leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Trên chuyến xe limousine từ Nha Trang lên Đà Lạt chỉ có năm người: anh tài xế, vợ chồng tôi và một cặp đôi trẻ. Đường đèo khiến chiếc xe lắc lư như đánh võng dù anh tài xế trẻ tuổi khá cứng tay. Sau khi xe dừng lại nghỉ để mọi người ăn trưa, chúng tôi từ hai ghế giữa quyết định chuyển lên ngồi cạnh anh tài xế để giảm bớt trạng thái bồng bềnh suốt một tiếng vừa qua. 

Lúc còn cách Đà Lạt khoảng gần 70km, có tiếng điện thoại reo. Anh tài xế nghe máy và tôi bị cuốn vào câu chuyện của anh lúc nào không biết. Tôi nghe loáng thoáng, nào là “Mẹ thấy đó, tội nghiệp con nhỏ, lại bệnh nữa!”, “Bố không gọi con không biết”, “Bởi vậy, đâu phải con giành giật gì, con chỉ muốn nó ở yên một chỗ chứ vài ba bữa sống nhà này, vài ba bữa ở nhà khác như người vô gia cư”, “Vậy mẹ nha, mai rảnh con chạy lên thăm”…

Buông điện thoại, anh thở dài, nói với chúng tôi: “Không biết anh chị cưới nhau lâu rồi thấy sao chứ tôi cưới vợ mới ba năm mà chán quá chán. Giờ nhìn thấy con gái cứ sợ sợ”. Trước đó, trong lúc ăn trưa, anh hỏi chúng tôi cưới chưa, rồi ngạc nhiên khi nghe câu trả lời. “Sao cưới 5 năm rồi mà cứ như vợ chồng son vậy?” - anh hỏi. Chúng tôi nhìn nhau cười: “Son hay không đâu phải do thời gian”. Lúc đó, anh không nói gì thêm. 

Chồng tôi hỏi: “Sao chán?”. Anh trải lòng: “Con nhóc nhà tôi mới sáu tháng tuổi, chưa biết bú bình; vậy mà vợ tôi bỏ con ở nhà để đi công tác tỉnh tới ba ngày. Cũng chuyện mẹ chồng nàng dâu nên vợ tôi cương quyết đi, kệ bà già cản. Mà hai bạn ở riêng hay ở chung với gia đình?”. “Tụi mình đều ở riêng, không sống cùng gia đình từ trước khi cưới” - chồng tôi trả lời. 

Anh tài xế tiếp một tràng dài: “Hồi đó, tụi tôi yêu nhau tới bảy năm trời. Tôi có nói trước, mai mốt cưới là làm dâu vì nhà còn mỗi mẹ tôi, ở riêng rồi không lẽ để bà sống một mình. Khi yêu, ai cũng thề non hẹn biển dữ lắm. Chia tay, vợ tôi giành nuôi con mà có nuôi được đâu. Cô ta lo đi làm, nay gửi con chỗ này, mai gửi con chỗ khác. Cô ta ở Nha Trang, nhà mẹ cô ta ở Bảo Lộc. Mỗi lần con bệnh, cô ta có nói tôi đâu. Mẹ tôi ở ngay đó, trông cháu có phải hơn không? Hễ con bệnh, cô ta lại gọi mẹ xuống đón về. Đi tới đi lui vậy tội con nhỏ chớ! Giờ tòa xử con theo mẹ, tôi cũng không biết làm sao. Cô ta còn nói: “Anh coi giữa tui với mẹ anh, anh chọn ai? Coi chịu nổi không?”. Tôi nói luôn: “Xin lỗi cô, mẹ có một, còn vợ thì… Anh chị thấy đúng không?”. 

Tôi không trả lời câu hỏi của anh tài xế. Chắc gì anh tìm được một người vợ tốt hơn cô vợ này, dù đúng là trên đời có rất nhiều phụ nữ. Thế nhưng sâu xa trong câu chuyện của anh, việc một cô gái tự tin vào tình yêu của mình đến mức ép chồng lựa chọn giữa mình và mẹ anh ấy, nếu tôi là anh, tôi cũng cho rằng quyết định chia tay với cô là đúng. Ở vị trí một phụ nữ, tôi không thể chấp nhận yêu một người đàn ông vô ơn, sẵn sàng từ bỏ gia đình mình vì tình yêu. Ở vị trí một người đàn ông (giả thiết), tôi càng khó chấp nhận bản thân là một đứa con tệ bạc. 

