Ở nước ngoài vẫn gắng cho con nói tiếng Việt mỗi ngày
Ông Trần Đăng Huệ (Harry Trần) có 6 năm học tập ở Đức và hiện cùng gia đình định cư ở thành phố Sydney (Australia) đã hơn 10 năm. Hai con ông là Đăng Bách (10 tuổi) và Isabella (8 tuổi) thuộc thế hệ Việt kiều thứ hai nhập cư tại Úc. Ông Harry cho biết, gia đình rất quan tâm để các con có thể nói và hiểu được tiếng Việt ngay từ lúc nhỏ.
|
Sách truyện thiếu nhi của Bách và Isabella (Nguồn: Nhân vật cung cấp) |
Đối với ông Harry, ông cố gắng để các con không coi tiếng Việt không phải là ngoại ngữ.
Hàng ngày ông và vợ tận dụng mọi cơ hội để nói chuyện với các con bằng tiếng Việt, cũng như tạo điều kiện để con nói chuyện với ông bà và họ hàng khi gọi điện thoại hoặc khi về thăm quê.
Vì ở trường hoàn toàn bằng tiếng Anh nên Bách và Isabella còn học tiếng Việt cùng với gia sư ngoài giờ để thành thạo ngữ pháp hơn. Cô trò dạy và học qua hình thức trực tuyến, từ một đến hai buổi một tuần.
Đây cũng là thời gian để Bách và Isabella tìm hiểu về văn hoá Việt Nam một cách tự nhiên, không gò bó.
Ông Harry cho biết các bạn thích thú với những câu chuyện dân gian như sự tích trầu cau, Sơn tinh - Thuỷ tinh qua sách tiếng Việt, hoặc nghe kể chuyện cổ tích, tìm hiểu phong tục truyền thống như cúng bái tổ tiên, chúc sức khoẻ ông bà và người lớn tuổi vào ngày Tết...
"Ngày lễ Việt Nam yêu thích của Bách và Isabella chính là ngày Tết Nguyên đán, khi các bạn được cùng bố mẹ về quê, được nói bằng tiếng mẹ đẻ với mọi người xung quanh," ông Harry cho biết.
|
Từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, cả gia đình ông Harry về quê ăn Tết, kết hợp đi đến nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. |
Từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, cả gia đình ông Harry về quê ăn Tết ở Thanh Hoá. "Vào thời điểm khi ở Việt Nam đón năm mới lại là mùa hè ở Australia. Về Việt Nam xum họp với gia đình, người thân và cảm nhận khác biệt về thời tiết, không khí và hương vị Tết đích thực, vì vậy các con rất thích thú, luôn muốn đón Tết ở quê", ông Harry chia sẻ.
Chuyến đi này đặc biệt hơn cả với Bách và Isabella vì không chỉ về quê để đón Tết cổ truyền mà còn được thăm Lăng Bác, đến đỉnh Fansipan (Sapa), hay rừng nguyên sinh và biển Phú Quốc. Nét đẹp của những nơi các con được đến, những điều các con khám phá về quê hương khiến cho Việt Nam trở nên gần gũi hơn, dù chỉ trong một thời gian vài tuần về thăm.
|
Isabella Trần (8 tuổi) và kỷ niệm chương trống đồng của Đền Hùng (Nguồn: Nhân vật cung cấp). |
Ông Hary chia sẻ, tuy các con chưa có cơ hội đến đền Hùng hay ở Việt Nam vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương, nhưng cả gia đình nhất định sẽ thăm địa danh này trong lần tới về nước.
Ông cũng mong với số lượng hơn 100.000 người Việt Nam sống tại thành phố Sydney, cộng đồng này sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi hơn để cho thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của người Việt tại đây được giao lưu và cùng nhau gìn giữ tiếng mẹ đẻ, nhất là các gia đình có con ở lứa tuổi như Bách và Isabella.
Tự hào về cội nguồn
Đối với bà Nguyễn Thu Thảo Griffiths (hiện đang sống và làm việc tại Singapore, hai con sống tại Australia), việc hai con là My (Aimee, 19 tuổi) và Liêm (Liam, 20 tuổi)) giỏi tiếng Việt là niềm tự hào.
