Theo chồng sang Pháp định cư, đam mê móc len
Vốn là cựu sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân, tốt nghiệp xong thì Hoàng Thị Ngọc Anh kết hôn với một anh chàng người Pháp. Cưới xong, cả hai sang Pháp định cư.
Từng là học sinh chuyên Hoá, lại học đại học chuyên ngành kinh tế, những gì cô nàng được học không hề liên quan tới nghệ thuật, nhưng từ nhỏ Ngọc Anh đã thích làm đồ thủ công. Những thứ xinh xắn, đáng yêu luôn thu hút bà mẹ trẻ sinh năm 1992.
|
|
Hoàng Thị Ngọc Anh (sinh năm 1992) được 2 nhà xuất bản mời viết sách chỉ sau 10 tháng từ ngày học móc len. |
Trước khi theo đuổi đam mê móc len, Ngọc Anh có một cửa hàng online chuyên nhận vẽ tranh chibi. Sau khi sinh em bé, cô chỉ tập trung vào chăm con trong năm đầu tiên.
Trong một lần con gái ngủ trưa, vô tình lướt Instagram thì cô bị thu hút bởi bức ảnh của một bà mẹ khác chụp con gái đội một chiếc mũ len tự làm vô cùng đáng yêu.
Lúc ấy, cô chỉ có một từ khoá duy nhất là “crochet” (móc len) để mày mò tìm hiểu. Lúc ấy, móc len với cô thậm chí còn là một khái niệm xa lạ. Trước giờ, cô chỉ biết tới đan len, chứ chưa hiểu móc len là như thế nào.
Lên mạng tìm hiểu, rồi mua “đồ nghề”, sách vở về học, cuối cùng Ngọc Anh cũng cho “ra lò” sản phẩm đầu tiên là chiếc mũ tai mèo chi chít lỗi. Bà mẹ bỉm sữa cho con đội mũ rồi chụp cả trăm bức hình mang đi khoe khắp nơi.
Cô tham gia các hội nhóm cùng sở thích để cùng giao lưu, học hỏi. Ngọc Anh tự nhận những sản phẩm đầu tiên còn nhiều vụng dại nhưng cô luôn nhận được lời khen ngọt ngào từ các bà, các mẹ người Pháp vốn dĩ rất lịch sự.
Lúc này sở thích móc len đến với cô chỉ như một thú vui trong lúc rảnh rỗi, ngoài nhiệm vụ chính là chăm sóc con gái. Dù chỉ là một sở thích nhưng anh chồng người Pháp rất ủng hộ và luôn khuyến khích vợ nên có niềm đam mê trong cuộc sống.
Dần dần, từ những sản phẩm nhỏ móc lên mũ, khăn, túi…, cô “nâng cấp” tay nghề và làm ra những con thú bông, búp bê đồ chơi. Từ những ngày đầu chỉ làm theo sách hướng dẫn, cô lại tự sáng tạo chỗ này chỗ kia và bắt đầu làm theo những ý tưởng của mình.
Vì chăm con vẫn là ưu tiên hàng đầu nên Ngọc Anh chỉ đắm chìm với đam mê vào những lúc con ngủ hoặc khi chiều muộn - lúc chồng đã đi làm về và chăm con thay.
“Cái khó nhất ban đầu khi tự học là đọc hiểu hướng dẫn tiếng Anh, tiếng Pháp và ghi nhớ kí hiệu của các mũi len. Nhưng ngoài đọc hướng dẫn thì mình cũng xem song song video trên YouTube nên cũng hiểu nhanh hơn” - Ngọc Anh chia sẻ.
Dần dần, sở thích móc len của cô mới biến thành đam mê thiết kế, sáng tạo. Chỉ sau khoảng 6 tháng từ khi biết đến móc len, Ngọc Anh đã cho ra mắt mẫu móc đầu tiên. “Mình đăng lên các hội nhóm móc len, cũng chưa nhận được nhiều chú ý và tương tác của mọi người. Nhưng mình nghĩ đấy là chuyện bình thường vì cái gì cũng cần có thời gian, cũng giống như những bức tranh mình vẽ trước đó.
Mình cũng tự tin rằng bản thân có nhiều ý tưởng riêng mà chưa ai làm cả, nên vẫn tiếp tục làm, kể cả nếu không có ai thích, thì ít nhất là cũng thoả mãn được đam mê sáng tạo của bản thân”.
Viết sách
Ngay từ khi xem móc len là công việc nghiêm túc, Ngọc Anh đã có ước mơ một ngày nào đó sẽ viết được cuốn sách của riêng mình giống như các tác giả nổi tiếng khác mà cô từng theo dõi. Nhờ có mục tiêu rõ ràng và sau mỗi mẫu móc mới, lượng người theo dõi lại ngày một tăng nên cô không hề thấy nản mà ngược lại, càng quyết tâm hơn.
Tuy vậy, Ngọc Anh cũng không ngờ rằng chỉ 10 tháng từ ngày bắt đầu học móc len, cô đã nhận được lời mời viết sách của 2 nhà xuất bản. “Mình không ngờ là mọi thứ đến nhanh như vậy. Lúc ấy tài khoản instagram của mình cũng chỉ có tầm 10.000 người theo dõi (bây giờ con số ấy đã là 134.000) và mới cũng chỉ thiết kế được khoảng 10 mẫu”.
