Gia đình ba thế hệ của cô Hường - chú Tuấn sống vui vẻ bên nhau
Biết cách làm dịu cơn nóng giận
Vợ chồng cô Nguyễn Thị Hường và chú Phan Anh Tuấn ở P.2, Q.11, TPHCM hạnh phúc kể về “ngôi nhà” mà họ chắt chiu xây dựng suốt 43 năm qua. Chú Tuấn tấm tắc khen: “Vợ tôi làm việc gì cũng nhanh nhẹn, giỏi giang quán xuyến việc nhà. Chị có một khuyết điểm là nói nhiều”.
Cô Hường nói nhỏ: “Con trai tôi nó bảo ba nói còn nhiều hơn mẹ”. Rồi cô cười: “Người ngoài nhìn vào đôi lúc sẽ thấy không thích, vì chú trực tính. Đó cũng là khuyết điểm của ông ấy nhưng bù lại ông rất thương vợ, chiều con”.
Cô Hường và chú Tuấn kết hôn năm 1978 và có một con trai. Cậu con trai nay cũng lập gia đình và có hai con nhỏ. Cô Hường làm việc tại UBND phường, về hưu năm 2014. Chú Tuấn có nghề vẽ tranh và nhận dạy thêm học trò tại nhà nhưng nay đã nghỉ vì tuổi cao.
Nhớ về quãng thời gian khó khăn khi mới lấy nhau, cô Hường kể: “Nhà không đủ ăn nhưng chú lúc nào cũng nhường cơm cho vợ con. Mọi việc tốt đẹp chú luôn nghĩ cho vợ con”. Trải qua gian khó, tình nghĩa vợ chồng họ càng thêm sâu đậm. Và khi cuộc sống đủ đầy, vợ chồng họ càng yêu thương nhau hơn.
Trải qua 43 năm chung sống, cả hai đã quá hiểu tính nết của nhau. Nói thế không có nghĩa là cuộc sống không có những lúc lời qua tiếng lại. Nhưng những lúc như thế, mỗi người họ nhường nhau một tiếng, lánh mặt nhau để tránh cãi cọ. Khi đã nguôi giận, họ nhìn nhau cười là không còn chuyện gì nữa.
“Để giữ được hạnh phúc gia đình, quan trọng nhất là nhường nhịn, đừng thắng thua nhau làm gì. Vợ chồng muốn bền lâu thì phải nhìn thấy ưu điểm của nhau”, cô Hường nói.
Tại P.16, Q.4, TPHCM có vợ chồng cô Nguyễn Kim Anh và chú Trần Ngọc Oánh cũng đã dày công vun đắp cho hạnh phúc gia đình mình trong suốt 51 năm qua. Kể về mối tình thời trai trẻ, chú Oánh cho biết cả hai người đều là kỹ sư và có 5 năm yêu nhau qua những cánh thư xuyên lục địa. Họ biết nhau qua những người bạn. Chưa được bao lâu thì cô đi học nước ngoài. Khi cô trở về, họ kết hôn, hai cô con gái lần lượt ra đời. Cuộc sống bắt đầu chật vật. Ngoài việc cơ quan, vợ chồng họ còn làm thêm nhiều công việc khác như đi giao bánh, may gia công, dạy kèm… Sau bao năm cố gắng, cuộc sống giờ đã vững vàng. Cô chú giờ là ông bà sống an nhàn bên con cháu.
Trước đây cũng như bây giờ, dù khó khăn hay sung túc, cô chú luôn biết cách nghĩ cho nhau, chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Cả hai luôn biết cách làm dịu cơn nóng giận của nhau. “Vợ chồng tôi hiếm khi to tiếng với nhau. Nếu có, tôi tìm cách để chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì. Tôi hiểu rằng không có gì là tồn tại vĩnh viễn nên cũng không cần phải giữ hoài để cuộc sống nặng nề”, cô Anh nói.
Hàn gắn rạn nứt cho các gia đình trẻ
Ở tuổi 62, cô Nguyễn Thị Hường hiện là trưởng ban mặt trận khu phố, tổ trưởng phụ nữ, tham gia vào các câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực và giúp hàn gắn cho nhiều cặp vợ chồng.
Cô Hường kể, trong chuyện tình cảm cô chú để con cái mình tự do lựa chọn. Nhưng cưới nhau được một, hai năm thì vợ chồng bắt đầu lục đục. Các cuộc cãi vã tăng dần, ngày nào cũng cắng đắng nhau. Tất cả đều bắt đầu từ sự nóng giận, khó khăn về tiền bạc.
Cô Hường tìm cách nói chuyện với con trai rồi nói chuyện với con dâu. Cô không áp đặt đúng sai mà chỉ gợi mở từ câu chuyện của chính mình. Cô kể lại cách mình vượt qua cuộc sống cơ cực ngày xưa, cách ba mẹ làm hòa khi có tranh cãi để khéo léo nhắc các con: “Đừng giữ cái tôi của mình quá lớn. Đã là vợ chồng cần cư xử ôn hòa, nghĩ đến con cái”. Vậy là chẳng bao lâu, hai con có sự thay đổi, sống với nhau hòa thuận, cùng nhau sẻ chia công việc, nuôi dạy con.
