Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Bạn tôi 45 tuổi mới lập gia đình. Hồi đám cưới, chị tổ chức thân mật trong gia đình nên ít bạn bè biết mặt chồng chị.

Sau đó, chị theo chồng đi định cư nước ngoài. Năm kia, trước khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới, vợ chồng chị về Việt Nam xây ngôi nhà đẹp trên đất cha mẹ và ở lại luôn. 

Công việc lu bu, mãi đến đầu năm nay chị mới mời nhóm bạn thân thời trung học đến nhà dự bữa tiệc.

Tiệc khá rôm rả, đầu bếp là chồng chị. Thực đơn gồm món khai vị, vịt nướng và lẩu. Món nào cũng ngon. Hầu như đầu bếp không cho một ai, kể cả vợ đứng lên khỏi ghế, dù chỉ là lấy thêm cái đĩa, ly…  

Bạn bè nhìn ông chủ thoăn thoắt “phục vụ”, các “quý bà” cứ tấm tắc khen anh. Chẳng những nấu ăn ngon mà anh bày biện bàn ăn, sắp xếp các món, trang trí… chuyên nghiệp như bếp nhà hàng. 

Chị kể chỉ phụ anh rửa rau, còn xếp thức ăn ra đĩa, chén, đũa… nói chung là việc vặt anh bao thầu hết. Món vịt nướng anh nói làm rút xương để các “quý bà” tiện ăn, không phải cầm tay, trôi son phấn. 

Đến món lẩu mới thấy đầu bếp tuyệt vời. Anh bày bếp, bỏ cồn, bật lửa rồi đặt nồi lẩu lên, chờ sôi, bỏ các thứ vào.

Món tráng miệng Panna Cotta mới là “điểm nhấn” khó quên, cũng do ông chủ làm.  

Một người buột miệng nói vui: “Phải công nhận bà T. đi đâu mà “lượm” về một ông chồng quá ngon lành”. Anh chồng cười hỏi lại: “Ngon hông?”. Cả bàn tiệc cười. Thật vui!

Thường để tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi bạn bè, khách tại nhà, vai trò đạo diễn luôn là bà chủ, có thêm sự hỗ trợ đắc lực của người giúp việc. Ông chồng đưa ra thực đơn vì ông biết tính ý những vị khách thích món này, món kia, sẽ hợp với rượu này, rượu nọ... Bà vợ căn cứ vào thực đơn rồi đi mua nguyên liệu hay giao cho người tin cẩn đi mua.

Và tất nhiên, vai trò của bà ở trong bếp có thể là chỉ cho người giúp việc nấu, còn không thì chính tay bà làm hết. 

Đó là chuyện thường thấy ở nhiều gia đình nên khi gặp như trường hợp ở trên, chúng tôi đồng loạt hâm mộ chồng bạn. 

Khi người đàn ông thích ăn ngon và biết nấu ăn, họ luôn muốn chính tay chế biến đãi khách dù có thể ngày thường họ không hề động tay vào bếp. Họ tự làm món nhậu đãi bạn, không phiền đến vợ. Vì thế hoàn toàn không có cảnh ông chồng ngồi ngay tại bàn và đòi vợ mang cho cái này, cái khác. 

Còn nữa, không giống phụ nữ hay “càm ràm” khi nấu nướng, với đàn ông khi đã chấp nhận vào bếp họ rất vui vẻ và đặc biệt họ làm rất nhanh. Tuy có bày bừa một chút nhưng họ dọn cũng rất khéo.

Cũng có trường hợp có ông nấu ăn giỏi nhưng lại bày bừa và lười dọn. Ông cho rằng phần đó là của bà vợ. Tất nhiên rồi, bà vợ cũng sẵn sàng ra tay dọn dẹp, lau bếp, rửa chén cho thật sạch sẽ theo ý bà, vốn là người cẩn trọng, kỹ càng. 

Tôi thấy nhiều bạn Facebook là nam giới thường đưa lên những món ăn họ chế biến.

Ví dụ một anh nói thèm ăn món Lào, Thái mà do dịch cả năm nay bạn chưa qua lại hai nước này. Tức thì một bạn nam khác bình luận: “Sao không mua nguyên liệu về tự làm lấy, mình có thể thay nguyên liệu này bằng nguyên liệu khác mà món ăn vẫn giữ nguyên mùi vị”. Đọc bình luận cảm giác các bạn nam ấy khá giỏi về bếp núc. 

Thật ra, ngày xưa khi quan niệm “chồng chúa vợ tôi” đè nặng, vẫn có nhiều người đàn ông nấu ăn rất giỏi. Có thể đọc được điều này qua hồi ức con cái họ kể lại. Thời hiện đại, nhiều bạn nam đi học xa nhà, nhất là ở nước ngoài các bạn ấy phải tự nấu ăn nên tay nghề ngày càng cao. Và chồng bạn tôi ở trên là một ví dụ. 

Theo phunuonline