Những khóa học này đang được nhiều bạn trẻ tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức và duy trì hai, ba năm qua. Gần như khóa nào, số lượng đăng ký học cũng vượt quá giói hạn, trong đó phần lớn là những bạn trẻ ở độ tuổi 20, 30.
Lớp tiếng Việt không biên giới
"Tiếng Việt - Hiểu sâu Viết sắc" được Thùy Dung tổ chức vào thứ tư và thứ sáu hằng tuần trên Google Meet. Một buổi dạy của Thùy Dung bắt đầu lúc 19h30, Dung chiếu mẩu tin tức chuyển ngữ, đăng trên một trang tin trong nước. Bài viết giới thiệu một loại hình nghệ thuật mới đang nổi lên ở nhiều quốc gia. Cả lớp, gồm 15 học viên, tập trung phân tích từ ngữ trong từng dòng, từng đoạn, dò xem chỗ nào dịch quá máy móc, chỗ nào ngữ pháp gặp vấn đề, chỗ nào ý tứ lủng củng, chỗ nào cần tinh gọn...
Xong phần "khởi động", Dung và các học viên bước vào bài học chính, xoay quanh chủ đề nguồn gốc cấu thành một số từ tiếng Việt. Dung giải thích trong tiếng Việt sẽ có nhiều từ mang theo "dấu ấn nghề nghiệp", tạo nên những lớp nghĩa mới. Chẳng hạn, "khuôn thước", "mực thước", "giềng mối", "kỷ cương"... là một vài từ được ghép từ các công cụ trong nghề ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hay "giặc đói", "giặc dốt", "giặc COVID-19"... là những từ chịu ảnh hưởng của ngành quân sự...
Nguyễn Thùy Dung (31 tuổi, quê Bến Tre), từng tốt nghiệp thủ khoa báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM). Dung hiện cũng là người đứng sau fanpage "Ngày Ngày Viết Chữ" thành lập năm 2016, thu hút hơn 200.000 lượt theo dõi. Đây là nơi đăng tải những bài viết giới thiệu những câu cú hay, những cách nói lạ mà quen, những cổ ngữ, từ Hán Việt trong văn thơ... Mỗi ngày một bài viết, tất cả đều nhận được hàng trăm lượt chia sẻ từ các bạn trẻ trên mạng xã hội.
Năm 2019, nhiều bạn chủ động nhắn tin cho Dung bày tỏ nguyện vọng được "đi xa hơn", không chỉ dừng lại ở việc đọc các bài viết trên "Ngày Ngày Viết Chữ" mà muốn ngồi trong lớp nghe Dung giảng những cái hay, cái đẹp của tiếng Việt và được dạy cách dùng từ, viết câu, viết đoạn.
Vậy là từ tháng 3-2019, Dung thành cô giáo tiếng Việt cho các bạn trẻ Việt. Gần như mỗi tháng, khóa "Tiếng Việt - Hiểu sâu Viết sắc" dành cho những bạn muốn biết tường tận nghĩa của từ Hán Việt lại bắt đầu. Mỗi khóa thường kéo dài 10 buổi, Dung thiết kế chương trình cân bằng giữa ngữ pháp, từ vựng và các bài tập thực hành. Học phí cho 2 khóa trên lần lượt là 5 triệu và 3 triệu đồng, dù vậy lúc nào cũng trong tình trạng "cháy hàng".
Trước đợt dịch, Dung dạy trực tiếp. 60% người theo học đang làm việc liên quan đến chữ nghĩa, còn lại là những bạn trẻ đăng ký chỉ vì đam mê, muốn hiểu thêm về tiếng nói của dân tộc. Một số bạn đã lặn lội từ Cần Thơ lên Sài Gòn hằng tuần để theo học.
Năm 2020, do dịch, các khóa học chuyển sang trực tuyến. Nhưng rồi đó lại là cơ hội để lớp"vượt biên" tiếp cận được những bạn trẻ hải ngoại. Đa phần là những người Việt đang sinh sống, học tập ở nước ngoài như Nhật, Mỹ... có mong muốn hiểu hơn tiếng Việt như một cách hướng về nguồn cội.
Dung nói từng dấu chân của mình nói riêng và "Ngày Ngày Viết Chữ" nói chung đều được tạo ra bởi cộng đồng, cụ thể là các bạn trẻ. "Ngày Ngày Viết Chữ" trước chỉ là một blog cá nhân, cũng vì được các bạn hưởng ứng và động viên nên mới "dời nhà" sang Facebook, lập thêm website.
