Việc học của sinh viên Việt Nam tại các trường học của Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)
Tại Hà Nội, nhiều ngày nay chị N.H.P (45 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn trong trạng thái "đứng ngồi không yên", bởi con chị là cháu N.L.H (21 tuổi) hiện đang theo học tại trường American University Whashington, D.C. (Mỹ). Có lẽ, đây không chỉ là tâm trạng của riêng chị P., mà cũng là tâm trạng chung của rất nhiều ông bố bà mẹ Việt hiện đang có con cái theo học tại các nước châu Mỹ, châu Âu...
Được biết, theo số liệu tới ngày 13/3, tại Mỹ, hiện đã có 49/50 bang ghi nhận các ca bệnh Covid-19, với số ca bệnh là 2.466 ca và cố ca tử vong là 50 ca. Trước đó, ngày 11/3, thủ đô Washington đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Trăm mối lo khi quyết định cho con ở lại học
Chia sẻ tâm trạng của bản thân trong thời điểm này, chị P. cho biết, "Về tâm lý, tôi muốn cháu trở về Việt Nam vì hai lẽ: 1. Tôi tin tưởng vào nền y tế của Việt Nam, 2. Nếu cháu có bị lây nhiễm thì khi ở Việt Nam, tôi có thể chăm sóc". Tuy nhiên, do H. chỉ còn mấy tháng nữa là tốt nghiệp (tháng 8/2020), nên nếu giờ cho con nghỉ thì sẽ khiến việc học của con lỡ dở (như con phải học lại...), hơn nữa về phía nhà trường đối với việc này cũng có những quy định rất khắt khe.
Vì thế, sau nhiều lần thảo luận, chị P. quyết định con sẽ tiếp tục việc học tại đây "nhưng với điều kiện con phải cam kết với mẹ thực hiện nghiêm chỉnh việc giữ an toàn cho bản thân như không được ra khỏi phạm vi khuôn viên trường, luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi phòng...", chị P. tâm sự.
Trước đó, cũng như nhiều cha mẹ người Việt, khi quyết định cho con đi du học nước ngoài, chị P. cũng tìm hiểu kỹ về đặc điểm văn hóa, phong tục, thói quen, nhận thức của người bản địa, nhưng từ khi đại dịch này xảy ra, chị P. nhận thấy những điều mình đã tìm hiểu trước đó là chưa đủ.
Chẳng hạn như, tuy nước Mỹ có một nền y tế tốt nhưng tính bao quát chưa cao, điều này thể hiện ở việc khám chữa bệnh ở Mỹ rất khó khăn - "Nếu bình thường đến khám thì họ bảo không có bệnh gì đâu, khi nào thực sự biểu hiện ốm nặng, lúc đấy họ mới cho xét nghiệm, nên khi xét nghiệm ra bệnh thì đã nặng rồi", chị P. cho biết. Hơn nữa, chi phí cho việc xét nghiệm rất lớn, nếu ở Việt Nam công dân được miễn phí thì ở bên đó là 3.000 đô la cùng với rất nhiều khoản phụ phí khác. Đây quả là gánh nặng đối với những gia đình kinh tế ở mức vừa đủ.
Bên cạnh đó, nhận thức của người Mỹ và công dân một số nước khác về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này còn quá đơn giản. "Có khi họ cho rằng, đây chỉ là cúm thông thường thôi, uống thuốc rồi khắc sẽ khỏi, nên không phòng bệnh và cập nhật tin tức ráo riết như ở nước mình", chị P. tâm sự. Chính vì vậy, người Mỹ thường không đeo khẩu trang khi đi ra đường, và khi thấy những người khác đeo khẩu trang, đặc biệt là người da vàng, họ thường có cái nhìn không mấy cảm tình hoặc có những lời nói xúc phạm như, "Mày mang corona về Trung Quốc của mày đi!", chứ họ không nghĩ rằng đây là biện pháp phòng bệnh. Đây cũng là tình huống mà con chị P. và các bạn của con gặp phải khi đeo khẩu trang di chuyển trên phương tiện xe bus và tàu điện.
Từ thực tế đó, chị P. bày tỏ lo lắng rằng, trong bối cảnh nhiều ổ dịch bùng phát ở các nước phương Tây hiện nay thì con mình sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm từ công dân Mỹ và công dân các nước khác. Hơn nữa, với quan niệm về khám chữa bệnh và cách phân biệt đối xử như vậy, chị P. cũng lo rằng khi vào cơ sở khám chữa bệnh con mình sẽ không tránh khỏi cảm giác bị kỳ thị và nếu có bệnh con cũng không được ưu tiên khám chữa.
Không còn cách nào khác ngoài việc phải tự cách ly
Cách nơi chị P. đang lo lắng hơn 13.000km, tại Washington D.C., cháu H. đang đối diện với thời điểm khó khăn nhất trong suốt 3 năm cháu theo học tại đây. Từ khi dịch bệnh này trở nên diễn biến phức tạp tại Mỹ, trường cháu H. đã thông báo cho tất cả các sinh viên không phải đến trường, mà chuyển sang hình thức học online. Những ngày này, để đảm bảo an toàn cho bản thân, H. chỉ di chuyển trong phạm vi của khu nội trú của trường – đến siêu thị trong khu nội trú mua đồ ăn, ăn tại căng tin tầng 1 của tòa nhà rồi trở lại phòng tiếp tục việc học.
Trở lại 1/3 vòng trái đất, chị P. và con vẫn giữ thói quen liên lạc thường xuyên vào lúc 7 giờ sáng (theo giờ Việt Nam) thì ở Mỹ là lúc 7h tối, cũng là lúc mà con chị P. đi học về. Ngoài ra những lúc rảnh, chị P. thường nhắn tin hỏi han tình hình học tập, đời sống của con, và con chị khi có thời gian sẽ trả lời lại mẹ, "Tôi cũng hạn chế gọi nhiều vì sợ làm ảnh hưởng tới việc học của cháu", chị P. tâm sự. Bên cạnh đó, để nắm bắt tình hình của con, chị P. cũng thường xuyên trao đổi với nhà trường qua email và cập nhật tình hình tin tức bên đó hơn.
Trong những thời khắc này, mỗi khi chiếc điện thoại rung lên – tin nhắn của Bộ Y tế gửi đến thông báo về tình hình dịch bệnh, hoặc chiếc điện thoại "tinh... tinh..." từ ứng dụng Báo Mới cập nhật về tình hình dịch bệnh tại Mỹ, các nước châu Âu - số lượng ca bệnh tăng, thêm một người tử vong... là trong lòng chị P. lại thêm một lần nữa nóng như lửa đốt. Chia sẻ về điều mà bản thân mong muốn nhất lúc này, chị P. cho biết, "Tôi mong rằng con được an toàn và đại dịch sẽ sớm qua đi".
Phụ nữ Việt Nam