Một sạp hàng bán rau quả ở thành phố cảng Bilbao, miền bắc Tây Ban Nha.
Trong những năm tới, mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe và tuổi thọ con người là béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, thuốc lá và rượu bia, theo dự báo của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) ở Seattle, Mỹ.
"Các chỉ số này ở Tây Ban Nha đều tốt", Guardian dẫn lời tiến sĩ Christopher Murray, giám đốc IHME ở Đại học Washington hôm 16/10. "Dù họ có thể cải thiện tình trạng hút thuốc lá, nhưng chất lượng tuổi thọ hiện nay ở Tây Ban Nha đang rất tốt".
Người Tây Ban Nha dự đoán có tuổi thọ trung bình là 85,8 vào năm 2040 và tuổi thọ được nâng cao do chế độ ăn tốt, Murray đánh giá. Bộ Y Tế của Tây Ban Nha đã tài trợ cho nghiên cứu Predimed - cuộc điều tra lớn nhất thế giới về lợi ích của chế độ ăn Địa Trung Hải gồm rau tươi, các loại hạt và cá.
Nhật Bản, quốc gia nhiều năm giữ vững ngôi đất nước có tuổi thọ cao nhất, sắp mất đi vị trí này, theo nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu do IHME và tạp chí y tế Lancet công bố. Tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản vào năm 2040 sẽ là 85,7.
"Tuổi thọ đàn ông không tốt lắm", Murray nói. "Hút thuốc có lẽ là một phần nguyên nhân, tỷ lệ đàn ông béo phì cũng tăng, nhưng phụ nữ thì không".
Dữ liệu của IHME được cập nhật liên tục từ các nghiên cứu và thống kê của các quốc gia khắp thế giới. Đây là lần đầu tiên nhóm IHME đưa ra dự báo không chỉ về kết quả tuổi thọ và sức khỏe của 195 nước và vùng lãnh thổ, mà còn chỉ ra những trường hợp tốt nhất và tệ nhất.
Dữ liệu chứng minh rằng sức khỏe con người sẽ tốt hơn nếu chính phủ các nước áp dụng chính sách hạn chế thuốc lá, cải thiện cung cấp nước sạch, giảm béo phì và ô nhiễm không khí.
Mỹ sẽ giảm 20 bậc, từ 43 xuống 64, trong khi tuổi thọ các nước khác tăng vọt. Tuổi thọ trung bình của người Mỹ chỉ tăng nhẹ từ 78,7 lên 79,8 vào năm 2040. Một trong những nguyên nhân là ngày càng nhiều ca tử vong do sử dụng thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện.
Các quốc gia châu Phi thuộc nhóm có tuổi thọ thấp nhất thế giới. Quốc gia được xếp hạng thấp nhất là Lesotho, dự kiến người dân nước này chỉ đạt tuổi thọ trung bình 57,3 vào năm 2040. Cộng hòa Trung Phi là 58,4, Zimbabwe là 61,3 và Somalia là 63,6. Nhóm IHME cảnh báo tỷ lệ người mắc bệnh HIV/Aids trên toàn cầu gia tăng là nguyên nhân giảm tuổi thọ.
"Sự bất bình đẳng sẽ tiếp tục lớn hơn", Murray nhận định. "Khoảng cách giữa các nước 'tốt hơn' và 'tệ hơn' sẽ thu hẹp nhưng vẫn còn rất lớn. Ở một lượng đáng kể các quốc gia, người dân vẫn tiếp tục sống với mức thu nhập rất thấp, hưởng nền giáo dục yếu kém và chết sớm. Nhưng các quốc gia có thể nâng cao tuổi thọ người dân bằng cách giúp họ giải quyết những rủi ro lớn, đặc biệt là thuốc lá và chế độ ăn nghèo nàn".
Theo VNExpress