Rồi cũng từ nhu cầu của các bạn, những khóa học tiếng Việt mới ra đời. "Đó là một minh chứng cho thấy vẫn có rất nhiều bạn trẻ nặng lòng với tiếng Việt" - Dung nói. "Nhiều bạn sau khi học xong đã gửi thư từ phương xa về cho mình, nói những lời cảm ơn vì đã giúp họ có thể viết được tiếng Việt tròn trịa và cảm nhận được tiếng nước ta vô cùng giàu đẹp mà bấy lâu nay các bạn không nhìn thấy"- Dung chia sẻ.
À Ơi Tiếng Nước Tôi
Lớp học của Thùy Dung không phải là trường hợp duy nhất ở TP.HCM. Một năm qua, Nguyễn Thúy Duy (25 tuổi), cựu sinh viên khoa văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), miệt mài tổ chức tổng cộng 3 khóa dạy tiếng Việt mang tên "À Ơi Tiếng Nước Tôi". Mỗi khóa Duy đều thu phí và dùng một phần góp vào một quỹ hỗ trợ các giáo viên mầm non chịu ảnh hưởng bởi COVID-19.
Lúc đầu Duy định mở lớp để dạy trước cho những mối quan hệ quen biết nhưng không ngờ bạn này rủ bạn kia, nên khóa nào cũng hết suất từ sớm. Học viên hầu hết trẻ tuổi, độ 9X, 8X... Có người theo nghề kinh doanh, kỹ sư hay nhiếp ảnh cũng đăng ký tham gia. Trong khóa 1, Duy chú trọng phân tích từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc câu, đoạn. Nhận thấy chương trình hơi hàn lâm, ở khóa 2, Duy thêm vào các buổi xem phim, đọc sách để các bạn học viên có thêm góc nhìn về tiếng Việt trong nhiều tình huống.
Giáo trình cũng được đơn giản hóa cho dễ hiểu thay vì thô cứng, nặng tính học thuật. Khóa 3 diễn ra đúng vào giai đoạn căng thẳng nhất của dịch COVID-19 tại TP.HCM, lớp học “di cư” lên online. Thấy nhiều học viên stress do đại dịch, Duy cho các học viên tập viết nhiều hơn, như một cách giãi bày tâm trạng. Qua từng con chữ, các học viên đã san sẻ nỗi niềm cho nhau, cân bằng cuộc sống. Tiếng Việt giờ đây như một liều thuốc chữa lành.
Thảo Phương (26 tuổi, quê Đắk Lắk), hiện làm trong mảng nhân sự cho một công ty ở TP.HCM, là người theo học khóa đầu tiên của "À Ơi Tiếng Nước Tôi". Phương kể lúc đồng nghiệp hay tin Phương bỏ chuyến du lịch với công ty vì không muốn mất buổi học tiếng Việt, ai cũng ngỡ ngàng. Có người còn chê Phương "tào lao". Phương nhớ lại hồi còn nhỏ, cô nàng cũng có niềm yêu thích văn chương, chữ nghĩa. Sau cột mốc bước vào cấp 3, niềm đam mê đó bị dập tắt bởi chương trình ngữ văn dường như nặng tính lý thuyết, khuôn mẫu, đã vậy thầy cô chấm điểm chín người mười ý.
Phương cần một con đường an toàn hơn để vào đại học, vì vậy chuyển hướng sang ôn khối A1 (toán, lý, tiếng Anh). Nhưng khi có thời gian lần giở những quyển sách văn học mà mình đã từng bỏ bê, đọc lại sao thấy hay quá! Rảnh rỗi Phương dự những cuộc hội thảo, tọa đàm về tiếng Việt. Khi niềm đam mê năm nào như được thổi bùng trở lại, Phương đăng ký ngay lớp học của Duy mà không một chút đắn đo.
Minh Thảo (26 tuổi, quê Bình Định) lại chia sẻ do một phần mải mê với các bài học, sách vở tiếng Anh mà không dành thời gian cho tiếng Việt, khi có dịp cần phải viết hay nói tiếng Việt, bạn diễn đạt hệt như tiếng Anh. Đôi lúc, bạn tự hỏi phải chăng mình đã trở thành một người nước ngoài viết tiếng Việt? Thảo ghi danh học lớp của Duy.
Từng ngày trôi qua, Thảo bất ngờ nhận ra tiếng Việt cũng được cấu tạo hết sức chặt chẽ, câu cú rõ ràng… Từng từ trong câu đều có công dụng riêng, không thể thiếu, cũng không thể lạm dụng. Thảo kể trước nay mình thường loạn xạ những từ "nhưng", "tuy nhiên", "vì", "do", "dù"…, sau khóa học mới biết cách đặt từ vào đúng ngữ cảnh.
