leftcenterrightdel
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng dự lễ khai trương Tủ sách Tiếng Việt tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN) 

Ngày 20/7 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Pháp, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng đã có cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam và tham dự lễ phát động “Ngày Tôn vinh Tiếng Việt” tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Thủ đô Paris.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, đông đảo đại diện các hội đoàn như Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance), Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng nhiều hội đoàn khác đã tham dự sự kiện.

Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng giới thiệu cộng đồng người Việt Nam tại Pháp hiện có rất nhiều hội đoàn, hoạt động phong phú và đa dạng trên tất cả các lĩnh vực - từ kinh tế đến khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa và nghệ thuật…

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và thăng trầm trong hơn một thế kỷ, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp luôn đồng hành cùng dân tộc, ngày càng trở nên gắn kết và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh trong rất nhiều hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, giữ gìn bản sắc dân tộc - bao gồm cả nỗ lực giảng dạy và phát triển tiếng Việt - luôn được chú trọng, thu hút được sự quan tâm của mỗi gia đình, mỗi tổ chức hội đoàn.

“Ngày Tôn vinh Tiếng Việt” được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Thủ đô Paris là hoạt động tri ân đối với tất cả hội đoàn và bà con kiều bào, những người đã có nhiều đóng góp cho công cuộc giữ gìn và truyền bá ngôn ngữ mẹ đẻ để nuôi dưỡng ngọn lửa tự hào dân tộc, tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam trong giới trẻ cũng tất cả các tầng lớp của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

Trong buổi gặp mặt, các đại diện đã có những trao đổi cởi mở với đoàn công tác, chia sẻ về thành công cũng như các khó khăn trong quá trình hoạt động và những đề xuất hướng tới một cộng đồng ngày càng gắn bó, đoàn kết và hội nhập hơn, cùng góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bà con cũng bày tỏ mong muốn Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài tăng cường hỗ trợ các tổ chức hội đoàn trong quá trình gìn giữ và lan tỏa Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Pháp nói riêng.

Sau khi lắng nghe và ghi nhận những ý kiến chia sẻ của các đại diện hội đoàn thuộc nhiều thế hệ người Việt Nam tại Pháp, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao và biểu dương những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp cho đất nước trong suốt thời gian qua.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chia sẻ thông tin cho cộng đồng để kiều bào có thể hiểu rõ hơn về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, khẳng định Đảng, Nhà nước luôn cố gắng chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào hướng về quê hương.

Bà cho biết Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài rất tích cực nghiên cứu, rà soát, tham mưu, đề xuất Đảng và Nhà nước sửa đổi, bổ sung những chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của bà con ở nước ngoài trên các lĩnh vực như quốc tịch, đất đai, nhà ở, căn cước...

Các mặt công tác này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để đáp ứng nguyện vọng và tạo thuận lợi hơn nữa cho bà con kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh.

Tại lễ phát động “Ngày Tôn vinh Tiếng Việt,” chia sẻ những thành công và cả những khó khăn trong quá trình giảng dạy ngôn ngữ Tiếng Việt, ông Angot Rabin - giáo viên Tiếng Việt kiêm phụ trách trường Về nguồn của UGVF - khẳng định nhiệm vụ bảo tồn văn hóa Việt Nam và Tiếng Việt cho các thế hệ con cháu là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Ông chia sẻ: “Trong quá trình phổ cập Tiếng Việt ở nước ngoài, trường Về nguồn, cũng như hầu hết các cơ sở dạy Tiếng Việt ở Pháp, đang phải đối mặt với một số vấn đề lớn. Con cái của cha mẹ thế hệ thứ ba, thậm chí thứ tư hoặc các gia đình đa văn hóa không còn nói được Tiếng Việt ở nhà."

Ông Rabin bày tỏ: “Tài liệu giảng dạy Tiếng Việt hiện nay chỉ phù hợp với những trẻ em đã có hiểu biết tốt về Tiếng Việt. Do đó, các lớp đang rất thiếu tài liệu giảng dạy phù hợp.

Tuy nhiên, việc các thầy cô được tham gia khóa tập huấn giáo viên Tiếng Việt từ xa và trực tiếp tại Việt Nam đã giúp cải thiện được vấn đề. Hy vọng các khóa đào tạo này sẽ được tiếp tục trong những năm tới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của các thầy cô.”

Là người thuộc thế hệ thứ tư trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, em Phạm Jade Thu Giang (13 tuổi) cho biết dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, em luôn cố gắng học Tiếng Việt vì hiểu rằng ngôn ngữ là cầu nối quan trọng để giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc.

