Ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Sri Lanka
Thầy Thích Pháp Quang, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm tại Sri Lanka cho biết, vốn yêu thích thiên nhiên, nên ngay khi đến Sri Lanka tu học, thầy đã xin ở nhờ trong một ngôi chùa của người bản xứ.
Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân Phật học chuyên ngành Lãnh đạo Phật giáo ở Học viện quốc tế SIBA và chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Kelaniya, được sự động viên, hỗ trợ của Phật tử trong và ngoài nước, năm 2020, thầy Pháp Quang khởi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm trên khuôn viên rộng 2 mẫu.
Với khí hậu mát mẻ, xung quanh có sông, nước, cây xanh, núi đồi, thiền viện được thầy đặt tên là "Trúc Lâm" luôn an yên đến lạ thường. Tại đây, mức thu nhập bình quân của người dân chỉ khoảng dưới 2 triệu đồng/tháng nên cuộc sống cũng rất bình dị với món cơm, cà ri mỗi ngày.
"Năm 2021, xây xong thiền đường – chánh điện, thầy trò bắt đầu cùng sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ trong chánh điện. Sau đó thì xây cuốn chiếu thêm các thất, cổng chính, tượng Phật ở ngoài, hàng rào. Hiện thiền viện vẫn đang tiếp tục xây dựng nhà ăn, tăng xá", thầy Pháp Quang nói.
Tại Thiền viện Trúc Lâm, buổi sáng các sư tụng kinh tiếng Việt, tối tụng kinh tiếng Pali. Bằng sự gần gũi, hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, tôn giáo, 6 sư người Việt ở thiền viện đã thu hút người dân bản địa đến chùa thường xuyên hơn, thay vì chỉ đến ngày rằm như truyền thống.
Người dân địa phương cùng đón Tết Việt với các sư thầy tại Thiền viện Trúc Lâm
Xác định hoạt động hoằng pháp là quan trọng, ngay từ năm 2020, nơi đây đã có những buổi tu tập từ 17 – 18 giờ mỗi ngày, cùng người dân đi bộ thiền hành; riêng chủ nhật có khóa tu thiền cho 30 – 40 người.
Đặc biệt, hơn 1 năm qua, các sư cũng đứng lớp dạy tiếng Việt từ thứ hai đến thứ sáu, lớp tiếng Anh sáng thứ bảy và lớp IT vào chủ nhật với sự tham gia của đông đảo người dân.
Giới thiệu văn hóa Việt qua các lớp tiếng Việt
Thời gian đầu, thiền viện thu hút đa phần là trẻ em bản địa, dần dần là anh, chị, em trong nhà, sau đó cha mẹ các em cũng đến chùa cùng tu tập. Ban đầu, các thầy hướng dẫn mọi người từ đơn giản nhất là "xin chào". Giờ đây, người dân đến chùa đều có thể nói: "Xin chào buổi sáng", "Cảm ơn sư phụ",…
Thấy nhiều người thích và có thể học nhanh tiếng Việt, thầy Pháp Quang mở lớp học đều đặn mỗi tối, "học viên" là các em nhỏ, người lớn, cho tới những bà cụ hơn 60 tuổi. Trong các buổi học tiếng Việt theo chủ đề, thầy Pháp Quang cho mọi người xem hình về điểm du lịch ở Việt Nam, các tỉnh, thành, đặc sản từng nơi,..
Lớp học tiếng Việt mở đều đặn 5 ngày mỗi tuần suốt hơn 1 năm qua
NVCC
Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm nhận xét: "Các bạn rất là thích vì món ăn, địa danh nào cũng mới lạ càng dạy tôi càng đưa nhiều chủ đề gần gũi. Tôi cũng chỉ các bạn một số bài hát tiếng Việt. Nhưng giờ thì các bạn đã có thể hát Quốc ca Việt Nam rất hào hùng hay "Bông hồng cài áo" tình cảm mà tha thiết".
Tối 28.2, làng Ambakote có mưa rào, lớp học tiếng Việt trong Thiền viện Trúc Lâm vẫn có khoảng 20 học viên. Nói chuyện qua điện thoại video với PV, bé Vidushini (8 tuổi) tự tin giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt và hát bài "Kìa con bướm vàng". Cả lớp học sau đó cùng vẫy tay đồng thanh "Xin chào Việt Nam" và hát "Bốn phương trời" khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Lớp học tiếng Việt thu hút cả người cao tuổi và trẻ em
NVCC
Trong khi đó, học viên 71 tuổi, tóc bạc trắng cũng tỉ mỉ ngồi nắn nót từng chữ tiếng Việt trên cuốn tập dày cộp. Dù lớn tuổi, nhưng mỗi ngày bà đều chăm chỉ đến lớp cùng các cháu nhỏ trong làng học tiếng Việt vì ước mơ "được đi du lịch đến Việt Nam".
Năm vừa qua, nhiều đợt mưa bão, cúp điện, kinh tế khó khăn sau đại dịch,… nhưng "học viên" đến lớp học tiếng Việt mỗi lúc một đông hơn, thầy Pháp Quang phải chia thành 2 lớp để giảng dạy. Chính sự nhiệt tình, phát triển về tiếng Việt của người dân Sri Lanka là động lực để Thiền viện Trúc Lâm duy trì lớp.
"Ở đây giống như vùng cao của Việt Nam, toàn bộ là người bản xứ nhưng giờ họ có thể hát tiếng Việt. Dịp Tết vừa qua, 50 người cũng ở lại thiền viện để cùng các thầy đón giao thừa, xem không khí Tết Việt. Có thể nói, ngôn ngữ có tính kết nối rất lớn", thầy Pháp Quang chia sẻ.
Theo Thanh niên