Giờ Thảo thật sự cảm thấy có một sự thay đổi lớn từ bên trong từ lúc rành rẽ tiếng Việt hơn trước. Có khả năng diễn đạt được những ý tưởng, suy nghĩ, cảm xúc của mình một cách chính xác giúp cho cuộc sống của Thảo trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Trên mạng xã hội, Thảo siêng năng viết lách hơn, bắt sóng được nhiều tâm hồn đồng điệu, kết nối thêm nhiều mối quan hệ giá trị…
Nửa cuối tháng 3-2022, "À Ơi Tiếng Nước Tôi" của Duy đã đến khóa 4. Lần này khóa học theo hướng tạo cho người học không gian để sáng tạo nghệ thuật. Đó là bước nâng cao, không chỉ dừng lại ở chuyện thấu hiểu, trân trọng tiếng Việt mà còn dùng tiếng nước mình để làm thơ, viết văn…
Nói cách khác, người học biết cách thưởng thức nghệ thuật. Họ sẽ nhận thức được các giá trị nhân văn, bồi dưỡng tinh thần trong một thời buổi đầy biến động. "Mình cũng sẽ tăng cường các kết nối, mời thêm nhiều diễn giả tổ chức các buổi nói chuyện. "À Ơi Tiếng Nước Tôi" sẽ thành một nơi để các bạn có thể trải nghiệm tiếng Việt trên nhiều lĩnh vực và nhận ra vẻ đẹp của tiếng Việt trong dòng chảy cuộc sống ngày nay" - Duy tâm tình.
Ngày tôn vinh Tiếng Việt
Lê Trọng Nghĩa (27 tuổi), cựu sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), hiện là kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại Nhật. Nghĩa đang điều hành trang fanpage "Tiếng Việt Giàu Đẹp" với gần 100.000 lượt theo dõi. "Tiếng Việt Giàu Đẹp" - thành lập năm 2012 - định hướng gần giống với "Ngày Ngày Viết Chữ", thường đăng tải những điểm thú vị về từ vựng, ngữ pháp của tiếng Việt.
Năm 2021, Nghĩa khi đó đã hoàn thành chương trình du học chuyên ngành công nghệ thông tin và ở lại Nhật làm việc, có ý tưởng sẽ tổ chức một sự kiện hằng năm để vinh danh tiếng Việt. "Tiếng Việt hay và đẹp như thế nhưng đến nay vẫn chưa có một ngày nào tôn vinh hẳn hoi. Giữa cuộc sống hiện đại tấp nập, người ta dùng tiếng Việt hằng ngày nhưng đôi khi không cảm nhận được hết giá trị của tiếng Việt.
Một ngày cho mọi người con đất Việt lắng lòng với tiếng mẹ đẻ sẽ vô cùng đáng quý" - nghĩ là làm, năm 2021, fanpage "Tiếng Việt Giàu Đẹp" đặt vấn đề nên có một "Ngày tôn vinh tiếng Việt". Trang đưa ra một số lựa chọn để cộng đồng mạng bình chọn, trong đó có các ngày 3-1 (ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du), rằm tháng giêng (Ngày thơ Việt Nam), ngày 21-2 (Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ được UNESCO công nhận) và ngày 8-9 (ngày thành lập Nha Bình dân học vụ, cơ quan đảm nhận nhiệm vụ xóa nạn mù chữ sau khi Việt Nam độc lập năm 1945). Cuối cùng kết quả bình chọn trên trang "Tiếng Việt Giàu Đẹp" lấy ngày 21-2.
Để chào mừng "Ngày tôn vinh tiếng Việt" lần đầu (2021), nhóm của Nghĩa tổ chức 2 cuộc thi viết ca ngợi tiếng Việt và "Tiếng Việt qua tranh vẽ". Năm 2022, "Tiếng Việt Giàu Đẹp" tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày 21-2, bao gồm đăng tải loạt truyện dài kỳ về tiếng Việt, tổ chức cuộc thi viết "Tiếng Việt muôn màu", thi hát "Tiếng Việt trong những lời ca".
Nhóm cũng tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến mang tên "Tiếng Việt trong tôi" với sự tham gia của PGS.TS Phạm Văn Tình - tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - và TS Nguyễn Thế Dương - giám đốc Trường Yêu tiếng Việt tại Úc.
