Hôm 21/6, khi Vismaya Nair được tìm thấy đã tử vong trong phòng tắm của gia đình nhà chồng ở bang Kerela, miền Nam Ấn Độ, cô vừa mới cưới được hơn một năm.
Ban đầu, cảnh sát không có lý do gì để điều tra về cái chết của cô sinh viên 24 tuổi, cho đến khi gia đình nhà gái đệ đơn khiếu nại, dựa trên luật về "cái chết do hồi môn".
Vismaya Nair trong đám cưới của mình hồi tháng 5/2020. Ảnh: CNN.
Áp lực khổng lồ mà nhà gái phải gánh chịu
Luật pháp Ấn Độ cho phép nhà gái khởi kiện nhà trai nếu họ tin rằng gia đình nhà chồng là nguyên nhân dẫn đến việc tự sát của người vợ. Điều kiện khởi kiện là sự việc diễn ra trong vòng 7 năm kể từ khi cả hai tổ chức đám cưới. Trong vòng 7 năm này, theo tục lệ, nhà gái sẽ trả tiền hồi môn cho nhà trai.
Hồi môn đã chính thức bị cấm ở Ấn Độ từ hơn 60 năm nay, nhưng tục lệ này vẫn tồn tại theo cách này hay cách khác. Không chỉ ở những vùng quê hẻo lánh, hồi môn vẫn là một phần không thể thiếu trong các cuộc hôn nhân ở những thành phố lớn.
Bang Kerala, nơi người Nair sinh sống, là một trong những khu vực có tỷ lệ mù chữ thấp nhất ở Ấn Độ đối với cả nam giới và nữ giới. Kerala vốn được coi là một bang cấp tiến, nhưng cùng với sự phát triển kinh tế, tình trạng lạm phát hồi môn đã gia tăng liên tục.
Theo một báo cáo hồi tháng 6 của World Bank, bang Kerala chính là nơi có giá hồi môn cao nhất trong số các khu vực ở Ấn Độ.
Ông Harshita Attlauri, thanh tra trưởng của lực lượng cảnh sát bang Kerala, cho biết các nhà điều tra vẫn chưa thể xác định Nair tự tử hay bị giết.
Kiran Kumar, chồng của nạn nhân, đã bị cảnh sát tạm giữ nhưng chưa phải đối mặt với cáo buộc nào. Luật sư của Kumar khẳng định thân chủ không phạm tội ác liên quan đến hồi môn.
Theo truyền thống, hồi môn là những phần quà bằng tiền mặt hoặc hàng hóa mà cha mẹ tặng cho con gái để giúp người phụ nữ được an toàn về mặt tài chính trong những năm đầu của hôn nhân.
Nhưng theo các chuyên gia, giờ đây gia đình nhà gái ở Ấn Độ phải chịu áp lực tặng tiền, vàng, nhà cửa và cả xe hơi cho nhà trai như một điều kiện để tổ chức đám cưới. Nhiều gia đình thật sự không hề cảm thấy dễ chịu với số lượng sính lễ lớn như vậy.
Truyền thống hồi môn của Ấn Độ bắt nguồn từ cách đây hàng thiên niên kỷ. Theo quy định của đạo Hindu, phụ nữ không có quyền thừa kế vì vậy họ được nhận của hồi môn đứng tên mình khi tiến tới hôn nhân.
Phụ nữ bang Kashmir biểu tình phản đối tục lệ hồi môn hồi năm 2012. Ảnh: AFP.
Trải qua thời gian, tục lệ tạo ra cơ hội để nhà trai chèn ép nhà gái, cũng như góp phần vào tình trạng bạo lực gia tăng với phụ nữ. Nếu nhà trai không hài lòng với giá trị khoản hồi môn, cô dâu có thể phải chịu đựng sự hành hạ về tinh thần, thể xác và thậm chí có những cái chết liên quan đến việc này.
