Bùng nổ nhu cầu

Trên trang web chính thức của công ty môi giới ô dâu một nước châu Á có trụ sở ở Singapore, công ty này cam kết sẽ giúp đỡ những người đàn ông “còn độc thân, đã ly hôn hay góa vợ tìm thấy được người phụ nữ sống trọn đời phù hợp, đúng ý mình” với “thời gian và thủ tục ngắn nhất”

Bên cạnh hình ảnh những cặp vợ chồng đang mỉm cười hạnh phúc, trang web này còn cho đăng quảng cáo giới thiệu về dịch vụ một cửa của công ty hướng đến đối tượng các chú rể tương lai muốn tìm kiếm tình yêu bên ngoài “đảo quốc”, 

Ngoài việc mai mối, trang web này  còn cung cấp thêm các dịch vụ khác như dịch vụ lên kế hoạch cho cuộc hẹn đầu tiên, sắp xếp các chuyến du lịch, bố trí những lớp học ngoại ngữ để giúp cho các cặp đôi mới có thể dễ dàng giao tiếp với nhau.

Cách thức hoạt động của trang web được tạp chí Foreign Policy mô tả như một phần của một xu hướng đang bùng nổ trên khắp Đông Á – một sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu đối với các cô dâu đã thúc đẩy (đôi khi là ép buộc) các phụ nữ từ các quốc gia nghèo (phần lớn là ở Đông Nam Á) xuất ngoại để lấy chồng ở một đất nước phát triển hơn.

Tổng cộng đã có hơn nửa triệu phụ nữ nhập cư vào khu vực Đông Á với mục đích kết hôn kể từ đầu năm 2000 đến nay – số liệu từ tạp chí Foreign Policy.

Đơn cử như ở Hàn Quốc, nếu như năm 1993, tỷ lệ nam giới lấy vợ nước ngoài chỉ là 1,6% thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên 8%.

Những mặt tối

Trong khi các “cuộc hôn nhân xuyên biên giới” đang phát triển thành một “ngành công nghiệp béo bở” ở Châu Á, những mặt tối của xu hướng này cũng đang dần lộ rõ.

Đấy chính là tình trạng nạn buôn người đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong làn sóng “xuất ngoại” của các cô dâu, vấn nạn này đã khiến nhiều quốc gia phải ban bố các quy định hạn chế về môi giới hôn nhân.

Tất nhiên, trong số các cuộc hôn nhân xuyên biên giới, vẫn có những phụ nữ quyết định “ra đi” theo chủ ý của họ vì cho rằng lấy chồng tây sẽ hứa hẹn một cuộc sống ổn định hơn, được nhập quốc tịch, và tất nhiên, có cả vì tình yêu.

Thị trường cô dâu châu Á hoạt động thế nào?

Nhu cầu lấy vợ ngoại đang đặc biệt phổ biến ở các quốc gia phát triển ở khu vực Đông Á như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).

Nhu cầu lấy vợ ngoại đang đặc biệt phổ biến ở các quốc gia phát triển ở khu vực Đông Á
như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và lãnh thổ Đài Loan. (Ảnh: Internet)

Theo một nghiên cứu có tên “Chào bán cô dâu: Những cuộc hôn nhân xuyên biên giới và tình trạng nhập cư của nữ giới” của 2 nhà kinh tế học Daiji Kawaguchi và Soohyung Lee công bố năm 2012, những người đàn ông tìm kiếm cô dâu ngoại do bởi ngày càng nhiều phụ nữ ở quốc gia họ trì hoãn việc kết hôn hoặc thậm chí là không muốn lập gia đình.

Những người phụ nữ có học vấn càng cao và càng trở nên độc lập tài chính thì sẽ lựa chọn việc “ở vậy” thay vì gắn bó với một người đàn ông có tính gia trưởng.

Theo hai nhà kinh tế học này, một người phụ nữ đã tốt nghiệp đại học ở các quốc gia phát triển Đông Á sẽ có nhiều khả năng (từ 50% đến 200%) vẫn còn độc thân so với một người phụ nữ có học vấn kém hơn.

Trung Quốc là một trong những tâm điểm của thị trường cô dâu ngoại do bởi tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng của quốc gia này. Năm 2014, Trung Quốc cho biết cứ 100 bé gái chào đời lại có 116 bé trai được sinh ra. Sự mất cân bằng này phần lớn do hậu quả của chính sách một con ở Trung Quốc. Trong một nền văn hóa nơi mà những người đàn ông được đánh giá cao hơn phụ nữ, kết hợp với sự sẵn có của công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi hiện tại đã khiến Trung Quốc trở thành quốc gia có tình trạng mất cân bằng giới tình trầm trọng nhất thế giới. Đến năm 2020, ước tính số đàn ông Trung Quốc đến tuổi kết hôn sẽ nhiều hơn số phụ nữ cùng độ tuổi này khoảng 30 triệu người.