Nghĩa chia sẻ dù là dân công nghệ nhưng bạn có niềm yêu thích rất lớn với tiếng Việt. Ra nước ngoài học tập và làm việc, Nghĩa càng nhớ thương tiếng mẹ: "Sống đủ lâu ở xứ người, bạn sẽ hiểu được cảm giác thèm nghe một câu tiếng Việt như thế nào. Và bạn cũng sẽ cảm nhận được một niềm vui sướng tột cùng khi đang xa quê lại nghe đâu đó vang lên tiếng nói của quê hương".
Nếu tiếng Việt chưa vững, đừng vội học tiếng Anh
Tháng 2-2022, giáo sư vật lý Nguyễn Đông Hải, công tác tại Đại học Tennessee Wesleyan (Mỹ), là diễn giả cho một buổi chia sẻ trực tuyến do tổ chức phi lợi nhuận Teach For Vietnam tổ chức, được nhiều người trong lĩnh vực giáo dục hưởng ứng. Với chủ đề “Từ tiếng mẹ đẻ đến ngoại ngữ: Con đường học tập hiệu quả”, ông bày tỏ nỗi trăn trở của mình về xu hướng phụ huynh thích cho con học các thứ tiếng Anh, Mỹ, đầu tư tiền bạc, thời gian cho các khóa học đắt đỏ ngay từ những năm rất nhỏ.
Nhưng phần lớn họ lại có tâm lý “người Việt đương nhiên biết nói tiếng Việt”. Theo ông Hải, khi tiếng Việt còn chưa vững vàng, không nên vội vàng đầu tư cho tiếng Anh. Đó là giai đoạn đầu đời để các bạn nhỏ hình thành nên một gốc gác, một ngôn ngữ đầu tiên phải thật chắc chắn.
Giáo sư Hải chia sẻ bản thân dù giảng dạy, nghiên cứu trong đại học ở Mỹ - môi trường sử dụng tiếng Anh hằng ngày, ông rất trân trọng và dùng tiếng Việt rất kỹ lưỡng. Ông luôn chủ động tìm cách lý giải những thuật ngữ hay những cách diễn đạt trong khoa học bằng tiếng Việt.
Khi có bất cứ cơ hội nào có thể viết và nói tiếng Việt, ông đều tận dụng tối đa. Ông thường tổ chức những dự án dạy trực tuyến tiếng Anh chuyên ngành vật lý cho sinh viên, giáo viên ở Việt Nam. Trong mỗi buổi dạy, ông bắt buộc các học viên đều phải tư duy bằng cả hai ngôn ngữ.
“Muốn bay cao bay xa, hãy kết nối chặt chẽ với một điểm tựa nào đó của mình”, giáo sư Hải chia sẻ. Ông lý giải ở những nước đa văn hóa như Mỹ, họ hoàn toàn thoải mái khi nghe tiếng Anh được nói bằng nhiều chất giọng khác nhau. Khi nghe một tiếng Anh pha giọng của đất nước bạn, chẳng hạn giọng Việt Nam, thường họ sẽ không tỏ vẻ khó chịu, thay vào đó là nể phục.
Họ phục vì bạn đã cố gắng vượt ra khỏi vùng an toàn, đi làm ở nơi không nói tiếng mẹ đẻ của bạn. Họ sẽ càng nể bạn hơn nếu bạn có thể hòa nhập nhưng vẫn giữ được gốc gác, văn hóa của mình. “Vì vậy, nếu bạn vừa giỏi tiếng Anh, vừa giỏi tiếng Việt lại am hiểu về văn hóa Việt Nam sẽ dễ thành công hơn khi bước ra thế giới”, ông Hải nói.
Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc (32 tuổi) hiện công tác tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. Tại Đài thiên văn Hòa Lạc (Hà Nội), anh đảm nhận công việc giới thiệu kiến thức thiên văn cơ bản cho khách tham quan, trải nghiệm. Tại Hội nghị Hán Nôm trẻ 2021 do Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức, Phạm Vũ Lộc có tham luận về chữ húy thời Tây Sơn.
Anh Lộc nói một trong những động lực thúc đẩy mình là tình yêu tiếng Việt. Năm 2015, một người bạn đã rủ rê anh xây dựng fanpage “Cùng Học Tiếng Việt”. Nhiều bạn đã nhắn tin gửi các thắc mắc về cho trang, mỗi câu hỏi như một thử thách mà anh phải trả lời một cách có trách nhiệm với tinh thần cầu thị và cẩn trọng.
Từ khi dành nhiều quan tâm hơn cho tiếng Việt, anh Lộc cho rằng mình nhạy cảm hơn với từng tiếng nói xung quanh. Đó không còn là âm thanh phát ra từ một cá nhân cụ thể nữa, mà với anh, đã trở thành một “tín hiệu quy ước” gần trăm triệu người cùng chia sẻ.
Theo tuoitre