Alexsei Galiev, 31, Nikolai Sharov, 29 và Sofia Sharova, 24 tuổi, đang phải tá túc trong một ngôi đền ở Phuket khi trong tay không còn một đồng tiền. Chuyến bay họ đặt để về Nga ngày 25/3 đã bị hủy vì những hạn chế vận chuyển ở các quốc gia và Thái Lan phong tỏa.
Dù vậy, họ vẫn quyết định đi bộ ra sân bay để chờ một cơ hội. Nhưng trên đường đi, vì mệt mỏi, họ thấy một ngôi đền và quyết định vào đó ở. Ba du khách ngủ lại căn nhà đổ nát bên cạnh nhà hỏa táng ở trong khuôn viên ngôi đền Wat Mai Khao. Họ tự làm bếp trên nền xi măng để nấu những gói mì do người dân đem cho và ngủ ngay trên nền nhà, trong tấm mùng chống muỗi được người dân mang tới.
Bà Napasorn Kakai, giám đốc Văn phòng Phuket của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết, chính quyền địa phương đã liên lạc với Đại sứ quán Nga để trao đổi thông tin về hoàn cảnh của ba du khách trên.
Theo ông Winai Sae Lew, trưởng làng Mai Khao, cơ quan y tế địa phương đã tới kiểm tra thân nhiệt du khách nhưng không ai bị sốt. Họ cũng được cung cấp khẩu trang và chính quyền đang tìm cách đưa ba người đến chỗ ở mới thích hợp.
TAT ước tính có khoảng 200 – 300 khách nước ngoài đang mắc kẹt ở Phuket sau khi tỉnh này phong tỏa để ngăn chặn nCoV lây lan. Nhiều người bị bỏ lại và không có chỗ nào để đi sau khi các chuyến bay bị hủy toàn bộ. Bà đề xuất chính quyền địa phương cung cấp cho du khách bị mắc kẹt chỗ ở trong các ngôi trường đang bị đóng cửa vì dịch bệnh.
Ấn Độ cũng phong tỏa trong 21 ngày, hàng loạt chuyến bay buộc phải dừng khi đại dịch bùng phát khiến nhiều du khách mắc kẹt. Emma Snashford, du khách người Anh, cho biết cô và bạn của mình đã bị đuổi khỏi khách sạn trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực vào 24/3. May mắn, một nhà trọ ở New Delhi đã chào đón nhóm của Snashford.
"Chúng tôi đã gọi cho Đại sứ quán Anh và được biết chúng tôi sẽ được đưa về nước, nhưng không ai thực sự biết những gì đang xảy ra. Chúng tôi được bảo hãy ngồi yên và chờ đợi", Snashford nói.
Còn Matthew Chinery, du khách Australia, đã lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ dài, bao gồm điểm đến thiên đường Himalaya Kashmir, Ấn Độ. Nhưng kỳ nghỉ trong mơ trở thành ác mộng khi phong tỏa bắt đầu. Lúc ở Goa, Chinery bị tống ra khỏi khách sạn vì khi hút thuốc, anh ho giống triệu chứng của người nhiễm Covid-19. Các khách sạn và nhà nghỉ đều từ chối phục vụ trừ khi anh có giấy chứng nhận âm tính với nCoV.
Vì vậy, Chinery tự vào bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và được xét nghiệm, nhưng phải đợi 4 ngày mới có kết quả. Trong thời gian đó, anh cách ly cùng những trường hợp nghi nhiễm cao hơn, du khách Australia nói với AP ngày 2/4. Chinery đang thiếu tiền, không có Internet để liên lạc và thiếu cả sự kiên nhẫn.
"Hãy đưa chúng tôi ra khỏi nơi này. Chúng tôi là công dân Australia bị kẹt. Chúng tôi không tự nguyện ở lại và muốn về nhà", Chinery kêu cứu.
Một người Australia khác là Stewart Dufty, đến Ấn Độ vào cuối tháng 2 và đang tìm cách trở về nhà. Anh cũng cho biết mình gần cháy túi và không thể tới ngân hàng để rút tiền.
Giới chức Australia nói rằng, họ đang tính phương án để thuê chuyến bay đưa công dân mắc kẹt ở nước ngoài về, "nhưng không đảm bảo điều gì vì rất khó thực hiện".
Tại châu Âu, tình trạng du khách mắc kẹt cũng không khác Ấn Độ. Ba du khách Hong Kong kẹt lại ở Ba Lan kêu gọi sự giúp đỡ từ quê nhà, khi một trong số họ đã bị đuổi khỏi khách sạn và kêu cứu.
