Đoàn học sinh - sinh viên dự Trại Hè Việt Nam 2017 chụp ảnh lưu niệm tại biểu tượng Mũi Cà Mau.

Trước khi tham dự Trại Hè Việt Nam, tôi hình dung đây như một cuộc gặp gỡ của những người có chung nguồn gốc Việt Nam nào đó ở khắp nơi trên thế giới, đơn giản là tụ tập, cùng đi tham quan vài nơi, rồi chia tay.

Thế nhưng, trải nghiệm Trại Hè 2017 - cuộc hội ngộ quốc tế của những người trẻ tuổi, tôi mới thực sự nhận ra, nó mang lại nhiều hơn thế. Đó là những cảm xúc mà chỉ người trong cuộc mới may mắn có được và có lẽ nó sẽ đi theo suốt những năm tháng thanh xuân của mình.

Đi tìm cội nguồn

Trong hành trình 14 ngày với khẩu hiệu "Tuổi trẻ kiều bào tự hào về đất phương Nam", tôi được ghé qua tất cả các tỉnh, thành của miền Tây Nam Bộ cùng hơn 120 bạn đến từ 25 quốc gia trên khắp thế giới. Mỗi chúng tôi có thể nói tiếng khác nhau, có thói quen, lối sống, sinh hoạt khác nhau do sinh ra và lớn lên ở các môi trường văn hoá khác nhau, nhưng ở chúng tôi có một điểm chung nhất - dòng máu Việt. Những người con Việt Nam ở bất cứ nơi đâu đều dễ dàng gắn kết dù chỉ mới gặp nhau lần đầu.

Tôi vẫn nhớ cảm giác bỡ ngỡ, cô đơn ngày đầu khi chỉ có mình tôi là đại diện từ Belarus tham dự trong khi các bạn đoàn khác đông hơn, thậm chí như CH Czech với hẳn "đội quân" 11 người. Nhưng cảm giác đó nhanh chóng tan đi bởi những câu hỏi thăm thông thường mà rất thân thương từ những "Việt kiều xa xứ" - "xin chào, rất vui được gặp bạn". Thật đơn giản, sự lạc lõng tự nhiên biến mất, người ta sưởi ấm lòng nhau chỉ bằng những cử chỉ, câu nói nhẹ nhàng như vậy. Mối quan hệ cứ thế lan rộng. Trại Hè đã mang lại cho tôi những người bạn mới, cơ hội được biết những người anh, người chị, những nền văn hoá riêng, độc đáo từ khắp nơi trên thế giới.

Trại Hè Việt Nam còn là cánh cửa trở về với lịch sử dân tộc. Trải nghiệm nó, tôi biết thêm về di tích lịch sử Việt Nam, về công cuộc khai hoang, mở cõi của cha ông ta, về những chiến công hiển hách chống ngoại xâm của người dân miền Tây anh hùng... Đó là Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại TP.HCM, Dinh Thống nhất, Lăng Mạc Cửu..., mộ chị Sứ - nữ anh hùng Đất Mũi kiên cường, mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cảm giác thiêng liêng khi cầm nén hương, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của những vị anh hùng dân tộc, lắng nghe câu chuyện về cuộc đời anh dũng của họ, trong mỗi người chúng tôi, đều dấy lên một niềm tự hào mãnh liệt. Người Việt thật dũng cảm, anh hùng, bất khuất và cũng rất cần cù, thông minh. Đâu đó những câu thơ, bài hát mà từ lâu chúng tôi đã từng nghe đến, nhưng nay mới thực sự được chứng kiến. Trong tôi trào dâng một tình cảm, mình cần phải noi gương họ, làm điều gì đó thiết thực để xứng đáng với các bậc tiền bối, tiếp tục công cuộc hưng thịnh đất nước. Sau chuyến đi này, tôi đã có thể tự tin khoe và lý giải với bạn bè của tôi tại Belarus, vì sao đất nước, người dân Việt Nam không lớn, không giàu nhưng lại có thể chiến thắng mọi thế lực hùng mạnh như vậy.

Bên cạnh những di tích lịch sử, không thể thiếu những danh lam thắng cảnh, địa danh văn hóa, những vùng đất độc đáo như chùa Vĩnh Tràng được xây dựng bởi kiến trúc Á - Âu đặc sắc (Tiền Giang), nơi giao thoa nhiều tôn giáo; miệt vườn, nhà cổ Cái Bè với những loại cây quý hiếm; Tràm Chim (An Giang) với vô số những loại chim lạ; Núi Cấm (Kiên Giang) - nơi có tượng phật Di Lặc bằng đá lớn nhất châu Á; Hồ Thuỷ Liêm trên vùng núi cao mờ sương; Chợ nổi Cái Răng nườm nượp người trên những chiếc xuồng giăng kín sông; Mũi Cà Mau tận cùng phương Nam của Tổ quốc... Chúng tôi sẽ nhớ mãi một Việt Nam xanh tươi hùng vĩ, một Việt Nam giàu bản sắc, một Việt Nam mà đi đâu chúng tôi cũng tự hào gọi tên.