Trước đại dịch COVID-19, Thu Giang đã tham gia Hội Cánh diều - tổ chức giúp các em nhỏ kết nối với văn hóa và ngôn ngữ Tiếng Việt. Sau khi đại dịch xảy ra, nhờ thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Thu Giang đã tham gia khóa học từ xa dành cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Mỗi Chủ Nhật, em lại được gặp cô giáo và các bạn ở khắp châu Âu và được tìm hiểu thêm về những sự kiện lớn của lịch sử Việt Nam, như ý nghĩa của Ngày lễ 30/4.

Lắng nghe các chia sẻ của bà con kiều bào, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định trong vai trò cầu nối với bà con kiều bào, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện tăng cường xây dựng môi trường học tập hấp dẫn, đảm bảo phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức nhằm tạo ra một nền tảng cho cộng đồng kết nối, chia sẻ và nuôi dưỡng tình yêu Tiếng Việt, nhất là trong thế hệ trẻ; đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đa dạng hình thức giảng dạy, đào tạo dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài cả về phương pháp sư phạm, kiến thức Tiếng Việt và văn hoá, lịch sử Việt Nam qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thứ trưởng cũng đề nghị các hội đoàn tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp với các cơ quan đại diện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để gắn kết bà con, giữ gìn và phát huy Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam trong cộng đồng, thể hiện là cầu nối hữu hiệu đóng góp cho sự phát triển quan hệ hữu nghị và đặc biệt là quan hệ chiến lược Việt Nam-Pháp.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trao quà lưu niệm cho các đại diện hội đoàn người Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: Nguyễn Tuyên/TTXVN) 

Nhân sự kiện diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Thủ đô Paris, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cũng đã tham dự lễ khai trương “Tủ sách Tiếng Việt” do Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức trong khuôn khổ Đề án “Ngày Tôn vinh Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” của Chính phủ.

Tủ sách gồm nhiều loại sách dạy và học Tiếng Việt thuộc các thể loại văn hóa, khoa học thường thức dành cho trẻ em, tài liệu bổ trợ nâng cao giúp người đọc đến với kho tàng văn học dân gian và đương đại của Việt Nam.

Theo ông Phạm Vĩnh Thái - Tổng Biên tập, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục, Tủ sách cũng cung cấp mã QR hướng dẫn truy cập chương trình dạy Tiếng Việt cho trẻ em, cũng như nền tảng “Hành trang số” giúp cộng đồng có thể truy cập miễn phí toàn bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 21/7, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã có buổi gặp mặt với đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại Bordeaux. Sau các phát biểu chia sẻ của bà con, Thứ trưởng đánh giá cao những nỗ lực duy trì các lớp học Tiếng Việt tại địa phương suốt hơn 40 năm qua.

Trong điều kiện vật chất khó khăn, cơ sở hội đơn sơ, nhà cộng đồng chật chội và thiếu thốn, các hội đoàn tại Bordeaux đã phải hết sức cố gắng trong các hoạt động gìn giữ và lan tỏa Tiếng Việt cũng như văn hóa Việt Nam trong cộng đồng.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chia sẻ đây cũng là khó khăn chung, không chỉ của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp mà ở tất cả các nước trên thế giới.

Thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ phối hợp với các ban ngành và các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước, tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ các cộng đồng khắc phục khó khăn tại chỗ, cũng như nhân rộng các gói hỗ trợ học bổng cho con em người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam thực hành Tiếng Việt.

Chị Dương Hương Lan - giáo viên Đại học Bordeaux Montaigne - cho biết cơ sở giảng dạy Tiếng Việt ở ngôi trường này còn thiếu rất nhiều tài liệu, sách vở.

Chị mong muốn có một góc Việt Nam học ở Thư viện Bordeaux, với đầy đủ kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý, pháp luật… để giúp sinh viên có cái nhìn đa dạng, phong phú và đầy đủ về đất nước và con người Việt Nam.

Chị Hương Lan tâm sự: “Chúng tôi cũng mong muốn được kết nối với các đồng nghiệp ở Việt Nam thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho phép chúng tôi có thể học hỏi lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm với nhau.

Cuối cùng, cần có thêm những khóa đào tạo cho giáo viên, giúp chúng tôi trang bị những kỹ năng cần thiết cũng như các phương pháp giảng dạy mới, cập nhật những kiến thức mới trong công tác giảng dạy Tiếng Việt”./.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trao quà lưu niệm cho các đại diện hội đoàn người Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: Nguyễn Tuyên/TTXVN)

Theo vietnamplus