Rachel Lim (29 tuổi) và hình ảnh khi nhập viện do bạn trai cũ bạo hành vào năm 2017. (Ảnh: Straits Times).

"Tình yêu và bạo lực không thể tồn tại cùng một chỗ”, Rachel Lim (29 tuổi), người phụ trách xây dựng nội dung cho một trung tâm chống bạo lực giới ở Singapore, vừa lắc đầu vừa kể lại với Straits Times.

Đó là niềm tin, đồng thời là lời khuyên của Lim gửi đến các phụ nữ khác đến từ kinh nghiệm suýt bị bạn trai giết của chính bản thân.

Tháng 8/2017, vì từ chối quan hệ tình dục, Lim bị bạn trai cũ tên Clarence Teo Shun Jie, vốn là một bác sĩ, đấm vào mặt, làm gãy mũi, gãy xương và gây chảy máu não. Màn đánh đập kéo dài vài giờ đồng hồ chỉ chấm dứt khi cha của kẻ bạo hành gọi cảnh sát.

6 tháng yêu, 3 lần đánh đập


Vết thương quá nặng khiến Lim nhập viện 3 tuần. Các bác sĩ tiến hành sửa mũi, hốc mắt và ngón tay út - vết thương tích khi cô cố chống đỡ những cú đánh liên tiếp.

Trong 6 tháng hẹn hò ngắn ngủi, Teo đã hành hung bạn gái 3 lần. Mỗi lần sau đều dã man hơn lần trước. Năm ngoái, anh ta bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam và bồi thường 4.000 USD. Hai tháng trước, Teo bị gạch tên khỏi sổ đăng ký hành nghề y.

Phải mất một thời gian, Lim mới thoát ra khỏi bóng đen của mối quan hệ bạo lực này.

Ngay từ tháng đầu hẹn hò, Teo đã đấm vào mặt bạn gái sau khi Lim kể về những mối quan hệ trong quá khứ, khiến máu văng hết ga trải giường.

“Tôi sốc không nói nên lời. Tôi nghĩ có lẽ anh ấy gặp vấn đề sức khỏe về tâm thần và không ý thức được mình làm gì. Tôi chỉ nghĩ nếu Teo sẵn sang đi trị liệu, chúng tôi vẫn có cơ hội bên nhau”.

Năm ngoái, Clarence Teo Shun Jie chịu án tù và bồi thường 4.000 USD. (Ảnh: Straits Times).

Lim vẫn bỏ qua thói bạo lực của bạn trai bởi những lúc bình thường, người đàn ông này vẫn thể hiện tình yêu và khiến cô hạnh phúc. Sau này nhìn lại, Lim nhận ra đó là những giây phút vui vẻ hời hợt.

Trước khi xảy ra vụ hành hung dẫn đến việc Teo bị bắt, gã bạn trai từng lao vào đánh Lim khi cô đang trên đường đi làm, bắt cô lên xe và lôi về nhà, lạm dụng trong suốt 10 tiếng sau đó.

Lần đánh đập thứ hai này khiến Lim lại cố tự sát bằng cách thuê phòng khách sạn và nốc một vốc thuốc ngủ song được cứu kịp thời.

Vì sự việc, Teo đồng ý đến gặp bác sĩ trị liệu nhưng mọi chuyện chỉ tạm lắng trong thời gian ngắn, trước khi cuộc tấn công thứ ba xảy ra.

"Cả nhà bạo hành tôi"

“Nhiều người tự hỏi sao một sinh viên sắp tốt nghiệp như tôi, có kiến thức đàng hoàng, lại để yên cho người yêu đánh nhiều lần. Nhưng học vấn hay trí thông minh không phải là lá bùa hộ mệnh chống lại bạo lực”, cô nói.

Lim cho hay kẻ bạo hành có thể đến từ mọi thành phần xã hội và dẫn chứng gia đình mình.

