|
|
Một lớp học tiếng Việt ở Trung tâm tiếng Việt Praha (Cộng hòa Séc). (Ảnh: Nguyễn Văn Sơn) |
Bước ngoặt lịch sử tại Cộng hòa Séc
Một trong những bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự phát triển của tiếng Việt là vào tháng 9/2013, cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc được chính phủ nước này chính thức công nhận là dân tộc thiểu số. Đây là lần đầu tiên tiếng Việt có cơ hội trở thành ngôn ngữ thiểu số được công nhận chính thức tại một quốc gia châu Âu. Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng người Việt tại Séc mà còn góp phần bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ, khuyến khích việc giảng dạy tiếng Việt trong các trường học và tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ sau tiếp cận tiếng Việt trong môi trường giáo dục chính thức.
Cụ thể, sau khi được công nhận, tiếng Việt được sử dụng trong các dịch vụ công như y tế, giáo dục và hành chính. Việc này giúp giảm bớt rào cản ngôn ngữ, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi hoặc những người mới nhập cư, đồng thời tăng cường sự tham gia của cộng đồng người Việt vào đời sống xã hội và chính trị địa phương.
Trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm tiếng Việt tại Trung tâm Thương mại Sapa ở Praha vào tháng 10/2023, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, khẳng định: "Cộng đồng người Việt tại Séc luôn coi trọng nhiệm vụ bảo tồn và duy trì văn hóa, ngôn ngữ Việt. Chỉ có duy trì ngôn ngữ mới có thể duy trì một cộng đồng phát triển bền vững". Những chương trình như trại hè tiếng Việt hay các hoạt động văn hóa đã trở thành cầu nối thế hệ, giúp các bạn trẻ người Việt tại Séc không chỉ học ngôn ngữ mà còn hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc.
Tiếng Việt lan tỏa
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có cộng đồng người Việt đông đảo nhất, với khoảng 2,2 triệu người. Các trung tâm và cơ sở dạy tiếng Việt đã trở thành nền tảng quan trọng giúp bảo tồn và phát huy ngôn ngữ mẹ đẻ cho thế hệ trẻ. Theo thống kê, có hơn 200 trung tâm và cơ sở dạy tiếng Việt trên khắp Hoa Kỳ, góp phần vào việc duy trì tiếng Việt trong gia đình và cộng đồng.
Một bước tiến đáng chú ý là vào tháng 6/2024, Hội đồng Giám sát thành phố San Francisco (California) đã chính thức thông qua quyết định công nhận tiếng Việt là một ngôn ngữ chính thức của thành phố. Quyết định này đánh dấu bước tiến quan trọng, khi tiếng Việt được sử dụng trong các dịch vụ công như dịch thuật qua điện thoại, thông báo, văn bản trên website và các thông tin liên quan khác.
Ngoài San Francisco, quận Cam (California), Houston (Texas) và Seattle (Washington) cũng là những khu vực có cộng đồng người Việt đông đúc, nơi tiếng Việt được sử dụng rộng rãi trong các dịch vụ công cộng, y tế, giáo dục. Đây là những bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy tiếng Việt trở thành một phần của hệ thống ngôn ngữ chính thức tại Hoa Kỳ, mở ra cơ hội lớn để ngôn ngữ này được công nhận rộng rãi hơn trong tương lai.
Không chỉ tại Cộng hòa Séc và Hoa Kỳ, tiếng Việt đang được giảng dạy tại nhiều quốc gia khác với các chương trình học bài bản.
Tại Ý, Đại học Ca’ Foscari ở Venice đã có chương trình giảng dạy tiếng Việt từ nhiều năm nay. Sinh viên theo học ngành này không chỉ học ngôn ngữ mà còn tìm hiểu về văn hóa, văn học và lịch sử Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể giao tiếp cơ bản và tiếp cận nền văn hóa Việt Nam một cách sâu sắc hơn.
|
|
Hoạt động dạy tiếng Việt của giáo viên kiều bào tại Hàn Quốc. (Ảnh: Kim Thoa) |
Tại Hàn Quốc, từ năm 2013, tiếng Việt đã được vào chương trình giáo dục như ngoại ngữ thứ hai. Hiện có 4 trường đại học ở Hàn Quốc giảng dạy tiếng Việt và ngành Việt Nam học, đồng thời nhiều trường trung học cũng mở các lớp dạy tiếng Việt. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia năm 2022, tiếng Việt thậm chí đã trở thành một trong những lựa chọn phổ biến nhất trong môn Ngoại ngữ 2. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của xã hội Hàn Quốc đối với văn hóa và ngôn ngữ Việt, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc và các gia đình đa văn hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ tại đây.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), kể từ năm 2019, tiếng Việt đã trở thành một phần của chương trình giảng dạy chính thức từ lớp 3 đến lớp 12, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về việc học tiếng Việt, không chỉ từ thế hệ người Đài Loan gốc Việt mà còn từ cộng đồng người Đài Loan.
Tiếng Việt trong làn sóng hội nhập toàn cầu
Tiếng Việt đang ngày càng khẳng định vị thế không chỉ là ngôn ngữ của một dân tộc mà còn là cầu nối với văn hóa quốc tế. Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: sự hiện diện ngày càng nhiều của bộ môn tiếng Việt trong các chương trình giảng dạy ở nhiều quốc gia hay việc tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức tại các thành phố lớn của thế giới đã cho thấy sức sống, tiềm lực to lớn của ngôn ngữ - văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ (năm 1992) của Liên hợp quốc chỉ ra rằng các nhóm thiểu số có quyền sử dụng ngôn ngữ của mình trong giáo dục, truyền thông và văn hóa. Điều này mở ra cơ hội pháp lý cho tiếng Việt có thể được công nhận là ngôn ngữ thiểu số tại những quốc gia có cộng đồng người Việt đông đảo. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo cũng tạo ra những cơ hội mới trong việc dạy và học tiếng Việt trực tuyến, giúp ngôn ngữ này tiếp cận toàn cầu một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngôn ngữ, con đường để tiếng Việt được công nhận chính thức tại các quốc gia khác vẫn còn nhiều thách thức. Cộng đồng người Việt tại các quốc gia trên thế giới và các tổ chức liên quan cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan ngoại giao Việt Nam để thúc đẩy tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thiểu số chính thức. Đây không chỉ là cách bảo tồn bản sắc dân tộc mà còn là cơ hội để ngôn ngữ Việt vươn ra thế giới, đóng góp vào sự đa dạng văn hóa toàn cầu.
Theo thoidai