Vui sướng, hạnh phúc, hồi hộp, nhưng cô cũng tò mò “không hiểu sao nhà xuất bản lại chọn mình”, xen lẫn chút lo sợ. Cô hiểu viết hướng dẫn bán dưới dạng online là một chuyện, nhưng để viết tất cả mọi thứ vào một cuốn sách sao cho khoa học và dễ hiểu nhất, cuốn hút nhất thì không hề đơn giản.
Nhưng Ngọc Anh cũng nghĩ nếu mình từ chối cơ hội lần này, thì đến bao giờ mình sẽ có cơ hội tiếp theo. Nếu bây giờ mình rụt rè, lo sợ, thì cần bao lâu nữa mình mới đủ tự tin để bắt đầu… Sau một vài ngày suy nghĩ, cô quyết định sẽ làm thử, với suy nghĩ là cứ làm đi rồi sẽ học thêm được nhiều thứ nữa.
Khó khăn đầu tiên là việc diễn giải các kỹ thuật như thế nào cho dễ hiểu nhất, sắp xếp nội dung của cuốn sách sao cho khoa học nhất, rồi các mẫu thiết kế ra có được đúng như những gì mình muốn hay không… Nhất là khi cô lại viết sách không bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Trong thời gian tập trung viết sách thì cô vẫn cần phải ra những mẫu thiết kế mới khác, vừa là để duy trì thu nhập, cũng là vừa để duy trì tương tác, kết nối của mình với những người theo dõi trên mạng xã hội. Vậy nên, thời gian viết sách chính là khoảng thời gian mà khối lượng công việc của cô gấp 2-4 lần bình thường.
“Bên cạnh đó, mình còn phải đối mặt với việc các hướng dẫn của mình bị chia sẻ miễn phí tràn làn trên các nền tảng mạng xã hội, hoặc có cả những trường hợp người ta bán đi bán lại những hướng dẫn của mình cho người khác với giá rẻ hơn. Thế nên song song với việc sáng tác, mình cũng phải tìm hiểu về cách bảo vệ những thiết kế thuộc bản quyền của mình và cũng mất rất nhiều thời gian để đấu tranh bảo vệ nó”.
Ngay từ đầu khi coi đây là công việc chuyên nghiệp, Ngọc Anh đã xác định sẽ không móc từng sản phẩm để bán mà chỉ thiết kế, viết hướng dẫn và viết sách dạy móc len.
“Ví dụ như mình viết hướng dẫn móc ở dạng file pdf. Khi mọi người mua thì mình sẽ gửi qua email. Hoặc ở một số dự án, mình sẽ làm ‘kit’ móc và bán chúng để mọi người về tự tay làm theo hướng dẫn. Việc thiết kế một mẫu móc có thể mất một vài ngày, một vài tuần thậm chí cả tháng, nhưng khi thiết kế và viết hướng dẫn xong rồi thì hướng dẫn của mình chính là một sản phẩm và mọi người có thể mua liên tục, mọi thời điểm, mãi mãi.
Ngoài ra, cá nhân mình không thích làm đi làm lại một thứ giống hệt nhau, nên không đủ kiên nhẫn để móc đi móc lại một hay nhiều mẫu chỉ để bán. Mình luôn thích sáng tạo ra những mẫu mới, và cũng muốn lan toả những thiết kế của mình tới nhiều người, giúp nhiều người cũng làm được những thứ xinh đẹp giống mình. Thế nên việc thiết kế mang lại giá trị tinh thần rất lớn cho mình”.
Với định hướng này, Ngọc Anh khẳng định, hiện thu nhập của bản thân đang giúp cô tự chủ tài chính và có cuộc sống tốt ở nước Pháp.
Thành tựu lớn nhất của Ngọc Anh từ khi theo nghiệp móc len có lẽ là việc hoàn thành 2 cuốn sách - một tiếng Anh, một tiếng Pháp - và được dịch ra 6 thứ tiếng khác. Không chỉ dừng lại ở việc viết sách, viết hướng dẫn đơn thuần, cô còn có thêm rất nhiều dự án hợp tác làm việc với các tạp chí, hãng len, công ty xoay quanh việc thiết kế thú len.
Hiện tại cô đang trong giai đoạn thực hiện cuốn sách thứ 3 bằng tiếng Pháp và dự án làm kit len mới, sẽ ra mắt vào mùa thu đông năm nay.
Ngọc Anh nói, cô vẫn chưa đủ kinh nghiệm để đưa ra lời khuyên cho mọi người nhưng muốn nhắn nhủ các bạn rằng “hãy kiên nhẫn và cho mình thời gian”.
“Thầy giáo dạy toán cấp 2 của mình từng nói một câu mà mình luôn ghi nhớ: Vận may cũng chính là một dạng năng lực. Thế nên, mình luôn tự nhủ nếu mình chưa gặp may mắn tức là mình chưa đủ năng lực, mình phải cố gắng nhiều hơn nữa”.
Một số hình ảnh đẹp các sản phẩm móc len của Ngọc Anh:
Theo vietnamnet