Nếu hôn nhân là một sự cố gắng, thì chúng ta cố gắng vì điều gì? - Ảnh minh họa
Cháu tôi, một người chồng trẻ mới kết hôn được hai năm, thường băn khoăn với tôi những chuyện liên quan tới đời sống hôn nhân.
Trước đây, vợ chồng cháu quấn quýt cả ngày không chán nhau, gần đây thì bắt đầu than vãn.
Nhân dịp cách ly xã hội chống dịch COVID-19, ở nhà cả ngày, và cháu gọi điện kể lể: “Bác ạ, cháu chẳng hiểu ra sao nữa! Trước cháu cứ nghĩ được ở bên cô ấy là sung sướng, là hạnh phúc, vậy mà dạo này, ở nhà cả ngày với nhau thì lại thấy chán ốm ra! Cháu chỉ mong sao hết dịch còn đi làm, còn ra ngoài gặp bạn bè, và chủ yếu là để… đỡ phải nhìn nhau”.
Tôi bảo: “Thật ra, điều cháu vừa nói đúng với mọi cuộc hôn nhân. Thời kỳ đầu là quấn quýt không rời, sau đó là bình thường lãnh đạm, sau đó nữa thì nhìn nhau là phát điên và kết thúc là ly hôn”.
Cháu băn khoăn: “Vậy kết cục của mọi cuộc hôn nhân, kể cả hôn nhân vì tình yêu, đều vậy sao?”.
“Đúng vậy, trừ một vài người hiểu sâu sắc rằng, trên đời này ta không thể đạt được điều gì mà không cố gắng, kể cả hạnh - phúc. Thậm chí, hạnh phúc cần nhiều cố gắng nhất”.
Thằng cháu nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên, tôi tiếp tục giảng giải: “Nói cụ thể, thời gian đầu các cháu quấn quýt nhau vì ham muốn, nhưng những ngày tiếp theo, muốn tiếp tục quấn quýt thì các cháu phải cố gắng”.
Như vậy, các bạn trẻ có thể thắc mắc tiếp, nếu hôn nhân chính là sự cố gắng, nhưng cố gắng điều gì?
Cháu tôi lại than thở: “Nếu cứ phải cố gắng, lúc nào cũng cố gắng, thì sẽ dẫn đến mệt mỏi. Phải chăng vì thế mà hôn nhân luôn dẫn đến mệt mỏi chán chường?”.
“Bản thân cuộc sống tự nó luôn đòi hỏi sự cố gắng rồi”, tôi giải thích và tiếp tục chuỗi hỏi đáp sau:
“Bác hỏi nhé, hiện cháu làm nghề gì?”.
“Cháu làm môi giới bất động sản cho một tập đoàn lớn ạ!"- Cháu tôi đáp.
“Á à, có phải chính cháu là cái đám suốt ngày gọi điện cho mọi người gạ gẫm mua căn hộ chung cư chứ gì? Thậm chí bị khách chửi cho vẫn cứ gọi chứ gì?”.
“Dạ, nghề chúng cháu là phải tìm khách hàng, và cố làm đẹp lòng họ, và trong số mười người chửi, chỉ cần một người mua là cháu có tiền, thế là vui rồi”.
“Vậy là cháu cố gắng làm mọi việc để đẹp lòng khách hàng, thậm chí bị chửi, bởi phần thưởng cuối cùng là số tiền có được nhờ bán căn hộ”.
“Đúng vậy ạ!”.
“Vậy câu hỏi của bác là, cháu cố gắng làm mọi thứ để đẹp lòng khách hàng, dù bị chửi, chỉ để có kết quả là được tiền từ việc bán nhà? Sao cháu không thể cố gắng mọi thứ để làm đẹp lòng người mình yêu, chỉ để có phần thưởng cuối cùng là hạnh phúc? Cái vì tiền thì cháu không thấy mệt mỏi, cái vì hạnh phúc của mình thì lại mệt mỏi là sao?”.
Thấy cháu tôi vẫn nghệt mặt ra, tôi lại tiếp tục: “Vợ cháu có thể rất khó chịu, có thể rất đáng ghét… nhưng dù thế nào cô ấy cũng không phải là khách hàng, mà là người cháu từng yêu và muốn kết hôn. Vậy hãy cố gắng làm mọi việc để vợ hạnh phúc, bởi phần thưởng cuối cùng chính là cháu được hạnh phúc đấy”.
Nghe tôi nói đến đây, thằng cháu mắt sáng lên như hiểu ra điều gì đó, nhưng lại băn khoăn:
“Nhưng nói thì dễ, làm mới khó, làm thế nào để bạn đời hạnh phúc, để chính mình cũng hạnh phúc, thật không dễ, vì thật ra, lắm lúc cháu chỉ muốn phát điên”.
“Ai cũng vậy”, tôi mỉm cười tiếp tục: “Cháu muốn điên thì vợ cháu cũng thế, nhưng rồi chẳng ai điên thực sự cả, đúng không? Vậy làm thế nào để vượt qua những khoảnh khắc khiến ta phát điên, để có thể tiếp tục làm đẹp lòng nhau?”.
Khác với “thích” - chỉ là cảm giác, tình yêu là hành động, là khát vọng “làm được điều gì đó” cho đối tượng yêu. Và hôn nhân chính là sự cam kết cùng nhau “làm được điều gì đó” cho người mình yêu thương. Và để “làm được điều gì đó”, ta không thể không cố gắng, do đó, hôn nhân là một chuỗi cố gắng được thực hiện bởi cam kết.
“Cố gắng được thực hiện bởi cam kết?”. Cháu tôi có vẻ ngạc nhiên vì điều này.
Đúng vậy các bạn ạ! Dù các bạn có sống thử với nhau, rồi sinh con với nhau trong thời gian bao lâu chăng nữa, như nhiều bạn trẻ ngày nay từng làm, mà chưa kết hôn, điều đó có nghĩa rằng các bạn chưa có cam kết gì với nhau cả!
Các bạn sống với nhau như vợ chồng, hoàn toàn tự nguyện vì yêu nhau, và các bạn thường bao biện cho cuộc sống đó bằng lý lẽ: chỉ tình cảm ràng buộc nhau thôi, hôn nhân chẳng qua là hình thức.
Thực tế không hoàn toàn như vậy!
Khi kết hôn, ngoài thủ tục đăng ký kết hôn, người theo công giáo còn đến nhà thờ làm lễ dưới sự chủ trì của cha cố, họ phải hứa trước Chúa lời hứa thiêng liêng rằng, họ sẽ bên nhau cho dù đau yếu bệnh tật, khó khăn hoạn nạn.
Với người không theo đạo, lễ cưới còn có phần cam kết với tổ tiên ông bà, rằng họ sẽ bên nhau đầu bạc răng long dù phải trải bao gian khổ hay vui sướng…
Như vậy, kết hôn thực chất là cơ hội để những người yêu nhau “cam kết” về nghĩa vụ sống chung, là cơ hội để họ thực hiện điều mà họ mong muốn được thực hiện, là “làm gì đó” cho nhau hạnh phúc.
Chính sự cam kết này khiến họ vượt qua những giai đoạn khủng hoảng. Tất nhiên, người ta vẫn có thể hủy bỏ cam kết bằng ly hôn. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, kết hôn hay cam kết là không cần thiết.
Theo phunuonline