leftcenterrightdel
Hoạt động nhóm của một nhóm giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam tại nước ngoài dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Trịnh Thị Lan (Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSPHN). 

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vị thế của tiếng Việt trên thế giới hiện nay?

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khoảng 6 triệu người, do vậy, tiếng Việt được phát triển cùng với số lượng người Việt Nam trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, địa vị quốc gia về chính trị, kinh tế của Việt Nam ngày càng tăng khiến tiếng Việt trở thành ngôn ngữ quan trọng không chỉ với kiều bào mà trở thành vấn đề quan tâm, thu hút người nước ngoài.

Tại Hàn Quốc, tiếng Việt được coi là một trong những ngoại ngữ chính cần phải học. Các hội thảo về tiếng Việt được tổ chức nhiều trong nước và quốc tế như: Đài Loan, Trung Quốc... Tôi đã từng dạy tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, các sinh viên ở đây học tiếng Việt. Cứ hai năm, họ lại được tham dự kỳ thi học sinh giỏi tiếng Việt toàn quốc. Trung Quốc tổ chức đều đặn các hoạt động như trên giúp phong trào học tiếng Việt phát triển, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.

Tôi từng nghe một người Trung Quốc sống ở khu vực cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) cho biết: “Muốn có cuộc sống khấm khá hơn thì phải học tiếng Việt”. Rõ ràng, với những người muốn có cơ hội làm ăn kinh tế với Việt Nam, tiếng Việt là một công cụ hữu ích cho công việc của họ".

Cộng đồng Australia, Nga cũng coi trọng tiếng Việt, đã thiết lập mạng lưới dạy và học tiếng Việt.

Trong vòng 20 năm qua, quan sát của tôi cho thấy địa vị tiếng Việt trên thế giới thật sự đã có những bước tiến lớn.

Là người đồng hành với các khóa tập huấn tiếng Việt cho các giáo viên kiều bào tại các nước, ông có nhận xét gì về các khóa học này?

Tôi đã tham gia giảng dạy tại bốn khoá tập huấn tiếng Việt cho các giáo viên kiều bào tại nước ngoài. Trong đó có hai khoá tập huấn online do dịch Covid-19, mỗi khoá với khoảng 200 người. Hai khoá tập huấn vừa qua, tôi tham gia giảng dạy, giao lưu trực tiếp với kiều bào.

Mỗi khoá tập huấn, các giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ những kiến thức chuyên môn về phương pháp dạy tiếng cũng như bổ sung nền tảng tiếng Việt và văn hoá Việt Nam. Họ có thể tự tin hơn nữa trong việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài.

Tôi cho rằng, nhu cầu học tiếng Việt, hướng về quê hương, nhu cầu hiểu hơn về truyền thống văn hoá của dân tộc của bà con rất là lớn. Được giao lưu, tiếp xúc với kiều bào đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, tôi thật sự xúc động, trân trọng. Chính các bác, các cô, các chị là người gieo vần, ươm mầm tiếng Việt trên toàn thế giới. Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ mà còn là văn hóa, là ý thức tự tôn dân tộc, giữ gìn tiếng Việt là cách thể hiện tình yêu của mình với Tổ quốc.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Dương Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

- Ông đánh giá như thế nào về Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (8/9)?

Ngày tôn vinh Tiếng Việt là sự kiện quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với tiếng Việt, cũng là ngày để luôn luôn nhắc nhở người Việt yêu, trân trọng tiếng Việt và những giá trị của tiếng Việt.

Các hoạt động tôn vinh tiếng Việt, trong đó có Ngày Tôn vinh Tiếng Việt trước hết có tác dụng giáo dục các thế hệ người Việt, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài hướng về tiếng Việt như một giá trị văn hoá, từ đó biết trân quý ngôn ngữ này. Bên cạnh đó, các hoạt động tôn vinh tiếng Việt còn tạo ra môi trường giao lưu tiếng Việt, tạo động lực học tập cho người học tiếng Việt. Các hoạt động tôn vinh tiếng Việt sẽ lôi cuốn được nhiều thành phần xã hội cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động dạy và học tiếng Việt, góp phần thúc đẩy tạo ra xã hội học tập.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo thoidai