Tina Ngô (hàng dưới, đầu tiên từ phải sang) cùng các bạn học ở Mỹ.


"Tôi nhớ khi mình thường xuyên bị bắt nạt ở trường tiểu học vì không nói tốt tiếng Anh, tôi đã nói dối suốt một tuần rằng mình thực ra là một thành viên hoàng tộc đến từ Việt Nam và đưa bức ảnh này cho họ xem", Tina kể lại trên Twitter hôm 3/9 và đăng kèm bức ảnh cô ăn vận như một công chúa thời phong kiến. Bộ trang phục thực tế được Tina thuê để chụp ảnh trong một chuyến tham quan. 

"Những người Mỹ đó đã nhanh chóng im lặng và hỏi tôi thực sự xuất thân từ gia đình thanh thế phải không", Tina cho hay.

Theo Inquirer, bức ảnh của cô gái gốc Việt nhanh chóng gây sốt trên mạng xã hội, thu hút tới 180.500 lượt thích, hơn 44.000 lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận.

Nhiều người gốc Á từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Bangladesh đã bày tỏ sự đồng cảm với Tina và bất ngờ cho biết họ cũng từng giả danh thành viên hoàng gia để tránh bị bắt nạt ở Mỹ.

"Tôi là hậu duệ của vua Sejong", một cô gái Hàn Quốc viết khi chia sẻ bức ảnh mình mặc hanbok thuở bé.

"Tôi từng là hoàng tử Trung Quốc", một chàng trai đùa khi đăng bức ảnh mình mặc trang phục hoàng gia.

"Tôi cứ như một kẻ bị xa lánh ở trường vì ngoại hình và cách nói chuyện khác với cộng đồng da trắng vùng ngoại ô", Tina kể. Cô bị bạn bè cùng lớp làm lơ và chế giễu sau lưng. "Nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ không để thơ ấu của mình lặp lại như thế", Tina nói.Trong cuộc phỏng vấn với kênh AJ+ hôm 18/9, Tina cho biết cô từ Việt Nam sang Mỹ định cư cùng gia đình năm 7 tuổi và sống ở bang New Jersey. Gần đây, cô tình cờ tìm lại được bức ảnh trên và quyết định chia sẻ câu chuyện của mình. 

Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn từ khi Tina đưa cho họ xem bức ảnh trên và nói dối rằng mình là một công chúa ở Việt Nam. Từ đó, bạn bè bắt đầu quan tâm và nói chuyện với cô.

"Đó chỉ là một bức ảnh hài hước nhưng những phản hồi mà tôi nhận được cho thấy rằng chúng ta đang sống ở một nơi mà mọi người thực sự phải gồng mình để đối mặt với những vấn đề hay sự quấy rối tương tự", Tina nói. "Tôi tin rằng đây không chỉ là chuyện cá nhân bị bắt nạt mà nó xuất phát từ một vấn đề xã hội sâu xa hơn".


Khoảng một nửa trẻ em ở Mỹ hiện nay thuộc cộng đồng thiểu số hoặc có gốc gác từ nước ngoài. Sự phân biệt chủng tộc vẫn là lý do hàng đầu khiến các em bị bắt nạt.

Năm 12 tuổi, Tina đã cùng gia đình quay lại Việt Nam để tìm hiểu về cội nguồn. Khi lớn lên và vào đại học, cô trở nên thoải mái hơn về màu da khác biệt của mình.

"Bây giờ tôi rất tự tin về việc là một người Việt Nam. Tôi thực sự nhấn mạnh rằng mình là người Việt và tôi tự hào là một người Việt Nam".

Theo VNExpress