Vì lẽ đó, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra Đạo luật Cấm Hồi môn vào năm 1961, việc hồi môn là trái pháp luật và người nào vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc ngồi tù đến 5 năm.
Luật pháp vẫn chỉ ở trên giấy
Tuy nhiên việc triển khai đạo luật này không được tiến hành một cách hiệu quả. Và đến năm 1980, các nhà lập pháp phải siết chặt hơn khi cho phép nhà gái kiện người chồng hoặc các thành viên nhà trai nếu cái chết của người vợ có liên quan đến việc hồi môn. Nếu bị kết tội, bị cáo sẽ nhận án tù từ 7 năm đến chung thân.
Bất chấp những hình phạt cứng rắn hơn, phong tục hồi môn vẫn ăn sâu trong xã hội Ấn Độ, và trở thành một phần không thể thiếu của hôn nhân. Theo một nghiên cứu của World Bank, 95% trong số 40.000 đám cưới diễn ra ở vùng nông thôn Ấn Độ trong giai đoạn 1960-2008 đều có sự xuất hiện của phong tục này.
Các số liệu về phạm pháp cũng cho thấy việc hồi môn vẫn tiếp diễn, với 13.000 đơn khiếu nại và 7.100 cái chết liên quan đến hồi môn, chỉ tính riêng trong năm 2019.
Trong số này, chỉ có 3.516 vụ án được đem xét xử, và chỉ hơn một phần ba dẫn đến các hình phạt. Theo các chuyên gia, rất khó để gia đình nhà gái chứng minh việc bạo hành của nhà trai dẫn đến cái chết của con gái họ.
Các nhà hoạt động xã hội cho rằng, số lượng lớn các vụ án liên quan đến cái chết do hồi môn cho thấy quy định pháp luật rất kém hiệu quả, và tình trạng này đã tồn tại trong một thời gian dài.
"Về mặt pháp lý, việc hồi môn bị cấm, nhưng nó lại là hành vi được cả xã hội chấp nhận. Không ai cảm thấy việc nhận hoặc cho hồi môn là sai, bất kể luật pháp", bà Sandhya Pillai, cán bộ Trung tâm Nguồn lực Phụ nữ Sakhi ở bang Kerala, nhận định.
Vijith Nair, anh trai của Nair, cho biết em gái mình từng là một phụ nữ "tươi sáng, mạnh mẽ và năng động".
"Nó là một cô gái rất năng động, không chỉ học về y khoa mà còn là thành viên của Thiếu sinh quân Quốc gia, đại diện cho bang trong các sự kiện quốc gia", Vijith Nair kể lại.
"Nó thích khiêu vũ, đi du lịch và bay đi khắp nơi", anh Vijith nói thêm.
Theo anh trai của nạn nhân, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi kể từ khi Nair kết hôn.
"Nó bị hạn chế sử dụng mạng xã hội, không được phép gọi điện cho cha mẹ, không được đi máy bay, tất cả chỉ vì một thứ - của hồi môn", anh Vijith chia sẻ.
Theo anh Vijith, chồng của Nair là Kumar tỏ ra không hài lòng với chiếc xe mà gia đình nhà gái trao tặng.
Vijith Nair và em gái trong đám cưới của cô. Ảnh: CNN.
"Chúng tôi đã cho anh ta một chiếc xe tốt, nhưng anh ấy không ngừng đòi hỏi một chiếc xe lớn hơn và đắt tiền hơn", anh Vijith nói.
Thanh tra Attaluri cho biết Kumar cảm thấy xấu hổ vì chiếc xe được nhà gái trao tặng, và không hài lòng với khoản hồi môn của vợ.
"Chúng tôi đã dành tặng tất cả cho em gái, những gì tôi kiếm được, những gì cha tôi tiết kiệm trong suốt 20 năm làm lụng, chúng tôi mang hết cho em gái. Vậy mà chỉ một năm sau khi kết hôn, nó đã không còn nữa", anh Vijith nói.
Theo Zing