leftcenterrightdel
 Wang Jianna chụp ảnh cùng Jiayi, con gái của cô, vào tháng 1/2017.

Wang Jianna bị một đôi nam nữ vật ngã xuống đất, giằng đứa con 6 tuổi ra khỏi tay cô rồi bỏ chạy. Camera giám sát đã ghi lại toàn bộ sự việc, thế nhưng Wang không thể làm gì bởi kẻ cầm đầu vụ bắt cóc lại chính là chồng Wang, cha của đứa trẻ.

Theo Wang, cảnh sát thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) đã từ chối xử lý vụ việc nêu trên và cho rằng không thể có chuyện một người cha bắt cóc con mình.

Sau đó, tòa án cũng trao quyền nuôi con duy nhất cho chồng của Wang với lý do cần phải giữ đứa bé trong "môi trường quen thuộc".

Một chiều tháng 1/2017, đó là lần cuối cùng Wang nhìn thấy con gái của mình.

"Hành vi bắt cóc là phạm pháp và không chính đáng, thế nhưng tòa án vẫn ủng hộ việc đó. Tôi cảm thấy không chấp nhận được", Wang (36 tuổi) nói trên New York Times.

Những đứa trẻ bị cha mẹ tranh giành

Kiện tụng tranh giành quyền nuôi con luôn là vấn đề căng thẳng ở mọi nơi trên thế giới. Tại Trung Quốc, các tòa án thường phán quyết đứa trẻ ở lại môi trường sống hiện có, cho rằng đó là điều tốt nhất cho chúng.

Nhưng điều này đã khiến nhiều bậc cha mẹ hình thành động cơ bắt cóc và che giấu con cái nhằm giành được quyền nuôi con duy nhất.

Sau 9 tháng có hành vi dùng vũ lực bắt cóc con gái, Liu Zhongmin (chồng Wang) bị cảnh sát thành phố Thiên Tân xác nhận đã gây thương tích cho Wang và mẹ đẻ của cô.

Cảnh sát đã ra lệnh tạm giữ hành chính Liu trong 10 ngày và yêu cầu anh nộp phạt khoảng 75 USD, tuy vậy vẫn không xử lý về việc Liu bắt đứa trẻ.

Liu không đưa ra bất kỳ ý kiến gì về vụ việc. Trong khi đó, luật sư của anh đã cúp điện thoại khi được New York Times yêu cầu phát ngôn.

Trong nhiều thập kỷ, luật pháp Trung Quốc không coi việc cha mẹ bắt và giấu con mình là phạm tội. Vấn đề ngày càng nghiêm trọng khi tỷ lệ ly hôn của đất nước này gia tăng.

Theo báo cáo gần đây của Zhang Jing, một luật sư gia đình nổi tiếng ở Bắc Kinh, ước tính có khoảng 80.000 trẻ em đã bị bắt cóc và che giấu vì mục đích giám hộ vào năm 2019. Nhiều người cho rằng con số này rất có thể cao hơn.

Một thẩm phán giàu kinh nghiệm ở thành phố Quảng Châu chia sẻ trên báo chí vào năm 2019 rằng hơn một nửa số vụ ly hôn ồn ào mà bà xử lý đều liên quan đến việc bắt cóc con cái vì mục đích nuôi dưỡng. Và thông thường, người cha đứng sau những vụ việc này (chiếm hơn 60%).

Ngoài ra, các vụ bắt cóc chủ yếu liên quan đến bé trai dưới 6 tuổi, phản ánh vấn đề trọng nam khinh nữ truyền thống ở Trung Quốc.

Dai Xiaolei, người sáng lập Purple Ribbon Mother’s Love, một tổ chức xã hội, cho biết: "Tình trạng này gần như trở thành một trò chơi: ai có quyền nuôi con thì có quyền giám hộ hợp pháp".

leftcenterrightdel
Cảnh quay CCTV do Wang cung cấp cho thấy vụ bắt cóc con gái xảy ra ngay bên ngoài nhà của mẹ ruột cô. 

Không thể gặp lại

Tranh chấp quyền nuôi con chỉ mới trở thành một vấn đề lớn ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Trước đó tại quốc gia này, một phụ nữ muốn ly hôn được cho là đã từ bỏ quyền nuôi con của mình. Nhưng điều này đã thay đổi khi phụ nữ ngày càng có được sự ổn định và độc lập hơn về tài chính.

Trên lý thuyết, luật pháp Trung Quốc có phần ưu tiên hơn dành cho phụ nữ. Trong trường hợp đứa trẻ từ 2 tuổi trở xuống, những người mẹ thường được trao quyền nuôi con duy nhất.

Nhưng trên thực tế, các thẩm phán có thể bị tác động bởi thể chế mà các chuyên gia cho rằng thường mang lại lợi thế hơn cho nam giới.

Ví dụ, nam giới được tiếp cận với nhiều nguồn tài chính và tài sản hơn, cho phép họ có thể có được thế mạnh hơn về quyền nuôi con.

He Xin, giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, cho biết: "Bản thân luật pháp có vẻ rất trung lập nhưng nhiều thứ phía sau nó lại không bình đẳng. Phụ nữ Trung Quốc thường thua thiệt so với đàn ông".

Cindy Huang là một trường hợp như vậy. Khi bắt đầu tính chuyện ly hôn vào năm 2014, các luật sư đã khuyên cô hãy mang con đi và giấu đứa trẻ trước khi ra tòa.

Thế nhưng Huang từ chối, cô tin rằng không cần phải hành động như vậy để bảo vệ quyền nuôi con của mình. Tuy nhiên, không lâu sau khi cô đệ đơn ly hôn, chồng của Huang đã giành quyền nuôi con.

"Thẩm phán đã nói với tôi rất rõ ràng: 'Không có cách nào để chúng tôi tước đi quyền nuôi con của cha đứa trẻ. Chúng tôi không thể trao quyền nuôi con cho chị'", Huang (43 tuổi) kể lại.

Sau khi kháng cáo bất thành vào năm 2016, Huang mới có thể có được một quyền lợi duy nhất đó chính là gặp gỡ con trai của mình ở quán cà phê 2 lần một tháng với sự giám sát chặt chẽ của chồng cũ. Huang ước rằng mình đã nghe theo lời khuyên của các luật sư.

Quay lại với câu chuyện của Wang, không lâu sau khi người chồng cũ của cô giành được quyền nuôi con gái, anh ta đã cắt đứt mọi liên lạc.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh của cô bé Jiayi được người cha cô cung cấp cho tòa án.
Năm 2020, Wang phải nhờ đến sự can thiệp của tòa án để buộc chồng cũ gửi ảnh của con gái cho mình.

Cuối cùng, cô nhận được một tấm ảnh chụp con gái đang tập đi với mái tóc thắt bím, xung quanh là đống đồ chơi nhiều màu sắc. Thế nhưng khuôn mặt của cô bé lại bị che bởi chiếc kính râm.

Wang cho rằng chồng cũ cố tình làm vậy bởi lo sợ một ngày nào đó, Wang sẽ đến và bắt cóc lại con gái của mình. Suốt nhiều năm qua, người mẹ vẫn mơ được đoàn tụ với đứa con mình thắt ruột sinh ra.

"Tôi sẽ tìm kiếm con gái suốt cuộc đời. Nhưng tôi không biết mặt nó khi lớn lên, tôi không biết phải làm thế nào", Wang nói.

Theo zingnews