***

Cách đây vài tháng, tôi ghé thăm quán ăn nhỏ của một chị bạn người Việt lấy chồng người Nhật. Chị kể: “Chị lấy chồng được mấy năm rồi. Vợ chồng chị ở Việt Nam, lâu lâu mới về Nhật thăm nhà anh, mà chị với mẹ chồng rất xa cách. Năm nào chị cũng gửi thư mấy lần thăm hỏi mẹ chồng nhưng bà không đáp lại. Chị luôn cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt với bà nhưng có lẽ chị đã làm sai cách. Rồi chị viết thư cho bà rất ngắn gọn: “Mẹ à, hè này chúng ta cùng đi chơi nhé!”. Vậy mà bà đã trả lời thư của chị rất vui vẻ. Em thấy không, thay vì viết thật nhiều mỹ từ, chị chỉ viết một câu đơn giản, chân tình mà hiệu quả lại bất ngờ”.
Tôi từng nghe và chứng kiến khá nhiều chuyện không hòa thuận giữa mẹ chồng - nàng dâu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình. Như đã viết trong quyển Nhà có hai người, tôi nghĩ mối quan hệ nào cũng có hai chiều. Giữa mẹ chồng và con dâu cũng không ngoại lệ. Ở đây, tôi muốn nói thêm rằng, mâu thuẫn xảy ra, khó thể nói là tại bên nào mà phải là do cả hai phía chưa hiểu và hòa hợp được với nhau hay người trong cuộc (mẹ chồng, con dâu và người chồng) chưa đủ khéo léo trong cách đối xử, khiến mâu thuẫn cứ chất chồng. 
Chúng ta không đủ thời gian để phân tích từng hoàn cảnh một. Tuy nhiên, tôi nghiệm ra, có một sai lầm nhiều người thường mắc: tự vạch ra ranh giới trong mối quan hệ. Mẹ chồng cứ nghĩ cô gái mới về nhà mình là “con dâu” còn cô con dâu cứ nghĩ mẹ của chồng là “mẹ chồng”. Tôi may mắn được bố mẹ chồng xem như con gái và tôi luôn xem bố mẹ là bố và mẹ với lòng biết ơn sâu sắc vì đã sinh ra và nuôi nấng người đàn ông đã dành cả phần đời còn lại của anh để che chở tôi. Dù giữa chúng tôi chưa có nhiều kỷ niệm chung nhưng rồi sẽ có. Chúng tôi chưa thật sự hiểu nhau nhưng rồi sẽ hiểu. Chúng ta cần mở lòng, yêu thương lẫn nhau thật chân thành, thật tự nhiên để tháo bỏ những định nghĩa thông thường về một mối quan hệ. 

***

Mẹ đẻ của tôi - một phụ nữ hiền lành - đã ở với bà nội tôi đến nay ngót nghét 30 năm. Mẹ chẳng bao giờ thủ thỉ tâm sự với nội, chẳng biết nói những lời khiến nội vui. Mẹ cũng biết khuyết điểm của mẹ là ít nói, nên mẹ cố gắng bù đắp bằng hành động. 

Vào mùa nước nổi, khi đi chợ, mẹ thường tìm mua món cá linh nội thích. Khi đi du lịch, mẹ luôn nghĩ mua gì làm quà cho nội vui vì nội tôi rất thích được con cháu tặng quà. Trong nhà, bánh trái luôn đầy ụ quanh giường nội. Gặp ai, mẹ cũng kể chuyện “vòng này bà nội bé Ngọc cho nè”… 

Nội tôi rất thương con cháu. Riêng với con dâu, dù không quá khó khăn nhưng hình như theo lối hành xử của người xưa, nội chưa từng thể hiện tình cảm yêu thương với mẹ tôi và cả với những người con dâu khác. Dù thế, mẹ tôi chưa một ngày nào không xem nội là mẹ, chưa một lần bất kính, thậm chí mẹ tôi lo cho nội còn nhiều hơn cho ngoại. Bởi vậy, cha con tôi rất thương mẹ. 

Đến lúc tôi lấy chồng, mỗi lần nhắc tới người mẹ thứ hai của tôi, mẹ thường nói: “Mẹ vừa nói chuyện điện thoại với mẹ con” thay vì “Mẹ vừa nói chuyện điện thoại với mẹ chồng con”. Mẹ không dạy tôi lời nào rằng phải hy sinh hạnh phúc của mình mà dạy tôi sống theo cách trái tim tôi cảm thấy bình yên nhất, hạnh phúc nhất, không phải áy náy hay hối tiếc. 

Có lẽ nhờ được nuôi dưỡng bằng tình thương của mẹ nên quan điểm của tôi là trong tất cả các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, chính mình phải chân thành trước, còn việc mình có được đáp lại xứng đáng không thì… tính sau. 

Nếu chồng bạn vì mẹ mà hằn học với bạn, hãy trách bản thân chứ đừng trách mẹ chồng. Dù gì, đó cũng là mẹ của chồng bạn và chúng ta đều biết “Mẹ chỉ có một trên đời”. Chồng bạn hẳn sẽ trân trọng một người vợ biết cư xử hơn là một người luôn than vãn, tìm cách chia rẽ anh và gia đình. 

Các cô gái của tôi, các cô đã, đang và sẽ bước vào một cuộc hôn nhân (hứa hẹn) đầy hạnh phúc. Các cô sẽ cư xử và dạy con gái mình cư xử thế nào để ở thế hệ chúng ta và những thế hệ sau, khoảng cách giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ thật sự được xóa bỏ? 

Theo phunuonline