Phụ nữ du lịch một mình cần trang bị kỹ năng sinh tồn ở mọi khu vực để phòng tránh rủi ro (Ảnh: Travel Channel).
Thời gian qua, các báo nước ngoài đưa tin về những vụ du khách nữ bị tấn công thậm chí thiệt mạng khi đi du lịch một mình. Mới đây, một phụ nữ người Đức tên Miriam Beelte (26 tuổi) được tìm thấy tại Koh Si Chang, một hòn đảo ở vịnh Thái Lan. Cô được cho là bị hãm hiếp và sát hại.
NY Times đăng bài bình luận về câu chuyện nữ du khách Hanna Gavios phải nhập viện trong nhiều tháng sau khi bị tấn công tình dục man rợ ở Thái Lan.
News Straits Times đưa tin hai nữ du khách Trung Quốc đi du lịch gặp tình trạng quấy rối tình dục bởi chính hướng dẫn viên khi đi lặn ngoài khơi biển Semporna (Malaysia) hôm 7/4.
Hannah Gavios.
Khảo sát thực tế cho thấy cộng đồng du lịch độc hành trên một mạng xã hội có gần 250.000 thành viên, trong đó 63% là nữ. Thực trạng này khiến thế giới lo ngại trước vấn đề: “Phụ nữ du lịch độc hành có an toàn tại châu Á?”.
Đổ lỗi cho trang phục gợi cảm hay con người nên tự trọng hơn?
Mùa hè, mùa cao điểm của hoạt động du lịch tại châu Á, thu hút hàng triệu lượt khách nước ngoài. Phụ nữ nước ngoài có nhiều phong cách ăn mặc khác nhau. Những lời cảnh báo phụ nữ nên tránh ăn mặc gợi cảm vào thời tiết nóng khi đến các nước châu Á đã được đưa ra.
Tại Thái Lan, các nhà chức trách từng khuyên phụ nữ không nên mặc quần áo khiêu gợi và đăng những hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội để tránh thu hút tội phạm tình dục. Tuy nhiên, cộng đồng mạng thể hiện sự phẫn nộ và cho rằng những nạn nhân đang bị đổ lỗi bởi chính phong cách thời trang của họ.
Hannah Gavios không hy vọng trải nghiệm kinh hoàng của mình cản trở bước đi du lịch của nhiều phụ nữ.
Họ lên tiếng bằng việc chia sẻ #DontTellMeHowToDress (tạm dịch “Đừng bảo chúng tôi nên mặc thế nào”) và “TellMenToRespect” (tạm dịch “Đàn ông nên tôn trọng”).
Các nhà phân tích của NY Times cho rằng an toàn là điều quan trọng hàng đầu với phụ nữ khi du lịch độc hành tại các quốc gia khác. Cách ăn mặc và cư xử của khách du lịch không phải là gốc rễ của vấn đề. Phụ nữ không nên phiêu lưu một mình rồi cho rằng mọi nơi đều không an toàn. Phụ nữ có nguy cơ gặp nhiều rủi ro hơn đàn ông tại bất cứ đâu, đặc biệt trong vấn nạn tấn công tình dục.
Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, giám đốc điều hành UN Women, cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nhận định: “Phụ nữ phải đối mặt với những rủi ro ở bất cứ đâu, nhà hoặc nơi công cộng. Vấn nạn tấn công khách du lịch nữ là một phần nhỏ trong các vấn đề bạo lực mà phụ nữ đối mặt trên khắp thế giới. Các kịch bản bạo lực khác cũng có khả năng xảy ra không chỉ tại châu Á mà cả các nước phương Tây”.
Những con số chỉ là "phần nổi của tảng băng"?
Một hãng hàng không của nước Anh đã thực hiện cuộc khảo sát trên toàn cầu với 9.000 phụ nữ. Kết quả cho thấy hơn 50% số này đã đi chơi một mình, và 75% trả lời đang lên kế hoạch du lịch độc hành trong vài năm tới.
Bà Jessica Nabongo, người phụ nữ da màu đầu tiên đặt chân đến tất cả quốc gia trên thế giới có tầm ảnh hưởng trong ngành du lịch (Ảnh: NY Times).
