Hạnh phúc vỡ òa của người con gái sau 18 năm mất tích làm vợ xứ người

Từ khi biết cô con gái áp út mất tích, bà Nguyễn Thị Phái (SN 1950), trú tại xóm Yên Xuân, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã khăn gói tìm con khắp nơi. Manh mối duy nhất để bà tìm đứa con ấy là mụn thịt dư ở tai bên phải. Đằng đẵng 17 năm trôi đi, nhưng thông tin về con gái vẫn bặt vô âm tín. Khi mọi chuyện tưởng như vô vọng thì đứa con tưởng đã chết trở về trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
 
18 năm bị lừa bán làm vợ xứ người
 
Ngày trở về, căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ của bà Phái đông đúc hàng xóm đến thăm hỏi khi nghe tin chị Phạm Thị Hằng (con gái bà Phái) trở về từ Trung Quốc sau 18 năm biệt tích.
 
Gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má, bà Phái nghẹn ngào cho biết: “Ngày 13/7, khi gia đình chúng tôi đang chuẩn bị ăn cơm sáng thì bỗng có điện thoại gọi tới. Nghe giọng nói ú ớ nhưng linh cảm của một người mẹ, tôi biết đó là đứa con gái đã mất tích hơn 18 năm về trước. Hằng cho biết đã về tới Lạng Sơn và đang bắt xe về Vinh. Gia đình không ngờ, đứa con gái 18 năm biệt tích nay trở về khỏe mạnh, gặp nhau chỉ ôm nhau òa khóc vì sung sướng. Chỉ tiếc rằng, vì thương nhớ nó mà cha nó phát bệnh và qua đời. 2 cha con nó chẳng thể gặp mặt nhìn nhau. Còn tôi, bây giờ có nhắm mắt cũng an lòng”.
 
Nỗi nhớ thương của người cha chẳng thể chờ được ngày trở về của cô con gái mất tích biền biệt nhiều năm qua. “Khi nhìn thấy mẹ, nó đã vội ôm chầm lấy mẹ khóc như một đứa trẻ. Rồi nó gào thét gọi cha, nhưng cha đâu còn nữa”, bà Phái nhớ lại.
 
Bà Phái cho biết, năm 2000, sau khi học xong lớp 10, nghe lời bạn rủ ra Hà Nội rửa bát với mức lương 500 nghìn đồng/tháng, do cuộc sống khó khăn nên Hằng đã đồng ý. Làm được khoảng một tháng, bà chủ quán ăn giới thiệu Hằng lên Lạng Sơn làm cho công ty giày da với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Cứ tưởng sẽ kiếm được một công việc tốt hơn để có tiền phụ giúp gia đình nhưng khi lên đến Lạng Sơn, Hằng mới biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Sau chuỗi ngày định mệnh đó, cuộc đời chị đã thay đổi hoàn toàn. Trong lúc bị bắt giam, chị thấy rất nhiều cô gái khác bị những gã thanh niên xăm trổ đầy mình áp giải bằng ôtô đi nhiều nơi, luân chuyển qua nhiều chuyến xe. Trên xe, họ cấm các cô gái nói chuyện với nhau nên họ chỉ biết nhìn nhau ứa nước mắt mà không biết số phận sẽ trôi dạt về đâu. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhiều đêm chị chỉ biết gào khóc, nước mắt đã cạn, sức lực yếu đi vì những trận đòn của bọn buôn người, chị đành phó mặc cho số phận.
 
Khoảng một tuần sau khi bị lừa sang Trung Quốc, Hằng được đưa đến một ngôi nhà hẻo lánh, vắng vẻ. Nhiều người đến “xem mặt” cô và ngã giá với bọn buôn người. Sau đó, Hằng bị bán cho một người đàn ông hơn cô 9 tuổi làm nghề thợ xây ở khu vực miền núi heo hút thuộc tỉnh Hà Bắc.
 
“Những ngày đầu mới về làm dâu, do bất đồng ngôn ngữ và nhớ nhà nên tôi khóc suốt. Chồng tôi là một người đàn ông đầu óc không được minh mẫn nên tôi càng bị gia đình chồng quản thúc chặt. Nhiều lần tôi có ý định bỏ trốn nhưng đều bị phát hiện và nhốt lại. Biết không thể trốn thoát, bởi đường về Việt Nam xa xôi, lại không có tiền trong tay, tôi đành chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu. Một thời gian sau, thấy tôi có vẻ “thuần”, nhà chồng mới cho theo ra đồng làm việc”, chị Hằng kể lại những ngày tháng tủi nhục nơi xứ người.
 
Mẹ già khóc hết nước mắt ngày đoàn tụ
 
Thời gian dần trôi, gia đình chồng không còn quá lo lắng về việc chị bỏ trốn, nhưng do không có giấy tờ tùy thân, lấy chồng không hôn thú, không được nhập tịch nên những năm tháng làm dâu “chui” ở xứ người, chị Hằng phải sống chui lủi, khổ cực. “Nhiều lúc tôi đã tìm đến cái chết nhưng lại nghĩ bố mẹ và người thân ở quê nhà đang tìm kiếm, chờ đợi nên phải cố gắng sống”, chị Hằng tâm sự.
 
