California có nhiều bãi biển rộng, thời tiết ấm áp quanh năm nên luôn là điểm đến lý tưởng của du khách. Do đó, lực lượng cứu hộ ở đây đóng vai trò rất quan trọng. Trong ảnh, đội cứu hộ bờ biển đã giải cứu thành công một người lướt sóng ở bãi biển The Wedge, thành phố Newport Beach, California.
Vào một ngày tháng 6 u ám, khi bầu trời xám xịt, 53 chàng trai trẻ với thân hình vạm vỡ chạy cật lực qua đoạn đường dài 250 m trên cát, lao xuống biển. Họ xuyên qua những con sóng cao lên tới 1,8 m để bơi ra phía chiếc phao được đặt cách bờ 200 m. Theo mệnh lệnh, họ sẽ phải lặp lại hành động này liên tiếp 4 lần, không có wetsuit (đồ mặc để làm ấm cơ thể khi xuống nước), và không được nghỉ giữa chừng
.Tiếp theo, họ sẽ phải trải qua một bài thi viết và tham gia vào các cuộc diễn tập giải cứu người gặp nạn trên bãi biển, hồi sức cấp cứu.
Đó là những gì mà các học viên phải trải qua để có thể trở thành một nhân viên cứu hộ bãi biển ở Mỹ. Nhiều người trong số họ tự hào cho biết, tới 90% dân Mỹ không thể hoàn thành được các bài thi và thử thách khắc nghiệt như họ trong chương trình đào tạo kéo dài 80 giờ, theo Reuters.
Mỗi năm, thành phố Huntington Beach đều tổ chức chương trình đào tạo nhân viên cứu hộ cho 150 tân binh trong 8 ngày. Những người này sẽ làm công tác cứu hộ dọc các bãi biển từ biên giới Mexico tới Bắc California. Danh tiếng của chương trình đào tạo này cũng thu hút được nhiều học viên nước ngoài như Argentina, Tây Ban Nha, New Zealand...
Một trong những chương trình huấn luyện mà các tân binh buộc phải trải qua là bơi 1.000 m trên biển trong vòng 20 phút. Thời điểm diễn ra bài thi này là vào tháng 3, khi nhiệt độ nước vào khoảng 10 độ C. Cường độ luyện tập cao mang đến cho họ thân hình 6 múi lý tưởng.
Với nhân viên cứu hộ bãi biển ở California, Mỹ, được khoác trên mình
chiếc quần short đồng phục màu đỏ có gắn huy hiệu là một niềm tự hào
William O'Donnell, một người có kinh nghiệm chơi bóng nước đã hoàn thành bài kiểm tra khắc nghiệt này vào năm 21 tuổi. Khi đó, anh đang là sinh viên đại học Colorado. "Nó kinh khủng hơn những gì tôi nghĩ", chàng trai cho biết.
Còn với Heather Thompson, đó là thử thách dữ dội nhất mà cô từng vượt qua. Cô cũng rất tự hào vì mình là một trong số ít học viên nữ có thể theo kịp chương trình này. Khi hoàn thành khóa huấn luyện tân binh, Heather mới 16 tuổi.
Điều này khác xa với những gì mà du khách từng thấy trên tivi qua bộ phim Baywatch (nói về lực lượng cứu hộ bãi biển).
"Rất nhiều người đã nghĩ rằng cứu hộ bãi biển là một công việc đơn giản, rằng bạn chỉ cần ngồi dưới ánh mặt trời và thổi còi. Nhưng thực tế, đây là một công việc sinh tử", Mike Silvestri, người hướng dẫn các học viên cứu hộ bãi biển ở California cho biết.
Những nhân viên cứu hộ được chính phủ hỗ trợ bảo hiểm y tế, lương hưu cao. Lương khởi điểm của họ vào khoảng 60.000 USD một năm. Còn theo CNBC, nhân viên cứu hộ ở Newport Beach có thể nhận lương lên đến 120.000 USD một năm. Tính cả lương làm thêm giờ và các khoản trợ cấp khác, họ có thể có thu nhập hơn 200.000 USD một năm. Họ cũng được hỗ trợ một khoản 400 USD mỗi năm cho chi phí "chống nắng".
Tuy vậy, công việc cứu hộ vất vả, nguy hiểm, đòi hỏi cao về thể lực, sức chịu đựng nên ngày nay không có nhiều người muốn làm.
Silvestri, một nhân viên cứu hộ có kinh nghiệm làm việc từ năm 1971 cho biết, càng ngày họ càng thấy khó tìm người đủ điều kiện để làm công việc cứu hộ. Điều này không chỉ là thách thức tại Mỹ, mà còn trên toàn thế giới.
Với những người làm nghề cứu hộ bãi biển, họ phải có một tinh thần thép. Theo Orange County Register, năm 2016 riêng lực lượng cứu hộ ở Nam California đã phải để mắt tới 160 triệu người đi tắm biển và thực hiện hơn 60.000 cuộc cứu hộ.
"Bạn làm việc 8 giờ một ngày và phải đưa ra các quyết định độc lập, không có người hướng dẫn. Điều khó khăn nhất là phải chăm chú nhìn vào biển", Silvestri cho biết.
Tuy nhiên, với Silvestri và những nhân viên cứu hộ bãi biển, đây là công việc vĩ đại nhất trên thế giới: "Không có cảm giác nào tuyệt vời hơn khi cứu một người khỏi tay thần chết và đưa họ về an toàn với gia đình".
Theo VNExpress