Trẻ em thiểu năng nhận được sự quan tâm và hỗ trợ lớn nhờ chính sách giáo dục nhân đạo của Australia. Ảnh minh họa: The Conversation

Hồi mới sang Australia, tôi vô tình gặp một người mẹ và cậu con trai khoảng 6 tuổi đang dắt chó đi dạo ở công viên gần nhà. Tôi chào cậu bé nhưng cậu không trả lời mà chỉ cười. Lúc đó, người mẹ mới giải thích với tôi rằng cậu bé bị hội chứng Down nên giao tiếp xã hội hơi kém. "Hôm nay cháu đi học về cũng hơi mệt", người phụ nữ nói thêm.

Nghe thấy thế, tôi tò mò hỏi thăm cậu bé đi học ở đâu, có phải trường đặc biệt cho trẻ em bị Down hoặc thiểu năng trí tuệ không. Và câu trả lời từ người mẹ làm tôi vô cùng ngạc nhiên: "Không, thằng bé đi học ở trường bình thường cùng các bạn khỏe mạnh". 

Người phụ nữ giải thích cho tôi rằng cậu bé học cùng lớp với các bạn khác nhưng có thêm một cô giáo ngồi bên cạnh trong giờ học để giúp đỡ và giải thích các vấn đề trên lớp một cách cặn kẽ hơn. Chương trình học, bài tập về nhà và các bài kiểm tra cũng được điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của cậu bé. 

Cuộc nói chuyện với người mẹ đó đã để lại cho tôi một ấn tượng vô cùng sâu đậm về sự quan tâm tới người khuyết tật cũng như chính sách giáo dục nhân đạo của Australia.

Khi ở Australia lâu hơn, được tiếp xúc với nhiều người có con bị thiểu năng trí tuệ và khi chính con gái của tôi bắt đầu vào tiểu học, tôi càng khâm phục cách người Australia đối xử và giúp đỡ trẻ em thiểu năng. Các trẻ em có khiếm khuyết về thể xác hay trí tuệ, trừ trường hợp quá nặng như không thể nói hay giao tiếp, thì đều được vào học ở các trường chính thống như bạn bè đồng trang lứa.

Tuy nhiên, ngoài việc các bé có thêm một thầy hoặc cô ngồi cạnh ngay trên lớp, các em còn được nhận rất nhiều hỗ trợ khác như dụng cụ học tập đặc biệt, các lớp luyện nói, thậm chí là chi phí để phụ huynh mua những thứ cần thiết cho việc học.

Một vài người bạn Việt Nam của tôi có con bị thiểu năng cũng cảm thấy vô cùng may mắn khi con cái được nuôi dưỡng trong nền giáo dục Australia. Một chị bạn của tôi có cậu con trai 9 tuổi bị tự kỷ. Khi sang Australia, gia đình chị được hướng dẫn tận tình các bước để hưởng những ưu đãi của chính phủ trong việc cho con đi học.

Trước tiên, gia đình chị được một hội đồng gồm các bác sĩ và chuyên gia đánh giá mức độ tự kỷ của con và đưa ra một phương án giúp đỡ cụ thể. Sau đó, khi con trai chị bắt đầu đi học, các cô giáo luôn dành cho em sự quan tâm đặc biệt và trao đổi hàng ngày về các vấn đề của em để gia đình và nhà trường cùng phối hợp giải quyết. Bé trai tuy có một chút vấn đề về giao tiếp xã hội nhưng các cô giáo đều đánh giá là bé rất thông minh và có trí nhớ tốt nên học rất giỏi toán và piano.

Chị bảo tôi rằng chị không những yên tâm về việc học tập của con mà còn cảm thấy con mình có sự quan tâm đặc biệt để giúp cậu bé hòa đồng với các bạn và xã hội. Gia đình chị cũng không còn cảm thấy mặc cảm về con mình nữa. 

Năm nay, khi cô con gái 4 tuổi của tôi bước vào tiểu học (hệ thống giáo dục phổ thông của Australia bắt đầu từ 4 tuổi), tôi bắt đầu tìm trường cho con. Dù con gái tôi là một cô bé nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhưng gia đình tôi muốn chọn cho con một trường có thế mạnh về các chương trình hỗ trợ các trẻ em thiểu năng. Trong môi trường như vậy, con gái tôi sẽ có cơ hội tiếp xúc với các bạn kém may mắn hơn mình để biết được những khó khăn mà họ phải vượt qua và biết giúp đỡ các bạn trong lúc chơi cũng như lúc học.

Con gái tôi tuy chưa hiểu hết những điều đó nhưng cô bé luôn thể hiện sự đồng cảm với những người bạn kém may mắn xung quanh. Cô bé hay hỏi những câu hỏi như "sao bạn này không biết nói", "sao bạn này không chạy được"... Tôi biết rằng các cô giáo ở lớp đã giải thích cho con về hoàn cảnh của các bạn và nói cho con biết rằng mình có thể giúp đỡ những bạn này thế nào, ví dụ đọc sách cùng bạn, chơi cùng bạn hay mở cửa giúp bạn. Điều quan trọng nhất là cô bé không sợ và xa lánh bạn mà mở rộng vòng tay nhân ái với bạn.

Rõ ràng, nền giáo dục của Australia không những giúp trẻ em khuyết tật hòa nhập vào cuộc sống mà còn giúp những trẻ em khỏe mạnh sớm biết cách đón nhận và giúp đỡ các bạn thiệt thòi. Khi lớn lên, các em sẽ không còn nhìn những người tàn tật bằng ánh mắt hiếu kỳ và tò mò vì các em đã được tiếp xúc với họ từ nhỏ. Nền giáo dục Australia không chỉ dạy các em kiến thức mà còn khơi gợi và nuôi dưỡng lòng nhân ái trong các em.

Theo VnExpress