|
|
Chợ Kantamanto nhập về 100 tấn quần áo mỗi ngày. Ảnh:Reuters. |
Tại thủ đô Accra của Ghana, chợ Kantamanto được biết tới là một trong những khu chợ quần áo cũ lớn nhất thế giới. Khoảng 100 tấn quần, áo cũ được chuyển tới khu chợ này mỗi ngày, chủ yếu đến từ châu Âu và Bắc Mỹ.
Các công ty kinh doanh quần áo cũ từ Kantamanto tuần qua đã có mặt tại Brussels, nơi đặt trụ sở Liên minh châu Âu, đề vận động EU thông qua luật buộc ngành sản xuất thời trang hỗ trợ ứng phó "thảm họa môi trường" gây ra bởi lượng quần áo cũ khổng lồ xuất phát từ các nước phát triển, theo Guardian.
Bãi rác Kantamanto
Chợ Kantamanto hình thành từ thập niên 1960, thời điểm người Ghana bắt đầu tiếp nhận văn hóa trang phục phương Tây. Khu chợ hiện rộng 7 ha, xử lý khoảng 15 triệu sản phẩm may mặc mỗi tuần, tạo ra 30.000 việc làm cho người dân.
Tại Kantamanto, quần áo thường đươc đóng thành những khối nặng hơn 50 kg, phần lớn chúng là đồ từ thiện, đồ tái chế hoặc hàng "ế" đã tích nhiều năm trong các nhà kho. Khoảng 6 triệu sản phẩm có chất lượng tương đốt tốt hơn sẽ được bán ra thị trường mỗi tuần.
Tuy vậy, khoảng 40% sản phẩm may mặc chuyển tới Kantamanto được phân loại là "rác". Xu thế "thời trang nhanh" ở các nước phát triển đang làm tăng tỷ lệ quần áo cũ chất lượng thấp ở Kantamanto. Điều này đồng nghĩa có nhiều rác hơn, khiến doanh thu của các doanh nghiệp ở Kantamanto ngày càng đi xuống, nhiều doanh nghiệp rơi vào nợ nần.
Tại Brussels, chủ các doanh nghiệp kinh doanh quần áo cũ tại Kantamanto đã gặp các tổ chức bảo vệ môi trường, đại diện Cơ quan Môi trường châu Âu, các đảng chính trị cánh tả, đề xuất siết chặt áp dụng chính sách "mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất" (EPR).
Mục đích các cuộc tiếp xúc nhằm bảo đảm Ghana sẽ nhận được hỗ trợ tài chính trong quá trình xử lý quần áo cũ mà nước ngoài chuyển tới quốc gia châu Phi này.
Theo chính sách EPR hiện hành của EU, các nhà sản xuất phải chịu một phần trách nhiệm tài chính để xử lý rác thải tạo ra từ sản phẩm của họ. Tuy nhiên, Pháp hiện là quốc gia duy nhất áp dụng chính sách EPR với doanh nghiệp trong ngành may mặc.
Những người chỉ trích cho rằng ngay cả khi có áp dụng, chính sách EPR cũng không giúp ích nhiều cho những quốc gia ở cuối vòng đời của quần áo, bởi các nhà nhà sản xuất chỉ trả khoảng 0,07 USD cho mỗi sản phẩm của họ. Số tiền này hầu như không đến được tay những quốc gia như Ghana, dù đây là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ quần áo cũ.
Dự thảo chính sách EPR mới dự kiến được trình lên Nghị viện châu Âu trong tháng 6. Các doanh nghiệp ở chợ Kantamanto muốn phí xử lý rác thải mà các nhà sản xuất phải chi được nâng lên ít nhất 0,6 USD/sản phẩm, đồng thời bảo đảm một phần khoản phí này được chia cho những nước nơi quần áo cũ chuyển đến.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Ghana cũng đòi hỏi 10% phí xử lý rác thải được trích để xử lý những thiệt hại đã xảy ra với môi trường.
"Kantamanto là nơi các vấn đề của châu Âu phơi bày. Nhưng đồng thời, Kantamanto cũng có giải pháp. Điều còn thiếu là sự công nhận và hỗ trợ", Samuel Oteng, đại diện tổ chức bảo vệ môi trường Or Foundation, nói.
Hậu quả nặng nề từ rác thời trang
Các thương nhân Ghana muốn luật mới của EU thừa nhận vai trò của công nhân Kantamanto trong tái chế quần áo cũ mà các nước phát triển thải ra.
"Tái chế 6 triệu trang phục mỗi tuần là một điều đáng kinh ngạc. Điều khiến chợ Kantamanto trở thành bãi rác không phải bởi các công nhân không làm việc chăm chỉ, mà bởi có quá nhiều quần áo cũ", báo cáo của Or Foundation năm 2022 nhận định.
Solomon Noi, Giám đốc Cơ quan quản lý rác thải Accra, cho biết thành phố đã mất khả năng xử lý lượng rác thải khổng lồ tại Kantamanto. Từ 2010-2020, 10 bãi rác hợp pháp của thành phố đã quá tải và phải đóng cửa.
|
|
Rác từ quần áo cũ ở Kantamanto. Ảnh:Guardian. |
Nhà chức trách hiện phải vận chuyển rác từ khu chợ tới bãi rác Adepa, cách Kantamanto khoảng 50 km. Tuy vậy, chỉ 30% rác được xử lý, 70% khác nằm lại các kênh, rạch, khiến chất nhuộm vải chảy vào các con sông và đổ ra biển. Quần áo cũ vương vãi khắp các bãi biển gần Kantamanto.
"Ngày càng có nhiều rác trong đại dương khiến loài rùa không thể bởi vào bờ biển, san hô chết dần, ngư dân không còn cá để đánh bắt. Một thảm họa môi trường đang xảy ra tại đây", ông Noi cho biết.
Ông Noi cho rằng các nước phát triển phải chịu một phần trách nhiệm hỗ trợ Ghana xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý rác từ đồ may mặc mà các nước này thải ra.
"Chúng tôi phải tự dùng tiền thuế để xử lý rác, nhưng phần lớn thuế được dùng cho giáo dục, y tế, không còn nhiều để đối phó với rác may mặc. Vì sao mà chúng tôi phải lấy tiền của chính mình để xử lý rác của quý vị? Chúng tôi đã chịu đựng đủ rồi", ông Noi nói.
Or Foundation hiện kêu gọi các công ty thời trang công khai con số sản phẩm họ sản xuất mỗi năm, đồng thời cam kết giảm công suất khoảng 40%.
"Không biện pháp nào mang lại hiệu quả nếu chúng ta không sản xuất chậm lại. Vấn đề không phải là quần áo có thân thiện với môi trường không, vấn đề hiện nay là có quá nhiều quần áo", Liz Ricketts, đồng sáng lập Or Foundation, cho biết.
Theo lifestyle.zingnews