|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Mỗi ngày, sau khi tan sở, vợ chồng tôi rước con về ghé nhà bà ngoại ăn cơm. Cuối tuần, má tôi mua trái cây, thức ăn, sơ chế sẵn rồi mang qua nhà tôi để đại gia đình tôi, trong đó có nhiều anh chị, bạn bè từ quê lên tụ họp, tiệc tùng.
Khi đi du lịch, đại gia đình 16 người của tôi thuê một villa. Ở chung suốt mấy ngày, vậy mà về đến nhà vài tiếng nhiều thành viên đã than buồn, than nhớ và lại tụ họp đi ăn đêm.
Các cháu tôi từ quê lên TP.HCM học thích ở nhà tôi, vì tính tôi thoải mái, thích đông vui. Những người bạn thân nửa đùa, nửa thật “bạn chưa trưởng thành”, nhưng tôi chỉ cười trừ: “Niềm vui của tôi là bầy đàn”. Thật sự, tôi từng nghĩ, nếu không có “bầy đàn” tôi không thể sống được. Tôi thích đám đông, sự náo nhiệt - đó là nguồn vui, lẽ sống của tôi.
Thế nhưng dịch COVID-19 làm đảo lộn mọi thứ. Giãn cách xã hội, vợ chồng tôi không thể về nhà má ăn ké cơm, mọi người xa gần cũng không còn tụ tập nhà tôi vào cuối tuần. Các cháu tôi đã “đào thoát” về quê khi TP.HCM bùng phát dịch. Nhà tôi vốn có chín người ở, luôn cười nói náo nhiệt, giờ chỉ còn hai vợ chồng và cô con gái năm tuổi - điều chưa từng xảy ra nên rất trống trải, hiu quạnh.
Tệ nhất là tới bữa ăn. Tôi uể oải vào bếp làm món trứng chiên lạp xưởng, trong lúc chồng tôi cắm cơm. Con gái thấy ba mẹ lúi húi trong bếp cũng vào, xin đập trứng, khuấy trứng, cắt lạp xưởng và chiên trứng cùng mẹ. Vừa làm, con và chồng vừa cười giỡn tíu tít, làm gian bếp rộn ràng. Bữa ăn ấy khá vui, con vừa ăn vừa khoe chiến lợi phẩm là đĩa trứng chiên thơm ngon. Cũng là lần đầu tiên, vợ chồng tôi không phải vật vã ép con ăn cơm.
Thế nhưng, tôi vẫn nhớ “bầy”. Ngày nào tôi cũng vào nhóm chat của đại gia đình để than thở. “Bầy” của tôi đa số sống ở miền Tây, nơi dịch đang phát triển. Chúng tôi gửi cho nhau những tấm hình kỷ niệm khi đi du lịch, sinh nhật, tiệc tùng… cùng nhau với bao sự thèm thuồng, tiếc nuối. Cuối buổi chat, ngoài hẹn nhau lúc hết dịch thì tất cả đều động viên nhau “cố lên”. Riêng ông anh rể tôi thấy mọi người than vãn quá nên la: “Người ta chỉ có thể chết vì đói, vì dịch bệnh, chớ không ai chết vì buồn. Giờ mỗi người tự tìm niềm vui và chăm lo cho mình, cho gia đình mình đi. Ráng giữ mạng để hết dịch hẳn mới tụ họp được”.
Chồng tôi đọc xong phán: “Anh Hai nói đúng đó, với lại xưa giờ tụi mình chưa bao giờ sống riêng cho gia đình nhỏ. Đây cũng là cơ hội để vợ trưởng thành”. Tôi biết là anh đùa, nhưng có lẽ đó cũng là mong muốn thẳm sâu của anh.
Tôi chưa biết phải làm “cách mạng” thế nào. Nhưng con gái thích cơm mẹ nấu cho tôi động lực vào bếp. Với tôi, cái bếp như món chơi đồ hàng, khi cả nhà phải dò dẫm, lần mò từng nguyên liệu, công thức nấu ăn. Bữa nấu ăn nào cũng cùng một kịch bản: Chồng và con gái nhặt rau, lột hành, tỏi. Tôi đứng trong bếp, mở điện thoại xem hướng dẫn sơ chế thực phẩm. Lúc nấu ăn thì điện thoại được chuyển cho chồng làm “thầy tuồng”, con gái làm phụ bếp, đứng kế bên chờ mẹ kêu “nước mắm, đường, bột ngọt…”.
Chồng tôi đùa “vợ là siêu đầu bếp nghen, có đến hai phụ bếp chất lượng”.
Những bữa nấu ăn bỡ ngỡ và vui vẻ đã làm tôi đỡ nhớ “bầy” và tôi cũng dần quen với cuộc sống của tổ ấm nhỏ chỉ có ba thành viên. Tôi chợt nhận ra: Cuộc sống lẻ bầy rất thú vị.
Trước đây, tôi quây quần bên đại gia đình, chồng thì xem ti vi, hoặc chơi game, con cũng cắm mặt vào điện thoại, iPad, hoặc đùa giỡn với các chị em họ. Chỉ đến lúc đi ngủ, vợ chồng tôi mới có không gian riêng và trò chuyện chừng 10 phút thì một bên đã “khò khò”. Còn bây giờ, ngoài nấu ăn cùng nhau, vợ chồng tôi bày đủ trò: chơi cờ tỷ phú, cờ cá ngựa, đọc sách, luyện phim bộ, làm bánh…
Quả thật, nếu không lẻ bầy, tôi không có cơ hội nghe được lời thủ thỉ của chồng: “Trông em thật quyến rũ khi đứng bếp”. Có một ngày trời mưa, chồng nhắn tin cho tôi, dù cả hai đang ở nhà: “Nhậu không?”. Tôi bấm “okie”. 5 phút sau chồng bày một đĩa khô bò, một đĩa hạt điều và một bình rượu nho chồng tôi ngâm.
Vợ chồng tôi vừa nhâm nhi rượu, vừa ôn lại chuyện thời mới yêu nhau rồi bàn về ngôi nhà cho tuổi xế chiều của chúng tôi. Hai vợ chồng lâng lâng, không biết say rượu hay say tình với cái nhìn âu yếm trao cho nhau - mà thật sự lâu rồi chúng tôi quên béng.
Sau bốn tháng giãn cách, tôi đã nấu ăn ngon lành và không còn nhờ thầy “Gúc gồ” hướng dẫn. Những ngày tháng giãn cách vô tình cho chúng tôi cơ hội sống với không gian riêng tư của gia đình mình, nghĩ món ăn ngon cho tổ ấm nhỏ rồi cùng nhau nấu nướng, chuyện trò, chơi đùa… Tình thân đại gia đình của tôi không mất đi, nhưng tình cảm giữa vợ chồng, cha mẹ con cái ngày càng khăng khít và thấu hiểu.
Theo phunuonline