Những người đàn ông nông thôn Trung Quốc đang cùng cha mẹ đến xem
quảng cáo "môi giới hôn nhân" ở Nam Kinh
Hiện nay rất nhiều đàn ông trẻ ở nông thôn Trung Quốc đang chọn cách cưới vợ nước ngoài, trong đó có Việt Nam bằng cách tự đăng quảng bá về bản thân trên các trang quảng cáo, hoặc bỏ tiền nhờ những dịch vụ mai mối hôn nhân ở Trung Quốc.
Người môi giới họ Ngô
Lý Vĩnh Soái chỉ gặp A Phương một lần ở một tiệm cắt tóc của “bà mai” Ngô Mỹ Ngọc, cũng là một cô dâu Việt đã đến Trung Quốc được 20 năm.
Ngô hành nghề “môi giới” cho những người đàn ông Trung Quốc muốn tìm vợ là phụ nữ Việt. Nơi xem mắt thường là tiệm cắt tóc của Ngô tại Phì Hương.
Những cô gái Việt Nam đến chỗ của Ngô thường không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp và cũng không biết tiếng Trung Quốc.
Cảnh sát Trung Quốc đã mở các cuộc điều tra đặc biệt về các đường dây “lừa đảo cô dâu”, sau khi hàng trăm cô dâu ở Hà Bắc bỏ trốn.
Tháng 12-2014, các điều tra viên cho biết họ đã có 3 đợt truy bắt những kẻ môi giới phi pháp cô dâu nước ngoài. Song, người môi giới Ngô Mỹ Ngọc vẫn không bị bắt.
Đến tháng 3-2015, cảnh sát Trung Quốc tiếp tục phát hiện một đường dây chuyên môi giới phi pháp cho đàn ông Trung Quốc lấy vợ Việt Nam, có 11 người bị bắt. Tuy nhiên, họ không công bố chi tiết vụ này.
Dù đã có hàng trăm cô dâu bỏ trốn khỏi Phì Hương nhưng những người đàn ông Trung Quốc này vẫn tiếp tục tìm vợ Việt qua mai mối của Ngô.
Người phụ nữ này đã đi về giữa Việt Nam và Trung Quốc nhiều lần để đưa nhiều nhóm phụ nữ trẻ người Việt đến Phì Hương với lời hứa lần mai mối này sẽ chắc chắn hơn.
Bởi, bà ta đã thu giữ giấy chứng minh nhân dân của các cô và hứa hẹn những người đàn ông trên có thể được miễn phí cưới vợ mới là người Việt, nếu như cô dâu mà bà ta vừa “giới thiệu” bỏ trốn khỏi gia đình chồng trước thời hạn 5 năm.
Bỏ vì gia đình chồng cấm cửa
Tuy nhiên, báo Financial Times viết rằng giấc mơ cưới vợ của họ đã nhanh chóng biến thành ác mộng khi gần đây hàng loạt cô dâu mới cưới đã phải bỏ trốn vì nhiều lý do, bất đồng ngôn ngữ, không hợp với tập tục và cách sống ở vùng nông thôn Trung Quốc.
Trong khoảng 10 năm qua, lượng cô dâu nước ngoài, trong đó phần đông là người Việt Nam đã được đưa đến những làng quê hẻo lánh ở Trung Quốc tăng nhanh.
Mỗi “chú rể” phải trả khoảng 18.055 USD cho một vụ môi giới hôn nhân chắc chắn với một cô dâu Việt Nam. Bên mai mối nhận số tiền này và chỉ chuyển ít tiền đặt cọc cho phía nhà cô dâu ở Việt Nam.
Nhiều cô dâu Việt cho biết họ không được phép về thăm gia đình mình ở Việt Nam vì gia đình chồng ở Trung Quốc quan ngại họ “một đi không trở lại”.
