Hà Nội để trợ giúp cho họ.
Một hoàn cảnh khó khăn được chị Thương tặng quà và chị cùng đi về tận nơi ở trong đêm vắng ở Hà Nội – NVCC
Ngoài việc tự đi xác minh những trường hợp khó khăn để trao quà, hằng đêm, trên đường đi nhận hàng về bán chị luôn mang theo lương thực, thực phẩm để hỗ trợ những người vô gia cư. Có hôm chị gặp những cụ già phải đi bới rác vào ban đêm để mưu sinh. Chị đã tặng quà và còn lặng lẽ theo sau để đưa họ về đến nơi ở rồi mới yên tâm quay về.
Mẹ đơn thân làm đủ thứ nghề nuôi con
Điều xúc động là chị Thương có hoàn cảnh rất éo le. Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, chị cho biết quê ở xã Chính Lý (H.Lý Nhân, Hà Nam), bố mẹ mất từ khi chị còn nhỏ. Chị Thương sống với ông bà nội cho đến năm 19 tuổi thì một biến cố lớn xảy ra. Chị phải làm mẹ đơn thân khi tuổi đời còn quá trẻ.
Để vượt qua áp lực từ những người xung quanh, chị Thương quyết định rời quê hương vào miền Nam sinh sống. Một mình chị tần tảo nuôi con với rất nhiều công việc: buôn bán, làm thuê, làm mướn, đóng hàng phụ, giúp việc theo giờ…
Khi con trai được 5 tuổi, chị tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười khi có một gia đình mới cho con nhưng điều đó không đến. Chị lại một lần nữa làm mẹ đơn thân khi chấp nhận sinh con lần hai, là một bé gái. “Khi tôi lỡ dở, nhiều người khuyên bỏ con nhưng tôi nghĩ con mình không có tội tình gì. Nó là máu mủ của tôi nên tôi quyết giữ lại và cố gắng mưu sinh để nuôi con”, chị Thương buồn rầu chia sẻ.
Gia cảnh hiện tại của mẹ con chị Thương rất khó khăn nhưng chị vẫn san sẻ với những người cùng cảnh ngộ - NVCC
Sau khi sinh con thứ hai thì người con đầu đến tuổi vào lớp 1, thấy con nói ngọng do ảnh hưởng ngôn ngữ vùng miền, chị lại một lần nữa có quyết định lớn là mang con ra Bắc để có môi trường phù hợp hơn. Nhưng đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời chị.
Cuối năm 2019, chị đưa con về quê ăn tết âm lịch xong thì ra Hà Nội mưu sinh. Chị thuê nhà và định mở cửa hàng bán nông sản nhưng vừa ra Hà Nội được 1 tuần thì dịch Covid-19 ập đến. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội khiến chị rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo chưa từng thấy.
“Tôi vừa chân ướt chân ráo đặt chân đến đây, nên chưa có ai quen biết. Tài sản thì không có gì đáng giá, tiền đã đầu tư để thuê cửa hàng và nhập hoa quả từ TP.HCM ra để buôn bán. Nhưng chưa kịp làm gì thì Hà Nội giãn cách. Vì thế, tôi không còn một đồng tích lũy, trong khi nuôi 2 con nhỏ, một bé mới hơn 3 tháng tuổi. Mẹ con tôi hầu như chỉ ăn mì tôm qua ngày và cũng phải nhờ sự cứu trợ của cộng đồng”. Đó cũng là lý do vì sao vào đợt dịch thứ 4 này, chị đã cố gắng tiết kiệm chi tiêu, bớt khoản thu nhập ít ỏi của mình để giúp những người cũng rơi vào hoàn cảnh như chị.
“Hiện với việc buôn bán hoa quả tôi có thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Số tiền này tôi cố gắng chắt bóp chi tiêu và dành ra khoảng 10% để làm từ thiện. Khi đi giao hàng tôi luôn dành tiền ship nhận được, để mua quà giúp những người khó khăn hơn. Cũng nhiều người nói tôi là "ốc chưa mang nổi mình ốc còn làm cọc cho rêu", nhưng tôi vẫn không thể chỉ biết lo cho mình. Ai cũng chỉ biết đủ cho mình thì ai giúp những hoàn cảnh khó khăn?”, chị Thương trải lòng.
"Vượt qua sóng gió của bản thân để san sẻ với cộng đồng" Là người thường xuyên kết nối với chị Thương để trao tặng các phần quà cứu trợ cho những người khó khăn, anh Trần Nam Long, Trưởng nhóm Thiện nguyện Hà Nội, cho biết: “Thương là người mẹ đơn thân có nghị lực phi thường và lòng nhân ái hiếm có. Dù hoàn cảnh không dư dả nhưng bạn vẫn sẵn sàng ủng hộ gạo, trái cây cho nhóm để đi hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, Thương đã đi xác minh từng trường hợp và cung cấp thông tin cho nhóm để hỗ trợ được những người thực sự khó khăn. Đó là một tấm lòng tuyệt vời đã biết vượt qua sóng gió của bản thân để san sẻ với cộng đồng”. |
Theo thanhnien