Một mạng lưới các các công ty môi giới hôn nhân chuyên nghiệp đang giúp giữ “nhiệt” cho thị trường cô dâu. Trong một vài trường hợp, các công ty trung gian này sẽ tổ chức cho các đôi nam nữ muốn đăng ký (thường tiếp nhận đơn thông qua hình thức gửi email trên website) xem mặt và lựa chọn trực tiếp tại quê nhà của các cô dâu tương lai.

Các chàng trai độc thân sẽ đi thành đoàn theo nhóm hẹn hò, cuối cùng các đôi nam nữ sẽ bắt cặp với nhau, và chỉ trong một vài ngày họ có thể nộp giấy đăng ký kết hôn. Trong một vài trường hợp khác, quá trình này sẽ diễn ra ít theo trình tự hơn, ví dụ như các vụ mai mối thông qua người thân, bạn bè để phối hợp để tạo nên sự kết nối xuyên biên giới.

Cái giá cho 1 cuộc hôn nhân

Chi phí của một cuộc hôn nhân với cô dâu ngoại có thể bao gồm các khoản thanh toán cho nhà môi giới, của hồi môn, lệ phí tiến hành các thủ tục pháp lý, thường sẽ tiêu tốn hàng chục nghìn USD. Đơn cử như một gói rẻ nhất của trang web nói trên cũng sẽ “ngốn” của chú rể tương lai khoảng 4.500 USD.

Tuy nhiên, các vụ môi giới hôn nhân này không phải lúc nào cũng minh bạch. Các tổ chức nhân quyền cho biết, một số phụ nữ bị chính người thân của họ lừa đảo, ép buộc hoặc thậm chí bán để làm vợ cho người khác mà không theo ý muốn của họ. Vào tháng 1/2015, giới chức Campuchia đã bắt giữ 3 nghi phạm bị cáo buộc buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc để kết hôn. Vụ bắt giữ xảy ra chỉ vài tháng sau khi hai nước công bố kế hoạch soạn thảo một biên bản ghi nhớ để kiểm soát hoạt động buôn bán cô dâu xuyên biên giới.

Vỡ mộng

Có nhiều trường hợp, khi người phụ nữ đồng ý tự nguyện kết hôn với chồng tây với hy vọng đổi đời và đạt được một vị trí tốt trong xã hội nhưng lại bị cung cấp thông tin sai sự thật về nơi ăn chốn ở cũng như thu nhập của người chồng tương lai. Lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn từ hoạt động này, một số nước đã có gắng để điều chỉnh lại hoạt động môi giới cô dâu.

Ví dụ như ở Hàn Quốc, các công ty môi giới hôn nhân quốc tế phải đăng ký kinh doanh với nhà nước. Ở Việt Nam, các công ty hôn nhân thương mại bị cấm hoàn toàn.

Tỷ lệ ly hôn cao

Tỷ lệ ly hôn giữa các cặp vợ chồng nên duyên qua các công ty mai mối là rất cao. Ở Hàn Quốc, 4/10 cuộc hôn nhân kiểu này bị tan vỡ trong 5 năm đầu tiên chung sống – số liệu từ một cuộc khảo sát do Viện Korean Women’s Development Institute có trụ sở tại Seoul thực hiện.

Để cải thiện tình hình, năm ngoái Hàn Quốc đã đặt ra các quy định mới như: Các cô dâu nước ngoài phải thông thạo ít nhất một ngôn ngữ mà chú rể có thể nói đồng thời công dân Hàn Quốc hiện nay bị giới hạn nộp đơn xin thị thực hôn nhân duy nhất 1 lần trong 5 năm.

Trên thực tế, Hàn Quốc đã trích ngân sách hàng năm lên tới 100 triệu USD để tài trợ cho hoạt động tư vấn, dịch vụ phiên dịch và các lớp học ngôn ngữ cho người nhập cư để kết hôn cũng như những người nước ngoài khác và gia đình của họ.

Các nước phát triển khác cũng đang đầu tư các nguồn lực công để giúp phụ nữ hòa nhập với môi trường mới. Ví dụ như các chính quyền địa phương ở Đài Loan đã tổ chức nên các chương trình bồi dưỡng văn hóa cho các cô dâu nước ngoài.

Theo Foreign Policy/ antt.vn