Ảnh minh họa

Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, người lớn thỉnh thoảng ra ngoài làm một số việc thiết yếu nhưng trẻ em thì ở nhà hoàn toàn. Trẻ sẽ tận dụng thời gian để làm gì cho vui khỏe, phát triển mà vẫn an toàn, phòng chống dịch hiệu quả?

Phần tư vấn dưới đây của ông Ngô Kỳ Nam (nhà nghiên cứu và phát triển các dự án về phòng chống tai nạn thương tích, Công ty TNHH Betacas, TP.Thủ Đức, TP.HCM) hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin và kinh nghiệm hữu ích.

Mọi hoạt động đều diễn ra trong bốn bức tường nên để đỡ tù túng, cả nhà cần tìm kiếm các giải pháp làm rộng không gian, lọc đi những đồ không cần thiết, đóng gói những đồ ít cần thiết, xếp đồ đạc, chăn màn, quần áo, sách vở gọn ghẽ.

Trẻ cần quét nhà, lau nhà sạch sẽ, thoáng đãng. Người lớn hỗ trợ trẻ chế tạo đồ dùng cá nhân từ các vật thể bỏ đi hoặc những đồ không còn sử dụng nữa.

Khuyến khích cả nhà phơi nắng sáng sớm, tập thể dục hoặc bày ra những trò chơi mang tính vừa chơi vừa tập thể dục để cả nhà vận động, rèn luyện. Tạo các mô hình để bò, trườn...

Người lớn chịu khó tham gia với trẻ các trò như: cưỡi ngựa, xích đu, nhảy dây… Có thể có vài thách đố cho trẻ vui và hứng khởi. Ví dụ: thi chống đẩy, thi nhảy xa, học các bài học rèn luyện cơ thể tại nhà từ internet. 

Cùng lên kịch bản hiểm họa và cả nhà tham gia “diễn tập” thoát hiểm tại chỗ: hỏa hoạn, nổ, có người lạ đột nhập, xử lý sơ cứu khi người nhà gặp vấn đề về sức khỏe (nhận diện các dấu hiệu nguy cơ cần trợ giúp của người lớn, ví dụ như một người đột quỵ thì những người còn lại phải làm gì…).

Luyện tập kỹ năng sống cho trẻ: từ việc phụ giúp ông bà, cha mẹ lặt rau, gọt củ, nấu những món ăn đơn giản, nhất là pha chế những thức uống tăng sức đề kháng cho cả nhà. Giúp đỡ ông bà trong việc thu xếp đồ đạc của ông bà.

Trẻ cũng có thể đọc sách báo cho ông bà nghe; bàn luận những vấn đề xã hội. Soạn lại album ảnh cũ, ôn lại những ký ức đẹp, bà kể cháu nghe những câu chuyện sâu sắc về tình cảm gia đình…

Giãn cách xã hội là thời gian thuận tiện để đọc sách; rèn luyện, ôn lại, hệ thống lại kiến thức cũ cũng như tìm hiểu những môn mới, trải nghiệm các khóa học online. 

Người lớn nên quản lý việc trẻ chơi trên điện thoại, máy tính bảng, nội dung trẻ truy cập, thời gian chơi. Trẻ lén xem thiết bị điện tử trong bóng tối gây giảm thị lực, trí não và cơ thể lừ đừ, uể oải.

Giấc ngủ của trẻ giai đoạn này cũng dễ đảo lộn do chủ quan việc không đi học nên ngủ khuya, dậy trễ. Có khi buổi ăn sáng trở thành bữa trưa, tắm chiều thành tắm đêm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Ở nhà xem điện thoại quá nhiều, trẻ dễ mỏi mắt, buồn ngủ và ngủ ngày, nhưng giấc ngủ không sâu, bị rối loạn nhịp sinh học do sinh hoạt bất bình thường, vô giờ giấc. Dù giãn cách xã hội, trẻ em cũng cần được duy trì các hoạt động, sinh hoạt điều độ, nền nếp, đi ngủ và thức dậy đúng giờ bằng cách tạo ra cho trẻ các mục tiêu hấp dẫn để thức dậy.

Nếu gia đình có người thân cách ly tại nhà, trẻ cần được hướng dẫn kỹ năng phòng, chống lây nhiễm thứ cấp: tránh tiếp cận - tiếp xúc, cách ly hoàn toàn cơ hội tiếp xúc với người đang cách ly tại nhà. 

Theo phunuonline