Bà Thảo chia sẻ: "Chồng tôi người Australia nhưng giỏi tiếng Việt nên trong gia đình chúng tôi cũng dùng tiếng Việt song song với tiếng Anh. Kể cả khi tôi không ở nhà, ba bố con cũng nói chuyện với nhau tiếng Việt".
|
Hàng năm, vào dịp nghỉ lễ ở Úc, gia đình bà Thảo thường xuyên về Việt Nam, vừa thăm gia đình nhà ngoại và cũng vừa để con tìm hiểu vẻ đẹp của đất nước. (Ảnh: Nhân vật cung cấp} |
Bà Thảo còn cho con, đặc biệt là My, đọc nhiều những tác phẩm thơ văn như Truyện Kiều hoặc ca dao, câu chuyện dân gian. Bà cho biết, tình yêu với thơ ca, văn học là do được mẹ bà, là giáo viên dạy văn, truyền cho, vì vậy bà cũng muốn truyền dạy cho con gái.
"Tôi muốn con ý thức được nét đẹp nhất của cả và Việt Nam cũng như sự tôn trọng, bình đẳng giữa các nền văn hoá. Tôi cho rằng khi các con tự thấy tự hào về người Việt, thấy thơ văn Việt hay quá, sẽ tự nhiên tìm hiểu về Việt Nam, muốn giỏi tiếng Việt,", bà Thảo chia sẻ.
Vừa qua, khi tham dự buổi lễ sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia đầu tháng 3/2023 tại Hà Nội, bà Thảo đã chia sẻ về câu chuyện và ý nghĩa của sự kiện đặc biệt đối với bà và con gái.
Trước chương trình ít ngày, cô sinh viên năm nhất tại Đại học quốc gia Australia còn đang ở trường học thì bất ngờ nhận được lời mời dẫn chương trình cho đêm Gala tại Hà Nội từ đích thân Tân Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski. Ngay cả khi bà Thảo cũng động viên về cơ hội đặc biệt này, nhưng My cho biết mình rất phân vân vì tự ti rằng mình không biết "tiếng Việt trang trọng".
|
My đảm nhận vai trò MC tại buổi lễ sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia đầu tháng 3/2023 (Ảnh: nhân vật cung cấp). |
Nhưng rồi với sự động viên của mẹ, My vẫn nhận đã nhận lời dù lúc đó vẫn đang ngồi học, chưa có vé máy bay hay đồ đạc gì chuẩn bị về nước. Quyết định bay từ Canberra (Australia) về Hà Nội, vừa chuẩn bị toàn bộ phần dẫn bằng tiếng Việt vừa học cách nói, cách phát âm thật chuẩn, tất cả đều chỉ có một, hai ngày để hoàn tất.
My chia sẻ với Thời Đại rằng, khi đã chấp nhận thử thách lần đầu dẫn chương trình bằng song ngữ Việt - Anh trước hàng trăm quan khách, cô không cảm thấy run mà chỉ thấy háo hức và tự hào.
"Tôi tự hào khi được coi là người Việt Nam ở Úc. Tôi luôn giới thiệu với bạn bè ở trường và người quen về những điều tốt đẹp, thú vị trong văn hoá Việt Nam. Họ rất thích khi nghe tôi kể về việc Tết ở Việt Nam, tôi được mừng tuổi, hay cùng tôi ăn những món Việt,", My chia sẻ.
Đặc biệt, My có ước mơ sẽ được làm những công việc liên quan đến quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới cũng như trở về sống và làm việc ở Việt Nam một thời gian dài sau khi tốt nghiệp đại học. Cô cho biết, bên cạnh việc học hiện nay khá bận rộn nhưng luôn luyện tập tiếng Việt hàng ngày. Như mọi năm, kế hoạch của cô vào ngày lễ đặc biệt của Việt Nam sẽ là đến nhà người quen cùng thưởng thức các món Việt để có được không khí đón lễ như ở quê hương, ngay tại Australia.
Theo thoidai