leftcenterrightdel
Giáo sư Masina trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Thanh Hải/Trường Dụy/TTXVN) 

Theo Giáo sư Pietro Masina thuộc trường Đại học Đông Phương Naples, Tổng biên tập Tạp chí châu Âu Nghiên cứu Đông Á, việc Italy và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao là điểm đến chứ không chỉ là điểm khởi đầu của mối quan hệ song phương tốt đẹp, ngày càng phát triển.

Ông nhấn mạnh Đại học Đông Phương Naples sẵn sàng góp phần tích cực nhằm phát triển quan hệ song phương Italy-Việt Nam khi quyết định chọn tiếng Việt làm môn học chính thức.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Italy nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (23/3/1973-23/3/2023), Giáo sư Masina khẳng định tình hữu nghị giữa hai dân tộc có nguồn gốc từ sâu xa.

Trong những năm chiến tranh, nhiều nhóm và hiệp hội Italy đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam bằng cách gửi viện trợ và công khai thể hiện tình đoàn kết. Cùng với đó là những nỗ lực về sáng kiến ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh, với sự tham gia của các nhân vật chính trị thuộc nhiều thành phần khác nhau, từ Đảng Cộng sản đến đảng Dân chủ Thiên chúa giáo.

Trong 50 năm qua, mối quan hệ song phương ngày càng phát triển sâu rộng, đặc biệt là trong những thập niên gần đây. Trao đổi kinh tế gia tăng rõ rệt, trong khi hợp tác khoa học, văn hóa cũng được mở rộng. Việt Nam đã trở thành điểm hấp dẫn du khách Italy và sau đại dịch COVID-19, lượng du khách đang tăng trở lại.

Nhiều trường đại học của Italy đang đẩy mạnh triển khai hợp tác với các đối tác Việt Nam. Từ năm tới, tại trường Đại học Đông Phương Naples và Đại học Ca' Foscari ở Venice, tiếng Việt sẽ trở thành một môn học chính thức.

Về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Giáo sư Masina nhận xét mối quan hệ giữa Italy và Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.

Trong lĩnh vực kinh tế, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư. Thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nghiệp Italy khi sức mua nội địa tăng lên.

Hai nước cũng tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế với ưu tiên thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đối thoại nhằm theo đuổi hòa bình và ổn định quốc tế. Đây là lý do tại sao Italy và Việt Nam thường thống nhất quan điểm tại Liên hợp quốc và tương trợ lẫn nhau.

Về những dự án với Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ, Giáo sư Masina cho biết trong nhiều năm qua, Đại học Đông Phương Naples đã tham gia các dự án nghiên cứu và hoạt động giáo dục với Việt Nam. Trường có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và một số trường đại học.

Trong những năm gần đây, Đại học Đông Phương Naples đã tăng cường nghiên cứu về Đông Nam Á trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại học Đông Phương Naples đã quyết định chọn tiếng Việt làm một môn ngôn ngữ học chính thức, qua đó sinh viên theo học có thể nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam thông qua việc học tiếng Việt trong 5 năm, song song với chương trình giảng dạy về nhân văn hoặc khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Đến nay, ngay trong các khóa đào tạo thử nghiệm, tiếng Việt đã nhận được sự quan tâm rất lớn của sinh viên.

Bên cạnh đó, trường còn tổ chức các sự kiện cộng đồng nhằm giới thiệu văn hóa, văn minh Việt Nam với sự phối hợp của Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Naples.

Theo Giáo sư Masina, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp cũng nhờ vào đóng góp tuyệt vời của hai đại sứ quán tại Hà Nội và Rome. Trong tương lai, cần phải thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, thậm chí ở cấp địa phương, như thông qua việc tăng cường kết nghĩa giữa các thành phố, hợp tác giữa các bệnh viện, trường học, viện bảo tàng…

Ông khẳng định điều quan trọng là mối quan hệ giữa người dân hai nước ngày càng xuất phát từ các mối quan hệ trực tiếp giữa con người với nhau, thậm chí vượt ra ngoài phạm vi các quan hệ đơn thuần về kinh tế. Đại học Đông Phương Naples sẵn sàng đóng góp tích cực vào sự phát triển này./.

Theo vietnamplus