Eric Ting Sai-kit, 37 tuổi, đang ở Krakow. Anh cho biết chỉ còn đủ tiền trang trải một tuần, và hi vọng chính quyền Hong Kong hướng dẫn cách mua vé máy bay về nhà.
Anh du lịch châu Âu vào cuối tháng 1 và dự định trở về vào 20/2, nhưng thời điểm đó dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại Hong Kong nên anh ở lại. Khi anh tới Ba Lan, đại dịch đã bao phủ toàn cầu và đất nước này phong tỏa vào 15/3, các chuyến bay đều bị hủy. Từ 25/3, anh bị khách sạn đuổi khỏi phòng, khi chính phủ ban bố phong tỏa và yêu cầu các cơ sở lưu trú không đón khách.
Ting cho biết, khách sạn không hoàn trả cho anh số tiền còn lại của những ngày chưa ở, đến 17/4. Họ tự động mang hết đồ đạc trong phòng và đem chúng xuống lễ tân mà không cần đợi anh đồng ý. "Tôi thật sự sốc", Ting nói trên SCMP.
Tuyệt vọng, anh tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Một người Macau sống ở Wieliczka gần đó đưa anh về nhà trú ngụ.
"Tôi chờ đợi ngày được mua vé máy bay về nhà cùng với những du khách bị mắc kẹt ở nơi này", Ting nói. Ngoài Ting còn có hai phụ nữ Hong Kong bị mắc kẹt ở Ba Lan và đang được hỗ trợ.
Trong khi đó, 65 người Hong Kong khác mắc kẹt ở Peru sẽ được bay về nhà vào thứ sáu trên chuyến bay charter của British Airways từ thủ đô Lima. Chi phí cho mỗi người lên tới 4.600 USD, khoảng 100 triệu đồng.
Trong khi nhiều du khách bị đuổi khỏi khách sạn, tại Ấn Độ, các du khách khác may mắn khi gặp Shubham Dharmsktu, nhà làm phim du lịch 29 tuổi ở Uttarakhand. Dharmsktu đã đưa hơn 20 du khách nước ngoài bị mắc kẹt về nhà mình, sắp xếp cho họ chỗ ở và ăn uống. Anh còn hỗ trợ tài chính cho khách và kêu gọi mọi người đóng góp để họ có chi phí về nhà. Anh cũng công bố số điện thoại của mình để du khách mắc kẹt ở Ấn Độ liên lạc nhờ giúp đỡ.
"Tôi vừa thấy số điện thoại của anh trên Facebook. Tôi là người Bỉ, hiện kẹt ở Rishikesh. Đại sứ quán bảo tôi rằng có cơ hội để bay về nhà nhưng phải đến New Delhi trước khi có chuyến bay. Nhưng tôi không biết khi nào. Tôi không còn khả năng trả tiền thuê khách sạn vì thế nếu đến đó, tôi có thể ở chỗ anh được không?", một du khách nhắn tin.
Anh trả lời mình sẵn lòng và cho biết thêm, có thể sắp xếp chỗ ở cho những người đi cùng du khách này hoặc bất cứ ai bị mắc kẹt như vậy.
Các quốc gia trên thế giới đang đẩy nhanh công tác di tản công dân mắc kẹt ở nước ngoài. Trong khi đó, các quốc gia có du khách mắc kẹt cũng tìm cách hỗ trợ. Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Thái Lan đang đợi phê chuẩn bản đề xuất giúp đỡ những người nước ngoài bị kẹt lại nước này, sau khi các đường bay đóng cửa và đất nước phong tỏa. Du khách có thể sẽ được tự động gia hạn thị thực thêm 30 ngày mà không cần đến văn phòng nhập cảnh.
Du khách đến từ khu vực ASEAN được phép ở lại cho đến khi biên giới mở cửa trở lại. Theo Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn, có khoảng 500.000 khách du lịch kẹt tại nước này. Phần lớn khách đến từ Đức, Italy, Nga, những quốc gia đang ảnh hưởng nặng bởi đại dịch. Họ đến Thái Lan để nghỉ đông, trước khi Covid-19 tấn công quê nhà, và ở lại Thái Lan đến nay.
Campuchia cũng có động thái tương tự khi quyết định gia hạn visa cho du khách đến khi họ có thể trở về nước. Còn tại EU, nếu du khách đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài khu vực này lưu lại quá thời gian cho phép trong thị thực Schengen, họ cũng không chịu bất kỳ hình phạt nào. Du khách có thể nộp đơn xin gia hạn ở nơi đang lưu trú.
Theo vnexpress