|
|
Anh Lê Dũng, giáo viên dạy tiếng Việt tại Liên Văn Hóa thành phố Eskilstuna - The Intercultural Unit Eskilstuna, Thuỵ Điển. |
Người lính bén duyên với nghề gieo chữ
Sau khi xuất ngũ trong quân đội, năm 2012, anh Lê Dũng đã quyết định bắt đầu một hành trình cho riêng mình khi đặt chân đến Thuỵ Điển. Trong một thời gian đầu khi mới sống và làm việc tại đây anh Lê Dũng luôn nhớ đến quê hương đất nước, nhớ đến những tháng ngày được phục vụ, nhớ đến những lý tưởng mà anh đã được học trong quân đội. Từ đó, anh Lê Dũng nhen nhóm một ý tưởng về một hội thanh thiếu niên Việt Nam tại địa phương nơi anh sinh sống và đây cũng là tiền đề để anh được bén duyên với nghề giáo viên.
Trong quá trình làm việc trong hội thanh thiếu niên, vì tính chất công việc thường xuyên phải đi vận động trợ giúp kinh phí cũng như vận động xin mượn nhà thể thao, nhà thi đấu cho các bạn trẻ có nơi sinh hoạt nên từ đó anh Lê Dũng trưởng thành và dạn dĩ hơn hơn, nắm bắt các mối quan hệ với các ban ngành ở địa phương.
“Số lượng thanh thiếu niên tham gia phong trào thể dục thể thao đông, cũng ghi dấu khá nhiều trong một số giải thi đấu tại các trường học địa phương. Theo thời gian, tôi được một số phụ huynh các em nhỏ cũng là những người đi trước, sang đây từ rất lâu, họ khích lệ tôi hãy mạnh dạn và thử nghĩ đến công tác giảng dạy tiếng Việt cho các em nhỏ.
Bên cạnh đó tôi cũng may mắn được một thầy giáo bản địa nơi đây, cũng là người chuyên phụ trách công tác thanh niên tại trường học, người thường xuyên làm việc với tôi trong thời gian ấy, ông đã có nhiều buổi nói chuyện và hướng dẫn tôi về trung tâm Liên Văn Hoá Eskilstuna nơi tập trung các giáo viên giảng dạy mẫu ngữ cho các em học sinh đến nhập cư, sinh sống và học tập trên địa bàn thành phố.
Và khi ấy tôi đã cân nhắc nộp hồ sơ, quyết định đến với một công việc mới. Trung tâm Liên Văn Hoá Eskilstuna cũng đã mở ra cho tôi một cơ hội để được làm việc trong vai trò giáo viên mẫu ngữ - phụ trách giảng dạy bộ môn tiếng Việt từ cấp 1 đến cấp 3”, anh Lê Dũng chia sẻ.
Gian nan vượt khó "gieo" chữ tại xứ sở Bắc Âu lạnh giá
Thời gian đầu, anh Lê Dũng khá loay hoay làm quen với công tác giảng dạy. Bởi vì ngoài việc phải lên lớp thì song song đó anh cũng phải tham gia các khoá ngắn hạn bồi dưỡng chuyên môn sư phạm. Ngoài ra, anh còn tham gia các khoá chuẩn hoá, học và thao tác với các hệ thống nền tảng quản lý giáo dục địa phương, các phương thức lưu trữ, bảo mật thông tin cá nhân của học sinh cũng như trao đổi thông tin nội bộ...
