leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK 

Mọi thứ khởi nguồn từ khi căn nhà cấp 4 sát vách nhà Yên được đập xuống toàn bộ. Cả ngày ồn ào, bụi bặm, tưởng tối sẽ yên, nào ngờ họ lại điều máy xúc tới hốt xà bần đến hơn 10 giờ đêm. Từng tiếng động lớn, chát chúa liên tục, lại thêm những va chạm tưởng như động đất khiến hai đứa con Yên sợ hãi.

Yên bảo chồng: “Hay anh qua hỏi xem khi nào họ ngừng, chứ trễ thế này rồi… Ai cũng đi làm cả ngày, tối về cần nghỉ ngơi”.

Chồng Yên ngó vợ một cái, thủng thẳng: “Lối xóm không mà, cả đời chắc họ cũng chỉ xây nhà một, hai lần; trời lại đang mưa gió, người ta phải thức làm đêm ướt át, em không thấy tội sao?”.

Yên chưng hửng. Bỗng nhiên cô thấy chồng mình sao cao cả vĩ đại vị tha quá. Còn Yên chẳng khác… mụ phù thủy ác độc, chẳng biết điều.

Yên bực bội gắt: “Nhưng làm gì cũng phải có giờ giấc, chẳng lẽ phải gọi đô thị xuống thì họ mới chừng mực sao?”. Chồng Yên tiếp tục lý lẽ của một người chắc vừa bỏ quên… đĩa bay ở đâu đó. Là Yên kết luận như vậy.

"Anh bay nhanh về hành tinh thần thánh của anh đi, không nên ở chung với mấy mẹ con phàm tục chúng tôi". Câu chốt ấy khiến cho màn đấu khẩu của hai vợ chồng dâng lên đỉnh điểm. Yên tức giận bỏ vào nằm với con, chồng Yên mở cửa mặc áo mưa bước ra ngoài…

Đây không phải lần đầu Yên cảm thấy chồng luôn không ủng hộ mình. Trong nhiều chuyện, nhiều lần, chồng luôn sẵn sàng theo phe người khác và bài xích, chê bai vợ.

Ví như hôm Yên mua cho con được hai bộ đồ thun kiểu cầu thủ với giá khá rẻ. Yên hào hứng khoe với chồng, rằng đây là loại quần áo con hay mặc mà anh thường mua đó, hôm nay mua được với giá hời ghê.

Chồng Yên phang luôn: “Cũng phải coi chất lượng thế nào. Em kiểm tra chưa, chứ đâu tự dưng mà nó bán rẻ cho mình”.

Hôm đó, Yên đã rõ ràng với chồng: “Chả lẽ em không biết xem đồ? Trong suy nghĩ của anh, vợ anh vụng về, ngốc nghếch tới mức đó ư?

Đúng ra anh chỉ cần rộng rãi khen một câu, kiểu như “ôi em siêu thiệt đó, chớp ngay được đồ tốt cho con, tiết kiệm được một khoản”. Như vậy chẳng phải vui vẻ cả làng sao?”. Chồng Yên có chút ngại ngần, lảng qua chuyện khác. Lúc chỉ còn hai vợ chồng, anh thiện ý nói: “Ừ, để lần sau anh rút kinh nghiệm”. 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Đừng nghĩ là chồng Yên dở giao tiếp, không biết làm vừa lòng thiên hạ mà lầm. Ra ngoài, anh rất được người ta quý mến, thậm chí còn khen là ứng xử nhẹ nhàng, lịch thiệp nữa kìa. Vậy mà với vợ con, anh luôn tự đặt mình ở “chiếu trên”, đặc biệt thích tỏ vẻ “thần tiên phương nào” mỗi khi Yên nổi cơn tam bành mắng con hay càm ràm chi đó.

Nhiều lần anh hành xử như vậy khiến Yên ức chế, ghét chồng; không cảm nhận được sự đồng điệu, bảo vệ, chở che từ anh. Yên ấm ức kể với cô em họ.

Em như bắt được tri kỷ, chia sẻ tình cảnh mình còn tệ hơn. Biết lắng nghe, chịu nhận lỗi như chồng chị đã là may lắm rồi chứ chồng em luôn nghi ngờ khi vợ làm bất kỳ việc gì. Mỗi khi có việc, chồng chưa bao giờ xem em là đồng minh. Vợ góp ý thì anh sẽ gây ầm lên, tự ái cao ngất trời. Em đành nhẫn nhịn cho êm cửa êm nhà. 

Câu kết của em khiến Yên tự hỏi có phải vì những người đàn ông như thế mà đời chúng ta khổ hay không. Phải chăng cứ bị hoài nghi, bài xích mãi, phụ nữ sẽ quen, thôi trông mong vào sự ủng hộ của chồng? Lâu dần, vợ không buồn hy vọng chồng hiểu hay trân trọng công sức của mình bởi ý nghĩ “có cố cũng vô dụng mà thôi”, chừng đó mới thật đáng lo ngại… 

Theo phunuonline