Một khúc sông Svisloch chảy qua thành phố Minsk.

Khi máy bay hạ dần độ cao để chuẩn bị đáp xuống sân bay Minsk (Belarus), trước mắt tôi là một vùng thảo nguyên xanh bát ngát tận chân trời. Minsk - cái tên gợi nhiều kỷ niệm với những người từng công tác, học tập tại Liên Xô hay gắn liền với thương hiệu xe máy Minsk “khù khờ” - mới vào Hè, khi những cánh đồng bồ công anh nở vàng rực rỡ và những vườn táo chi chít quả đỏ au.

Câu chuyện của Svisloch

Thủ đô Minsk, với khoảng 1,5 triệu dân, nằm trải rộng trên vùng đồi thoai thoải nhiều cây cối và sông hồ. Các con đường ở xứ sở Đông Âu này rộng thênh thang, nhà cửa ngăn nắp, hầu hết được quy hoạch từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Thời Liên Xô, đây là một trong những đô thị đẹp và hiện đại nhất trên toàn Liên bang. Giờ đây, Minsk vẫn sạch đẹp như thế và hầu như không thấy sự xô bồ giống như các thành phố khác ở Đông Âu, vốn bị cuốn vào vòng xoáy kinh tế thị trường và làn sóng nhập cư ồ ạt.

Trung tâm của Minsk là những khu phố cổ nằm hai bên bờ sông Svisloch, vốn chỉ rộng như… một con kênh và khẽ khàng trôi qua thành phố. Mặc dù “sông rộng một gang” song cả nghìn năm qua, Svisloch là chứng nhân cho những đổi thay dâu bể cũng như những dòng chảy văn hóa - lịch sử trên miền đất này.

So với nhiều thủ đô khác ở châu Âu, Minsk thật yên bình và nên thơ. Không quá khi nói rằng, sự yên tĩnh đó có phần đóng góp không nhỏ của sông Svisloch. Bên bờ sông, dưới cái nắng không quá gay gắt của mùa Hè châu Âu và gió hiu hiu, nhiều nam thanh nữ tú phơi mình trên thảm cỏ đọc sách hàng giờ, trong khi những người già bẻ bánh mì cho lũ chim bồ câu ăn.

Khi Minsk bước vào mùa Hạ, lá cây hai bên bờ Svisloch xanh ngắt và dòng sông cũng xanh màu lá. Tôi dạo bước dọc bờ đá và bắt gặp những cây táo ra hoa trắng cả vạt rừng, hoa cúc đất nhỏ như đồng xu vàng rực, đặc biệt là những vòm hoa tử đinh hương đang độ bung sắc tím. Vài cánh hoa buông mình trôi lững lờ theo con nước.

Chuyện cổ Belarus kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có chàng trai đi cứu mẹ được một vị thần ban cho ba điều ước. Chàng đã dùng điều ước cuối cùng hóa thành hoa tử đinh hương, còn điều đầu tiên là trôi đi thành dòng sông. Vì thế, những cánh hoa tím trôi trên dòng Svisloch bao đời nay đều gửi gắm thông điệp về sự hiếu thảo và tình yêu thương. Tôi bỗng nhớ mẹ tôi da diết, có lẽ bởi dòng sông nào trên thế giới này cũng xuôi về biển lớn, và đứa con nào - dù trưởng thành và đi đâu xa chăng nữa - đều nhớ về người sinh ra mình.

Thành phố trong rừng

Có thể nói, thiên nhiên cây cỏ là yếu tố không thể thiếu đối với cuộc sống người dân Minsk. Công viên xuất hiện khắp nơi trong thành phố, khiến tôi cảm giác dường như người ta quy hoạch thủ đô này nằm xen lẫn giữa rừng. Tranh thủ thời gian ít ỏi trong những ngày lưu lại Minsk, tôi ghé vào công viên Kupaly nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Rừng ôn đới ngày Hè thật nên thơ với những tia nắng trên cao rọi xuyên qua những chiếc lá thông và những quả táo dại lúc lỉu trên cành. Mùi đất, mùi cỏ trộn với mùi nhựa cây thơm hăng hắc làm người ta cảm thấy dễ chịu. Chân bước trong một khung cảnh thanh bình như vậy, tôi nhủ thầm rằng mình còn ao ước trải nghiệm nào hơn?

Tầm tháng Sáu - tháng Bảy, Minsk dường như không có buổi tối vì “đêm trắng”. Mười giờ đêm, trời còn sáng và mọi người vẫn đi lại trên phố tấp nập. Những áng mây vẫn trôi lững thững trên đầu và ánh nắng chiều tà còn sót lại trên những con đường ở đô thị này. Vậy nên, đến Minsk mùa này, đừng đi ngủ sớm mà hãy lang thang trên những con phố, để cảm nhận điệu nhảy “slow” của thời gian, để thấy lòng mình lắng lại sau những bộn bề cuộc sống.

Tôi đi qua các công trình biểu tượng của Minsk như Đảo nước mắt, Quảng trường Chiến thắng, Nhà thờ Holy Trinity... mới thấy,   thành phố này cũng như đất nước Belarus đã phải trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn để có được hòa bình ngày nay. Từ thuở còn e ngại trước ý đồ thôn tính của Sa hoàng, người Belarus đã khẳng định bản sắc dân tộc mình, rằng đây không phải là “Bạch Nga” (Belo Russia) mà chỉ là tên một vùng đất cổ ở Đông Âu. Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi quân phát xít Đức tràn vào Minsk và sát hại 1/3 cư dân thành phố, thủ đô của Belarus vẫn không chịu khuất phục trước súng đạn quân thù. Người dân Minsk đã tái thiết quê hương từ đống đổ nát.

Tiếng súng rồi cũng im trên mảnh đất này. Thời tao loạn sau khi Liên Xô tan rã cũng đã qua. Sau bao nhiêu biến cố, dòng Svisloch vẫn êm đềm như dải lụa vắt ngang kinh thành Minsk diễm lệ. Tôi quá yêu sự yên bình và nhịp sống chậm của Minsk, đến nỗi bàng hoàng khi nhận ra mình sẽ sớm chia tay thành phố này. Giống như ngày xưa, thi sĩ Baso chuẩn bị rời Edo, ông cảm tác viết câu thơ haiku: “Ở kinh đô mà nhớ kinh đô”. Minsk, nhất định tôi sẽ quay trở lại!

                                                                                           Theo Thế giới và Việt Nam