leftcenterrightdel
Nhiều người lao động Nhật Bản từng không dám công khai nếu hẹn hò đồng nghiệp. Ảnh: Shutterstock. 

Trong hơn một năm, nỗi sợ trở thành mục tiêu của những lời đàm tiếu trong văn phòng hoặc làm mất lòng cấp trên khiến Junya Ozawa phải che giấu mối quan hệ tình cảm với một đồng nghiệp, theo South China Morning Post.

"Chúng tôi cho rằng mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu những người khác cùng cơ quan không biết", nam nhân viên 23 tuổi của một công ty tổ chức sự kiện ở Yokohama cho biết.

"Chúng tôi không muốn người khác nói về hai đứa. Bạn gái tôi nghĩ rằng công ty có thể chuyển cô ấy đến bộ phận khác hoặc thậm chí một văn phòng khác nếu phát hiện ra".

Từ lâu, các nhà tuyển dụng ở Nhật Bản không tán thành những mối quan hệ lãng mạn ở chỗ làm việc, vốn được xem là nguyên nhân gây mất tập trung hoặc khó xử trong một bối cảnh nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, đại dịch dường như đã khiến thái độ của nhiều người thay đổi, không ít người lao động cởi mở hơn trong chuyện tình cảm.

Ozawa và bạn gái đã nói rõ mối quan hệ giữa hai người sau khi bị một đồng nghiệp bắt gặp lúc hẹn hò. Nhưng ngay cả khi cặp đôi công khai, dường như chẳng ai bận tâm, các đồng nghiệp mừng cho họ và công ty không đưa ra phản hồi nào.

"Chúng tôi đã cho là điều này sẽ khiến nhiều thứ trong văn phòng thay đổi, nhưng mọi thứ vẫn tiếp tục như trước đây".

Cởi mở

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2021 bởi công ty mai mối và cưới hỏi Nhật Bản Tameny Inc cho thấy 45,7% trong số 162 người được hỏi đang tích cực tìm kiếm một mối quan hệ lãng mạn ở chỗ làm, tăng so với 38,2% trong một nghiên cứu 4 năm trước đó.

Đáng chú ý hơn là tỷ lệ người được hỏi cho biết muốn giữ bí mật về kiểu mối quan hệ này giảm mạnh, từ 41,3% còn 16,1%.

Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại Đại học Bunkyo, cho rằng điều này do sự thay đổi trong đời sống xã hội của mọi người giữa đại dịch.

"Thế giới riêng tư của chúng ta bị thu hẹp đáng kể trong vài năm qua. Trước đại dịch, mọi người được tự do đi chơi mọi ngày trong tuần, đến quán bar, nhà hàng, triển lãm hay các sự kiện văn hóa, chơi thể thao hay gặp gỡ người có chung sở thích. Nhưng mọi thứ đã thay đổi".

Ông Watanabe cho biết sự thay đổi này đặc biệt rõ rệt trong những ngày đầu đại dịch, trước khi có vaccine và các biện pháp can thiệp y tế hiệu quả chống lại Covid-19. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tâm lý từ cuộc khủng hoảng sức khỏe kéo dài rất lâu.

leftcenterrightdel
 Đại dịch khiến cái nhìn về tình yêu nơi công sở trong nhiều người Nhật thay đổi. Ảnh: AFP.

"Phần lớn mọi người đã ngừng ra ngoài và có ít cơ hội gặp gỡ những người hẹn hò tiềm năng hơn. Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng. Ngay cả với người lớn tuổi như tôi, trong vài tháng vào năm ngoái, những người tôi tương tác cùng chỉ là gia đình, hàng xóm và những nhân viên trong cửa hàng".

Cũng theo ông Watanabe, sự miễn cưỡng quay trở lại các quán bar, hộp đêm hay nhà hàng đông đúc trong nỗi lo nhiễm bệnh khiến việc tình yêu nảy nở nơi công sở là điều "không thể tránh được", khi những người lao động tìm thấy tình yêu với những người họ tương tác nhiều nhất.

Trong khi đó, giới trẻ Nhật Bản cũng trở nên cởi mở hơn trong các mối quan hệ và ít e ngại hơn về những mối tình công sở.

"Có thể đây là một nét văn hóa khác thường của Nhật Bản, nhưng mọi người từng muốn giữ cho cuộc sống cá nhân và công việc tách biệt nên không cởi mở về các mối quan hệ của mình", ông Watanabe nhận xét.

"Tuy nhiên, ngay cả tôi cũng có thể thấy điều đó đang thay đổi. Tôi cho rằng những người trẻ ngày nay đã thoát khỏi những căng thẳng tâm lý như vậy, họ ít quan tâm đến việc mọi người nghĩ gì về mình và kết bạn, đến với các mối quan hệ nhanh, dễ dàng hơn các thế hệ trước. Họ cởi mở hơn".

leftcenterrightdel
Vẫn có nhiều công ty khá thận trọng trước vấn đề nhân viên cùng văn phòng hẹn hò. Ảnh: Pakutaso. 

Theo Nancy Ngou, làm việc trong bộ phận nhân sự cho một công ty đa quốc gia lớn có văn phòng tại Tokyo, không phải tất cả công ty Nhật Bản đều chấp nhận sự thay đổi và phần lớn vẫn còn quan điểm khá thận trọng.

Tuy nhiên, có nhiều người sử dụng lao động, giống như một cấp trên cũ của Ngou, rất tích cực trong việc giúp nhân viên tìm được bạn đời.

"Đó không phải là chính sách chính thức của công ty nhưng một nhân viên đã được giao nhiệm vụ kết nối mọi người. Rõ ràng là công ty cảm thấy có trách nhiệm đối với mọi khía cạnh trong cuộc sống của nhân viên và cho rằng nhân viên sẽ hạnh phúc hơn khi có nửa kia ở chung văn phòng nếu mọi người có phải làm việc nhiều giờ".

Ngou, từng làm việc ở Mỹ, cũng cho rằng một yếu tố khác trong việc cố gắng kết nối mọi người có thể là sự lo ngại về tỷ lệ sinh giảm và dân số ngày càng già hóa ở Nhật Bản.

"Tôi biết có những nơi ở Mỹ người ta không thể tiếp tục khi một mối quan hệ nảy nở", cô nói, cho biết thêm việc công ty giúp mai mối là một "khái niệm khá lạ lùng".

Theo zingnews