Trong nhà đã ấm, cô Hường bắt đầu hướng sự giúp đỡ ra bên ngoài để giúp nhiều mái nhà trở nên ấm áp hơn. Điển hình là trường hợp của chị Oanh và anh Vĩ. Anh Vĩ chạy xe ôm, chị Oanh giúp việc nhà, nuôi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Cơm áo gạo tiền làm cho đôi vợ chồng nhiều lúc cơm không lành canh không ngọt. Giảng hòa được vài hôm thì chuyện cũ lại tiếp diễn. Biết rõ nguyên nhân bất hòa từ chuyện thiếu hụt tiền nong, cô Hường kết nối với địa phương hỗ trợ vợ chồng chị Oanh vay vốn để sửa lại chiếc xe máy. Có phương tiện, công việc của anh Vĩ dần ổn định, nhờ vậy mà gia đình cũng hòa thuận hơn.
Sau gia đình anh Vĩ chị Oanh, vài năm trở lại đây, cô Hường và các thành viên câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc không còn phải can thiệp bất kỳ một trường hợp nào khác. Điều đó chứng tỏ các gia đình đã biết cách tổ chức cuộc sống gia đình hơn trước rất nhiều.
Giống với cô Hường, cô Nguyễn Kim Anh hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc, thành viên tổ tư vấn cộng đồng khu phố 2, P.16, Q.4. Câu lạc bộ hiện duy trì 12 gia đình thành viên nòng cốt. Tất cả đều là những gia đình mẫu mực, có uy tín và là nhà hảo tâm hỗ trợ cho các hoạt động của câu lạc bộ. Khi biết gia đình nào đó có dấu hiệu rạn nứt, các gia đình trong câu lạc bộ sẽ chia nhau đảm nhận nhiệm vụ hàn gắn.
Cô Anh nói: “Để được đối phương tiếp nhận lời tư vấn của mình, quan trọng nhất vẫn là cách nói. Cô góp ý bằng sự chân tình, có sự bảo mật thông tin ngay cả với gia đình của người được cô tư vấn. Lựa chọn thời gian nói chuyện cũng rất quan trọng, phải biết lúc nào người ta có thể lắng nghe mình nói, biết lúc nào lời nói của mình có giá trị”.
Nói rồi, cô Anh kể về câu chuyện của vợ chồng anh B. và chị N., cả hai đều có trình độ và địa vị xã hội. Một hôm chị N. tìm đến nhà kể cho cô nghe chuyện vợ chồng họ bất đồng quan điểm, mâu thuẫn giữa mẹ chồng với con dâu, mẹ ruột với con trai. Cuối cùng, chị thông báo cho cô biết là vợ chồng chị quyết định ly hôn.
Nghe chuyện, cô Anh tâm tình: “Từ hai người không thân thuộc, các con tìm hiểu mới đi đến kết hôn, cũng đã có con thì chẳng có lý do gì phải đi đến chia tay. Đừng thắng thua với nhau, vợ chồng không hợp nhau thì bàn bạc, cùng nhau thống nhất quan điểm”. Rồi cô Anh gặp anh B., gợi chuyện để anh biết quý trọng vợ con, nhận thấy mình may mắn hơn biết bao người khi có vợ đẹp, con ngoan, kinh tế ổn định. Đôi vợ chồng trẻ đã suy nghĩ và cuộc sống cũng vui vẻ trở lại.
Với những gia đình khiếm khuyết, cô Anh lại có nhiều cách giúp đỡ lâu dài. Như gia đình chị Hạnh, chồng mất, chị đi làm nghề thêu để nuôi đứa con trai 10 tuổi. Để giúp mẹ con chị Hạnh vững vàng trong cuộc sống, cô Anh giới thiệu cho chị làm thêm công việc tạp vụ. Từ hơn ba năm qua, hằng tháng, cô còn trích tiền túi mua sữa, mua quần áo, đóng tiền học cho con chị Hạnh. Ngoài ra, cô và một thành viên câu lạc bộ cũng mở một sổ tiết kiệm cho con chị Hạnh với mức đóng là 500.000 đồng/tháng, kéo dài trong ba năm để hỗ trợ cháu mua sắm phương tiện học tập khi lên lớp Mười.
***
Theo số liệu của Hội LHPN TPHCM, hiện toàn thành phố có 2.015 câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc với hơn 4.000 thành viên tham gia sinh hoạt. Trong đó, ở mỗi câu lạc bộ đều có những gia đình tiêu biểu như gia đình cô Hường, cô Anh… làm nòng cốt và là tấm gương để các gia đình trẻ noi theo. Cuộc hôn nhân bền vững của các gia đình thành viên nòng cốt này luôn là những bài học sống động về việc gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu như thủy chung, nhường nhịn, hiếu thuận…
Đáng quý nhất là ở những người phụ nữ trong các gia đình nòng cốt ấy, ai cũng có cách riêng để vun vén cho hạnh phúc gia đình. Nhưng điểm rất chung ở họ là sự dịu dàng, mềm mỏng níu giữ và nuôi dưỡng ngọn lửa yêu thương. Ngoài sống gương mẫu và trách nhiệm với gia đình, họ còn biết cách và luôn sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm và kinh nghiệm để góp phần xây thêm nhiều mái nhà hạnh phúc khác.
12.259 nam nữ thanh niên tham gia các lớp tiền hôn nhân Thông tin từ Hội LHPN TPHCM, trong giai đoạn 2017-2020, Hội Phụ nữ 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã phối hợp với các ngành tư pháp, lao động thương binh và xã hội, văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo và Thành Đoàn TPHCM tổ chức 108 lớp tiền hôn nhân với 12.259 học viên, trong đó có 5.625 cặp đôi. 1.366 cặp đôi đã đăng ký kết hôn, 645 cặp đôi sống hạnh phúc, 1.994 cặp đôi tham gia phong trào Hội, 757 cặp đôi tham gia câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc. Thủy Nguyệt |
Theo phunuonline