Cô giáo Phạm Phi Hải Yến, hiện đang giảng dạy tiếng Việt ở TP Kobe, tỉnh Hyogo (Nhật Bản) cho biết, hiện tại, số lượng trẻ em Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đang ngày càng đông. Tuy nhiên, có một thực trạng là các em đang sử dụng ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Nhật, hạn chế về khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ. 

Trước thực trạng này, cô Hải Yến đã tổ chức lớp học tiếng Việt trực tuyến cho người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản. 

Gắn bó với công việc dạy tiếng Việt cho những người đồng hương trên sứ xở hoa anh đào, cô giáo trẻ Phạm Phi Hải Yến muốn gắn bó với nghề vì một nỗi niềm, đó là tuyên truyền văn hoá, ngôn ngữ của Việt Nam đến thế hệ trẻ kiều bào để các em hiểu sâu về cội nguồn của mình, Cô bộc bạch: “Tôi rất tâm đắc với câu nói cho rằng người vừa thông thạo tiếng nước sở tại vừa thông thạo tiếng mẹ đẻ chính là một tài nguyên. Tính đến nay, chỉ riêng ở Nhật, chúng ta đang nuôi dưỡng ít nhất khoảng 20 nghìn “tài nguyên” quý này. Và tôi muốn là người tiếp tục truyền lửa cho những nguồn “tài nguyên” này”.

Trở về Việt Nam lần này, tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài, cô giáo Hải Yến mong muốn: “Tôi mong sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng giảng dạy, truyền đạt để thực hiện tốt hơn tâm nguyện của mình”.

leftcenterrightdel
 Cô giáo Phạm Phi Hải Yến tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức tại Hà Nội

"Sợ nhất là con cái mất tiếng mẹ đẻ"

Vợ chồng chị Cao Thanh Ly (36 tuổi), cả hai đều là người Việt Nam, đang sinh sống và làm việc tại đất nước Nhật Bản. Gia đình Ly có 2 cô con gái, một lên 10 và một lên 5 tuổi. Điều lo lắng nhất của Ly là hiện tại, hai con của cô sử dụng tiếng Nhật khá thông thạo nhưng lại rất… bập bẹ với tiếng mẹ đẻ. “Các con đến trường hay ra ngoài đều nói tiếng Nhật, viết bằng tiếng Nhật. Mặc dù ở nhà, ba mẹ luôn khuyến khích các con dùng tiếng Việt, giao tiếp với các con bằng tiếng Việt để nhắc nhở các con về cuội nguồn của mình, nhưng cơ bản là các con khá ngại giao tiếp bằng tiếng Việt. Còn viết thì… tuyệt nhiên không biết. Chúng tôi rất lo con cái mất tiếng mẹ đẻ” – chị Thanh Ly chia sẻ.

Với niềm đau đáu giáo dục cho các con về truyền thống và bản sắc dân tộc mình, vợ chồng chị Ly cho biết, đang tìm hiểu về các khoá học tiếng Việt để đăng ký cho con theo học.

Câu chuyện của gia đình chị Ly cũng khá phổ biến với những gia đình người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. 

leftcenterrightdel
 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu khẳng định, đối với cộng đồng hơn 5,3 triệu Người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, giúp bà con khẳng định bản thân và tự tin hội nhập với thế giới.

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tiếng Việt đang đối mặt với nguy cơ bị mai một vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Quá trình hội nhập của Người Việt Nam ở nước ngoài và xu thế toàn cầu hóa, sự giao thoa với văn hóa sở tại làm ảnh hưởng đến việc sử dụng tiếng Việt.

Bên cạnh đó, các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài chưa có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc. Hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, việc tôn vinh ngôn ngữ dân tộc còn góp phần xây dựng cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh, luôn hướng về và tích cực đóng góp cho quê hương Việt Nam. Đồng thời, việc tôn vinh tiếng Việt tại các địa bàn sẽ góp phần truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, cũng như văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường “sức mạnh mềm” của đất nước.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030, chính thức lựa chọn ngày 8/9 hằng năm là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Linh Anh