Với cố gắng của mình, anh Lê Dũng đã hoàn thành tốt các công tác này và tổng số học sinh cũng thay đổi hơn trước, ngày càng nhiều học sinh tham gia hơn. Từ 20 em, hiện nay tổng số học sinh tham gia lớp học tiếng Việt là hơn 70 học sinh. Lớp học tiếng Việt được chia thành các nhóm lớp khác nhau như nhóm trình độ vỡ lòng, nhóm học sinh lớp 1-3, nhóm học sinh lớp 4-6, nhóm học sinh lớp 7-9 và nhóm học sinh lớp 10-12.
|
|
Một lớp học tiếng Việt do anh Lê Dũng phụ trách. |
Anh Dũng chia sẻ: “Môn tiếng Việt được tổ chức như một môn học tự chọn, giờ học tiếng Việt được tổ chức như một giờ học chính thức trong thời khoá biểu của các em học sinh tại các trường học trên địa bàn, đó cũng là một thế mạnh tuy nhiên thời lượng giờ học hiện nay trong một tuần của các em còn hạn chế, đây cũng là điểm trăn trở của giáo viên, vì hạn mục giảng dạy tiếng mẫu ngữ chỉ được cơ quan sở tại duyệt hỗ trợ theo tiêu chuẩn 1 học sinh được 1 giờ/tuần.
Hơn thế nữa là số lượng sách giáo khoa, tài liệu mới cho các học sinh còn bị hạn chế, đa số là các mẫu sách giáo khoa cũ, truyền thống chưa thật sự phù hợp với việc giảng dạy cũng như thu hút các em học sinh tại nước sở tại”, anh nói.
Luôn đổi mới cách dạy học tiếng Việt
Theo anh Dũng, mất nhiều thời gian và công sức nhất đó vẫn chính là trình độ vỡ lòng. “Giáo viên chúng tôi phải chắt lọc các bài trong các sách giáo khoa Việt Nam, lồng ghép, phối hợp với các bài học theo chương trình của nước sở tại của các em, thiết kế lại bài giảng và cố gắng đảm bảo sao cho các em học tiếng Việt nắm được mặt chữ và cách phát âm nhưng không nhầm lẫn cũng như ảnh hưởng bởi cách phát âm của tiếng Thụy Điển”, anh nói.
May mắn, mùa hè 2022, anh Lê Dũng được tham gia khoá tập huấn chuyên môn tiếng Việt tại Việt Nam do Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Với anh Lê Dũng đây là một chuỗi kỷ niệm đẹp, đáng nhớ nhất trong hành trình đi dạy học của mình, mang tâm hồn anh về thật gần hơn nữa bên tổ quốc thân thương.
|
|
Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển do Đại sứ Phan Đăng Đương dẫn đầu đã có chuyến thăm trung tâm Liên Văn Hóa Eskilstuna. |
“Khoá tập huấn cho tôi thấy được dù tôi đang công tác trên mặt trận giáo dục tại xứ sở Bắc Âu lạnh giá nhưng tôi không hề cô đơn, lẻ loi mà tôi cảm thấy rất ấm áp. Cái ấm ấp của sự quan tâm của nước nhà, cái ấm áp của tình người, tình yêu quê hương, tình yêu tiếng Việt, cái ấm áp vì sự đồng hành của biết bao thầy cô, biết bao đồng nghiệp trên mặt trận này. Đây sẽ là những chuỗi kỉ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình làm nghề của tôi”, anh xúc động chia sẻ.
Trong học kỳ vừa qua, anh Lê Dũng cũng mạnh dạn ứng dụng hai quyển đầu tiên trong bộ sách giáo khoa Chào Tiếng Việt (gồm 6 quyển) là quyển ’’Ra Khơi’’ & ’’Khám Phá’’ vào công tác giảng dạy tại Thuỵ Điển. Hai cuốn đã và đang mang đến cho các em học sinh một làn gió mới, để các em trải nghiệm theo cốt truyện cùng những chủ đề xuyên suốt trong bộ sách giáo khoa.
|
|
Em Sofia Truong thích thú học tiếng Việt. |
“Mong rằng nhà xuất bản sớm hoàn thành và phát hành các quyển còn lại để các em học sinh có thể sớm tiếp cận được những bài học thú vị hơn nữa trong bộ sách giáo khoa của này”, anh nói.
Theo thoidai