Ảnh minh họa

Trong nhóm chat của khu dân cư, mọi người ngán ngẩm với chị Loan vì chị liên tục thở vắn than dài hết chuyện nọ đến chuyện kia, làm mọi người muốn... "xì trét" theo chị.

Mùa dịch, nhà nào cũng ráng co mình lại, ở yên trong nhà và có gì dùng nấy. Chị thì khác, nay than thèm rau muống quá mà phải ăn rau cải, mai có rau muống thì chị lại nói nhà chị chỉ quen cho sấu vào nước rau làm canh, nay phải xài chanh thấy khó chịu và không hợp vị.

Ngày mốt chị nói sao những người đi chợ giùm tạo những "combo" cứng nhắc, chị đặt mua tai mui heo về gói giò, làm nem mà không mua giùm chị.

Ngày khác, chị lại đi than giùm cho khu phố này chưa nhận được hỗ trợ, khu phố kia sướng, có mấy nhóm từ thiện ghé qua cho gạo mắm...

Chị Loan cứ nhoay nhoáy gõ những dòng chữ than thở. Lạ là chẳng ai trả lời chị, nhưng chị vẫn cần mẫn than. Đến nỗi mọi người tách nhóm riêng, mặc chị than một mình.

Cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi vừa đưa ra một bài khảo sát xem các con có thể học online hay không, các phụ huynh có khó khăn, vướng mắc gì cứ nói để cùng tìm cách khắc phục.

Chị Hảo lập tức trả lời, con chị còn chưa có sách tập bút mực thì học kiểu gì. Cô giáo nói có thể cho con dùng sách online, chị Hảo vẫn khăng khăng con chị không học được.

Chị nói con chị mới lớp chín, không thể vừa học online vừa coi sách online được, nhà trường phải tìm cách khắc phục chứ không thể làm khó học sinh vậy được.

Các phụ huynh khác động viên chị cố gắng, lúc này không ai ra khỏi nhà được, sách hiện ở trong thư viện trường nhưng không thể giao. Mùa dịch làm gì cũng vướng víu tay chân, chịu khó ít bữa sẽ khác.

Tưởng chị Hảo hiểu ra và cho qua, ai dè cứ lâu lâu chị lại lên nhóm than trách, rằng đang dịch mà học gì. Mọi người nói đám trẻ chơi cũng lâu rồi, thôi khởi động cho tụi nhỏ gặp bạn bè. Chị lại than vậy là hết được... ngủ nướng, sáng phải dậy lo ăn cho con để con học. Trưa phải ăn đúng giờ vì chiều có tiết, còn phải ủi mấy cái áo đồng phục cho con...

Các phụ huynh mỗi lần đọc những dòng chat của chị đều ngán ngẩm. Tình hình chung, khó khăn chung, không động viên khích lệ nhau thì thôi còn cứ xả cứ ném những bịch rác tiêu cực vào nhau, nghe thật mệt mỏi. 

Rồi một phụ huynh nói khó khăn của gia đình mình, anh chị bốn tháng nay không gặp con vì đưa con về quê tránh dịch và mắc kẹt lại, dù chị đã sắm đủ sách tập, đồ dùng bút thước cho con nhưng không gửi về quê được, chị vẫn vui vẻ nói "có gì dùng nấy".

Một người lên tiếng thì những người khác cũng mở lòng, nhóm phụ huynh mà thành nhóm tâm sự, cô giáo chủ nhiệm cũng chia sẻ mấy nay em đầu bù tóc rối vì các văn bản, thông báo, hướng dẫn nên cả nhà mình thông cảm. Mỗi người chịu cực một chút rồi cũng qua.

Sau những “tâm sự mỏng” của mọi người, chị Hảo thôi không than thở nữa vì ngẫm ra chị còn hạnh phúc hơn bao người vì không thiếu thốn lương thực, không phải xa con cái, không bị áp lực kinh tế... Hẳn khi "trông người lại ngẫm đến ta", chị cũng hiểu ra.

Mùa dịch, mỗi ngày chúng tôi hỏi thăm nhau, thấy nhau xuất hiện trên mạng xã hội là mừng. Dịch giã khiến mọi thứ như bị cào bằng, giàu nghèo già trẻ gì cũng bị ảnh hưởng. Quan trọng là tinh thần, tâm thế của từng người, từng nhà. 

Mình đã vững tinh thần, bình an mạnh khỏe vượt qua mùa dịch. Ảnh minh họa

Lúc này, nghĩ tích cực, nói tích cực cũng là góp phần chống dịch. Nhưng thực tế vẫn có những người đi trái chiều, nâng cái tôi lên hơi cao, hoặc thần kinh yếu. Nghe những lời tiêu cực ai cũng ngán ngẩm.

Nên coi những ngày giãn cách này để thử thách sự chịu đựng của mình. Mỗi người tự tăng giới hạn chịu đựng lên một chút, sống thiếu thốn khó khăn một chút để yêu thương những tháng ngày đã có.

Mai kia bình yên, mọi người sẽ trân trọng hơn những phút giây được hít thở căng phồng lồng ngực, được vui vẻ nói cười, được mạnh khỏe chạy nhảy, được gặp gỡ giao tiếp với bất cứ ai, ở bất cứ đâu, làm những việc mình thích...

Và khi nhìn lại, mỗi người sẽ tự hào, rằng mình đã vững tinh thần, bình an mạnh khỏe vượt qua mùa dịch.

Theo phunuonline