"Tôi bị gia đình ghẻ lạnh. Cả nhà, bao gồm bố mẹ, anh trai đều lạm dụng tình cảm, tâm lý và thể chất. Tôi đã từ mặt và không gặp họ trong vài năm”, Lim cho hay.

 
Để chứng minh rằng mình không nói dối, Lim đưa bản sao các báo cáo của cảnh sát về hành vi bạo lực của cha và anh lên mình. Năm 2015, Lim từng nộp đơn xin lệnh bảo vệ cá nhân chống lại cha mình.

“Về phần mẹ, bà sẽ trừng phạt bất kỳ lúc nào điểm số tôi không cao. Tôi đã rạch tay từ lúc còn tuổi thiếu niên”.

Một nhân viên tư vấn học đường phát hiện hành vi tự làm hại bản thân của Lim và muốn gọi cảnh sát. Nhưng Lim đã cầu xin người này đừng làm vậy vì sợ rằng cha sẽ trả thù.

Năm 22 tuổi, sau một cuộc xung đột bạo lực với cha, Lim chuyển ra ngoài sống.

Căng thẳng và sự tức giận tích tụ đẩy Lim rơi vào trầm cảm. Cô từng nhiều lần tự tử hụt. May mắn, một người hàng xóm cũ hiểu rõ sự tình đã đồng ý làm chứng chống lại hành vi bạo lực của cha Lim và cho cô đến ở cùng.

“Người hàng xóm xa lạ ấy chăm sóc cho tôi rất tốt và coi tôi như con gái ruột”, Lim bày tỏ.

Sau vụ việc với Teo, cha mẹ và anh trai không hề liên lạc, hỏi thăm mặc dù biết những gì đã xảy ra.

Khi phiên tòa bắt đầu và xuất hiện trên các mặt báo, Lim nhận được tin nhắn từ mẹ. “Bà ấy nói bóng gió rằng tôi không phải đứa trẻ ngoan và phần nào chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra”.

Sau nhiều năm sống trong lo sợ và ám ảnh vì những hành vi bạo lực liên tiếp giáng xuống, Lim đã tìm được hướng đi tích cực và quyết định giúp những người giống mình. (Ảnh: Straits Times).

"Tôi không còn xấu hổ"

Ngay sau khi xuất viện, cô nhận được các cuộc gọi từ tiến sĩ Sudha Nair, người sáng lập Pave (trung tâm thúc đẩy các biện pháp thay thế cho bạo lực), một cơ sở chuyên về chống bạo lực gia đình ở Singapore.

Những người ở Dịch vụ Bảo vệ Người lớn, một chương trình của Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình Singapore nhằm bảo vệ những người trưởng thành dễ bị tổn thương khỏi lạm dụng, đã nói với tiến sĩ Nair về trường hợp của Lim.

Tuy nhiên, sau nhiều cuộc gọi thuyết phục, Lim mới dần mở lòng và miễn cưỡng nhận sự giúp đỡ của trung tâm. Ban đầu, cô chỉ định đến các buổi chia sẻ để về sau có cớ từ chối Nairs.

Cuối cùng, cô tìm thấy sự đồng cảm khi chia sẻ câu chuyện của mình với một nhóm các nạn nhân bạo lực khác, gồm cả những người có địa vị xã hội, chức vụ cao.

Hiện đảm nhận người xây dựng nội dung cho trung tâm, Lim cho hay việc cởi mở đã giúp cô vượt qua những nỗi ám ảnh trong quá khứ.

Cô cũng mở lòng và có bạn trai mới, một kỹ sư thiết kế kiêm nhạc sĩ, trong 2 năm qua.

“Tôi không còn xấu hổ về những gì mình trải qua khi đã học cách khám phá và chấp nhận bản thân mình là ai”, Lim nói. Hiện giờ, cô nuôi mong muốn theo đuổi tấm bằng thạc sĩ ngành liệu pháp, tư vấn tâm lý.

Theo vietnamnet