Thống kê xu hướng tìm kiến của Google cũng thể hiện phụ nữ đang quan tâm nhiều hơn đến những hành trình khám phá một mình. Tuy nhiên, không nhiều quốc gia quan tâm đến sự tăng trưởng của khách du lịch nữ dù lượng khách tăng đáng kể hàng năm này vẫn đối mặt với nhiều rủi ro tại các nước.
Ngay khi nhiều phụ nữ mong muốn được khám phá thế giới, không có bức tranh toàn cảnh cụ thể nào cảnh báo được rủi ro bạo lực có nguy cơ xảy ra với họ. Bằng việc tìm kiếm những hashtag trên mạng xã hội, con người dễ thấy những bức ảnh du khách nữ tạo dáng ở bãi biển, trekking lên các dãy núi cao hay khám phá các cung đường nguy hiểm.
Trở lại câu chuyện của Hannah Gavios (26 tuổi, người Mỹ), cô phát hiện ra nỗi kinh hoàng sau trải nghiệm xa nhà. Hannah đam mê du lịch khám phá nên đã tới Krabi, Thái Lan. Cô gặp một người đàn ông địa phương chỉ đường, nhưng kẻ này sau đó tấn công, quấy rối cô.
Khi chạy trốn thoát thân, Hannah ngã xuống vách đá và bị gãy xương sống. Người đàn ông không giúp đỡ mà tấn công tình dục khi cô đang nằm bất lực trong 11 giờ đồng hồ. Sau đó, Hannah nhập viện nhiều tháng ở Thái Lan trước khi trở về Mỹ. Cô phải học đi lại bằng nạng và niềng cố định chân. Kẻ tấn công cô bị bắt và chịu án 5 năm tù.
Sức mạnh của việc chuẩn bị, bảo vệ bản thân
Một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất trong ngành du lịch, bà Jessica Nabongo, người phụ nữ đầu tiên đến tất cả các quốc gia trên thế giới, cho rằng nữ giới phải chủ động bảo vệ bản thân thay vì nỗ lực tác động đến suy nghĩ của tội phạm tình dục.
Cassie De Pecol.
Về trang phục, bà Nabongo chia sẻ rằng bà luôn lựa chọn quần áo thoải mái nhất và phù hợp, thuận tiện với sự kiện và điểm đến. Trang phục dù gợi cảm hay không cũng không phải cơ sở xác định nguyên nhân xảy ra bạo lực tình dục.
Mới đây, Cassie De Pecol, 29 tuổi, người phụ nữ giữ kỷ lục Guinness về thời gian đi du lịch khắp thế giới nhanh nhất, đã chia sẻ những kinh nghiệm đi du lịch một mình. Người phụ nữ Mỹ dạn dày kinh nghiệm khẳng định chìa khoá chinh phục thành công 196 quốc gia là sự chuẩn bị kỹ càng để hạn chế mọi rủi ro.
Cassie De Pecol lập kỷ lục chinh phục 196 quốc gia trên thế giới trong thời gian ngắn nhất (2 năm).
Suốt hành trình độc hành khám phá thế giới, Cassie luôn mang máy theo dõi GPS để định vị bản thân với người cô tin tưởng. Điều này giúp Cassie khiến người thân yên tâm khi biết cô đang ở đất nước nào trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Hành trang kinh nghiệm của Cassie là cô luôn cố gắng lựa chọn khách sạn có an ninh nghiêm ngặt, đảm bảo. Nếu lưu trú tại các homestay, chủ nhà phải có những đánh giá tin cậy thì du khách mới cân nhắc lựa chọn.
“Mỗi người sẽ có kỹ năng sinh tồn riêng khi quyết định du lịch một mình. Tấn công tình dục là rủi ro đáng tiếc nhất đối với phái nữ khi đi du lịch. Là phụ nữ, tôi luôn nhận thức được phải quan sát xung quanh, đặc biệt là sau lưng mình khi ở nơi công cộng”, Cassie nói.
Theo
Thời Đại