Lê Thị Phương Liên (sinh năm 1991) đang sinh sống và làm việc tại TP Gothenburg, Thụy Điển. Đầu tháng 4, Liên phát hiện mắc Covid-19. Do chỉ có một mình ở xứ người, cô gái Việt đơn độc trong quá trình chữa trị.
Chia sẻ với Zing, Liên cho biết do chính phủ Thụy Điển thi hành chính sách miễn dịch cộng đồng, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ vẫn hoạt động bình thường, chỉ giới hạn số lượng người. Ngoài ra, quốc gia này cũng không có bất kỳ quy định cụ thể nào về việc phòng chống dịch, chỉ đưa ra lời khuyên và dựa trên sự tự nguyện của người dân.
Đầu tháng 4, Liên đi xét nghiệm và nhận được kết quả dương tính với Covid-19.
“Họ khuyên hãy ở nhà khi có dấu hiệu ốm, còn nếu khỏe mạnh thì vẫn đi làm bình thường. Vì thế, một người đồng nghiệp của bạn mình đã đi làm sau 2 ngày nghỉ do bị cảm. Đến buổi chiều, người này mới có kết quả dương tính. Bạn mình tiếp xúc gần và bị lây từ người đồng nghiệp đó”.
Khi biết mình có khả năng nhiễm bệnh cao, Liên lập tức đi xét nghiệm. Lúc nhận được kết quả dương tính với SARS-CoV-2, cô khá lo lắng.
Do chưa có biểu hiện khó thở, cô gái sinh năm 1991 được bác sĩ cho về nhà tự điều trị.
Sau đó, Liên gọi điện thông báo cho gia đình ở Việt Nam. Còn cô chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với căn bệnh.
Trong 3 ngày đầu tiên, Liên bị sốt, đau đầu, cơ thể chậm chạp, ngủ li bì. Đến ngày thứ 7, cô mới hạ sốt, nhưng còn tức ngực, nghẹt mũi và mất khứu giác.
“Chỉ lúc sốt cao, mình mới dùng thuốc hạ sốt. Bên cạnh đó, hàng ngày, mình duy trì uống 2 cốc nước chanh pha gừng và mật ong. Sau bữa sáng, mình bổ sung vitamin C, dùng vỏ cam, vỏ chanh đun với sả để xông hơi vào chiều tối. Ngoài ra, mình thường xuyên súc miệng bằng nước muối. Trước khi đi ngủ, mình tiếp tục uống nước ép gừng hâm nóng để làm sạch vòm họng", Liên chia sẻ.
Sau hơn một tuần ốm và giảm khoảng 4 kg, Liên dần bình phục, không còn sốt, ho và sổ mũi. Thêm một tuần nghỉ ngơi dưỡng sức, cơ thể cô hồi phục. Riêng khứu giác, phải 2 tháng sau, cô mới nhận biết được mùi vị.
“Sau 2 tuần chiến đấu với Covid-19, mình đi làm trở lại. Thực ra, mình chưa đi xét nghiệm lại vì bên này bác sĩ bảo rằng khi khỏe lại là hết khả năng lây nhiễm, trong vòng 6 tháng không cần xét nghiệm thêm”, Liên kể.
"Giờ đây, khi kể lại câu chuyện, mình có thể bình tĩnh, chứ thời điểm đó, mình rất sợ hãi và lo lắng. Do chỉ có một mình, mình thường xuyên nghĩ tới tình huống xấu nhất, liên tục phải giữ liên lạc với bạn bè và người thân. Những ngày quá mệt mỏi, khó thở, không thể ăn uống, mình chỉ biết tự động viên bản thân".
Ngoài ra, Liên cho biết khá may mắn khi trong hoạt động thường ngày, cô chăm chỉ tập luyện, giữ sức khỏe nên cơ thể không có bệnh nền, sức đề kháng tốt.
Phương Liên nhiễm Covid-19 nhưng bác sĩ cho ở nhà tự chữa trị.
Thụy Điển là đất nước đặc biệt khi lựa chọn phương pháp chống dịch “nói không với phong tỏa”, khác với phần lớn quốc gia châu Âu cũng như trên thế giới. Theo Reuters, gần một nửa số người trưởng thành ở Thụy Điển đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.
“Dù đã một lần chiến thắng dịch bệnh, mình vẫn không dám chủ quan, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch như khai báo y tế, sử dụng khẩu trang, dùng nước sát khuẩn tay và bổ sung vitamin. Điều mình lo nhất là bản thân sẽ lây nhiễm ra cộng đồng, trong đó có người già, trẻ nhỏ, những người không có đủ sức đề kháng chống chọi với bệnh tật", Liên nói.
Theo Zing