Không có thông tin của con gái, vợ chồng bà Phái vội đi tìm khắp nơi. Không những dò hỏi ở các bến xe, nhà ga, họ còn tìm đến nhiều nơi khác nhưng tất cả đều vô vọng. Quá trình tìm kiếm càng gặp khó khăn hơn khi bà Phái không hề có tin tức hay hình ảnh của con. Manh mối duy nhất của người mẹ ấy là cục thịt dư ở tai phải chị Hằng. “Đi đến đâu, tôi cũng chỉ biết hỏi người ta: “Có thấy cô gái nào người thấp nhỏ,  có cục thịt thừa ở sau tai không?”, nhưng đáp lại chỉ là những cái lắc đầu”, bà Phái nhớ lại.

Hành trình tìm kiếm đứa con mất tích khiến cuộc sống gia đình bà bị đảo lộn hoàn toàn. Không những công việc đồng áng bị ngưng trệ, mà đàn lợn, con gà cũng phải bán non để lấy kinh phí đi lại. Bà Phái lúc đó mới sinh đứa con út chưa đầy 1 năm cũng đành cai sữa sớm để đi tìm Hằng. 
 
Người bố cũng vì thương nhớ con mà đổ bệnh nặng. Chứng bệnh tai biến khiến ông không di chuyển được nhiều. Do vậy, mọi công việc trong nhà đều do một tay bà Phái đảm nhận. Bà Phái kể, trong những ngày tháng cuối đời, nằm trên giường bệnh, lúc nào ông cũng trăn trở về tin tức chị Hằng. “Ông ấy cứ nói với tôi rằng: “Không biết con Hằng còn sống hay đã mất, giờ đang ở đâu. Tôi chỉ muốn được gặp nó một lần trước khi nhắm mắt xuôi tay”. Thế nhưng, ước nguyện đó của ông đã không thực hiện được. Năm 2010, người cha khốn khổ ấy đã ra đi với niềm day dứt trong lòng. 
 
Về phần chị Hằng, giữa năm 2017, qua phần mềm Zalo được cài trên điện thoại, Hằng tình cờ quen một người đàn ông tên Hà (quê Yên Bái). Sau vài lần trò chuyện, cô đã kể cho anh nghe về việc mình bị lừa bán sang Trung Quốc và chia sẻ mong muốn được trở về quê nhà. Sau nhiều lần liên lạc với gia đình, chị Hằng được biết bố đã mất, mẹ đang ốm nặng nên xin phép gia đình chồng cho về Việt Nam thăm nhà. Sau đó, chị Hằng được nhà chồng đồng ý và cho một ít tiền làm lộ phí về quê. Tuy nhiên, để trở về được Việt Nam chị Hằng phải nhờ một người đàn ông Việt thường xuyên qua Trung Quốc làm ăn chỉ “mối” đưa qua đường tiểu ngạch với chi phí 5 triệu đồng.
 
Chị Hằng cho biết, trên chuyến xe trở về Việt Nam, tôi phải mất 3 ngày 2 đêm từ Hà Bắc về đến cửa khẩu Lạng Sơn. Đi bộ hàng tiếng đồng hồ, vượt qua nhiều đồi núi mới qua được biên giới Việt - Trung. Khi về đến Lạng Sơn, tôi hỏi nhờ đường bắt xe ôtô về Vinh rồi gọi người nhà ra đón.
 
“Ngày tôi trở về, dường như tôi chẳng nhớ được gì, quê hương đã thay đổi. Tôi chẳng thể tin nổi trước mắt mình rằng mẹ đã già, mái tóc mẹ đã bạc. Tôi đứng tim khi gọi cha chẳng thấy, chỉ thấy mẹ già ngồi bên di ảnh của cha”, chị Hằng nghẹn lời.
 
“18 năm ngóng đợi, bây giờ biết nó vẫn còn sống và đã trở về, cha thì đã mất chỉ còn mẹ, nhưng cả nhà ai cũng mừng lắm. Giờ đây, ở bên kia thế giới chắc ông ấy cũng an lòng”, bà Phái nói.
 
Ở và chăm sóc mẹ được một thời gian, chị Hằng xin phép mẹ trở lại Trung Quốc để làm ăn. “Nó bảo mẹ không phải lo cho con đâu, 18 năm lưu lạc ở Trung Quốc, con đã biết tiếng và thông thạo hơn nhiều. Giờ con còn trẻ, để con đi làm ăn kiếm ít vốn sau này về 2 mẹ con nương tựa vào nhau”, bà Phái trầm ngâm kể lại lời con gái trước khi rời mẹ đi làm ăn.

 

 Nguyên Khôi