Hoặc, họ không chịu nổi cuộc sống khắc nghiệt và thói quen sống của nhà chồng ở các vùng nông thôn nghèo của Trung Quốc. Có người bỏ đi khi mới về nhà chồng vài ngày nhưng có người cũng đã ở được vài năm.
Truyền thông Trung Quốc cho biết hồi tháng 11-2014, có đến 100 cô dân Việt ở tỉnh Hà Bắc đột nhiên biến mất cùng lúc. Không chỉ ở Hà Bắc mà các tỉnh như Sơn Đông và Giang Tây thỉnh thoảng vẫn xuất hiện tình trạng “cô dâu Việt” bỏ trốn tập thể.
Những cô dâu này báo với nhà chồng họ đi dự tiệc và không quay lại. Lý Quí Thần, một trong những chú rể khoảng 40 tuổi ở huyện Phì Hương, tỉnh Hà Bắc cho đến nay vẫn chưa hiểu chuyện gì khiến người vợ Việt Nam mới cưới được 6 ngày của ông ta biến mất.
Thậm chí, đến tên của vợ mình mà Lý cũng không thể nhớ nổi. “Tôi không biết chắc tên cô ấy là gì, cô ấy cũng giống như một phụ nữ bình thường. Tôi chọn cô ấy vì thấy cô ấy đủ điều kiện hơn những cô khác”- Lý cho biết.
Tương tự, người hàng xóm của Lý Quí Thần là Lý Vĩnh Soái cũng đang không hiểu vì sao người vợ Việt Nam tên A Phương (tên do gia đình chồng đặt) của mình bỗng dưng biến mất.
Anh ta không biết được họ và tên thật của vợ là gì. Sau khi A Phương biến mất, gia đình Lý Vĩnh Soái tìm thấy một quyển tập, trong đó Phương ghi rằng cô bỏ đi vì không chịu nổi do gia đình chồng cấm cửa không cho cô đi ra ngoài.
Hoặc, cô không chịu nổi người chồng Trung Quốc vì anh ta có vấn đề về vệ sinh cá nhân, anh ta thường xuyên không tắm và người bốc mùi.
Khó chấm dứt vấn nạn
Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc khó mà chấm dứt vấn nạn này vì tỷ lệ chênh lệch nam nữ ở Trung Quốc đang ngày càng trầm trọng.
Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có giải pháp hiệu quả nào để giải quyết vấn đề của chính sách một con hà khắc và sự chuyển đổi phát triển kinh tế tập trung thành thị, bỏ quên nông thôn.
Trong 5 năm tới (2020), ước tính đàn ông Trung Quốc sẽ nhiều hơn phụ nữ nước này đến 33 triệu người. Hậu quả của chính sách một con hà khắc ở Trung Quốc đã khiến nước này từ một nước phải “xuất khẩu” cô dâu sang Đài Loan và Nhật Bản, giờ đây biến thành một nước phải nhập khẩu cô dâu từ các quốc gia châu Á khác, dù vấn đề này để lại những hệ lụy khó lường cho cả xã hội Trung Quốc và các quốc gia liên quan.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, chuyên gia xã hội học người Trung Quốc – Phương Thế Thành cho biết do phụ nữ Trung Quốc hiện nay phần đồng đều đổ về các thành phố để tìm việc. Họ hưởng thụ cuộc sống tiện nghi ở đây.
Chẳng hạn, họ có thể tắm táp hàng ngày và tất cả những điều kiện dễ chịu hơn khi còn ở vùng nông thôn nghèo khó.Với họ, thì đây là những điều kiện tối thiểu nhất mà nhiều người đàn ông nông thôn Trung Quốc còn không đáp ứng được.
“Nói chi đến những điều kiện cao hơn như nhà cửa, xe cộ khi muốn cưới họ. Đa số những phụ nữ trẻ Trung Quốc không thể rời bỏ thành thị để sống một cuộc sống có điều kiện vật chất thấp hơn”- ông Phương nói.
Theo Tuổi trẻ online