Ấn tượng khó quên

Chúng tôi cũng đã có những kỷ niệm rất vui tại đây. Trên những con thuyền gập ghềnh, chỉ với tay ra thôi là thấy dòng sông mát rượi, nhưng sơ ý có bạn mải vui đã gửi lại chiếc điện thoại của mình dưới lòng sông. Trên cột tháp cao nhìn ra mênh mông sông nước Tràm Chim, chú hướng dẫn viên tội nghiệp suýt bị một chú ong lạc đàn cắn tơi tả. Rồi những lần cùng nhau ca hát trên thuyền, cùng vỗ tay hào hứng vang cả một vùng. Những lần dừng chân tại mỗi địa điểm mua quà, những đặc sản địa phương độc đáo thu hút chúng tôi tới mức không muốn lên xe về nhà. Rồi cùng nhau ướt như chuột lột khi một cơn mưa bất chợt ập đến nhưng ai nấy đều rất muốn chụp ảnh. Hay con đường xa xôi gập ghềnh đến mũi Cà Mau khiến xe chúng tôi xóc như nhảy đầm nhưng ai nấy cũng cười đùa rất vui vẻ. Chúng tôi đã có những ngày tươi đẹp của tuổi trẻ gửi lại trên vùng đất phương Nam này.

Không chỉ hiểu thêm về quá khứ, Trại Hè còn giúp chúng tôi suy ngẫm hơn về bản thân hiện tại cũng như tìm hướng đi cho tương lai. Đó là cuộc gặp gỡ với "nhà phiêu lưu" John Hùng Trần - người đã du lịch xuyên Việt trong 90 ngày mà không có đồng nào trong túi. Lắng nghe chuyện đời của người con gốc Việt tại Mỹ với hành trình tìm lại bản thân tại đất mẹ, chúng tôi được tiếp thêm rất nhiều hứng khởi, động lực. Lá rụng về cội, sông chảy về nguồn. Đời người có đi xa đến đâu, làm việc to lớn nhường nào thì vẫn luôn có nơi để trở về mang tên "quê hương". 

Tôi có một suy nghĩ: thanh niên không nên phí hoài tuổi thanh xuân vào những việc vô bổ, mà nên đóng góp sức trẻ của mình cho mảnh đất quê hương này. Việc làm thiết thực đó, chúng tôi đã được tham gia ngay chính tại Trại Hè này. Dù đều là những sinh viên, học sinh chưa làm ra của cải vật chất, chúng tôi vẫn cố gắng đóng góp một chút ít để giúp đỡ những người nghèo, những anh hùng có công với Cách mạng. Những hoạt động thiện nguyện đó giúp chúng tôi hiểu rằng hạnh phúc là sự cho đi và niềm vui có được đằng sau đó còn lớn hơn rất nhiều vật chất nhận được.

Nắm chặt tay nhau

Chúng tôi, những người trẻ tuổi, nên Trại Hè không thể thiếu những hoạt động giao lưu với nhau. Cuộc gặp gỡ với thanh niên Đồng Tháp là khoảng thời gian hết sức sôi nổi, chúng tôi đã “cháy” hết mình cùng những người bạn lần đầu tiên gặp mặt, cùng hát, cùng nhảy, cùng tham gia trò chơi và nhận những món quà kỷ niệm. Tôi thực sự bất ngờ trước sự nhiệt tình của các bạn, và một lần nữa những tình bạn đẹp lại nảy nở như thế.

Hai tuần trôi đi nhanh chóng, chúng tôi cùng đồng hành khắp mọi nẻo đường miền Tây Nam Bộ với tất cả những cung bậc cảm xúc. Bỡ ngỡ, làm quen, vui chơi, ca hát, tìm hiểu ẩm thực đường phố... tất cả những nụ cười, giọt nước mắt, cái hôn vội cùng những dòng lưu bút chằng chịt trên chiếc áo đồng phục thân thương sẽ mãi là những kỷ niêm đẹp không bao giờ quên trong ký ức của tôi.

Có lẽ sẽ thật khó có lại một lần nữa, cả hơn 120 trại sinh chúng tôi ngồi bên nhau ê a những câu hát, mà với rất nhiều bạn để thuộc lời thực sự là một thử thách lớn. Sẽ có lúc tôi mơ ước rằng, giá tôi có thể quay lại những buổi tập duyệt, luyện văn nghệ, giá tôi có thể dậy sớm hơn một chút để ăn sáng cùng tất cả mọi người, giá như đêm bế mạc đầy nước mắt đó, chúng tôi đã nắm tay nhau chặt hơn chút nữa.

***

Vì sao tôi lại gọi rằng đây là chặng đường "tự trưởng thành" của những kiều bào xa xứ? Bởi với tôi, trưởng thành là khi người ta dám mở lòng với những người xa lạ, biết ghi nhớ cội nguồn của bản thân, suy ngẫm về hiện tại và có những quyết định nghiêm túc cho tương lai. Thật may mắn khi thanh xuân đi qua, chúng tôi -125 trại sinh tại Trại Hè Việt Nam 2017 đã cùng nhau tự trưởng thành như vậy.

Lá rụng về cội, sông chảy về nguồn. Đời người có đi xa đến đâu, làm việc to lớn nhường nào thì vẫn luôn có nơi để trở về mang tên "quê hương". 

Trại hè Việt nam còn là cánh cửa trở về với lịch sử dân tộc. Trải nghiệm nó, tôi biết thêm về di tích lịch sử Việt Nam, về công cuộc khai hoang, mở cõi của cha ông ta, về những chiến công hiển hách chống ngoại xâm của người dân miền Tây anh hùng...

                                                                     
Theo Thế giới và Việt Nam