Mùa nước đổ là một trong những khoảng thời gian lý tưởng để du khách khám phá khu vực miền núi phía Bắc.

Trần Minh Dũng (TP HCM) cho biết anh đã rong ruổi từ thành phố Lào Cai và được ngắm nhiều thửa ruộng bậc thang thuộc huyện Bát Xát như Mường Hum - Sàng Ma Sáo - Dền Sáng - Y Tý và thung lũng Thiên Sinh (ảnh).



Những cơn mưa đầu mùa mang lại nguồn nước cho đồng ruộng cũng là lúc nông dân vào vụ cấy mới. Mùa nước đổ ở huyện Bát Xát kéo dài từ tháng 5 đến 6 hàng năm.

Các thửa ruộng có thể cấy sớm hoặc muộn tùy theo thời tiết và khu vực, tạo nên các gam màu sắc khác nhau cho cả cánh đồng. Trên ảnh là mùa nước đổ ở xã Sàng Ma Sáo.

Ruộng bậc thang Sàng Ma Sáo nép mình trên cung đường uốn quanh những triền đồi tại độ cao khoảng 2.000 m. Du khách đến đây có thể thấy từng nhóm nông dân xuống đồng be bờ, dẫn trâu ải đất, còn nhóm khác thì cấy lúa tạo nên bầu không khí sôi động.

Mảng màu xanh dần hình thành trên ô ruộng ở thung lũng Thiên Sinh sau khi được nông dân cấy mạ, hứa hẹn một vụ mùa mới ấm no.

“Mùa này, nước ruộng đổ từ bậc ruộng này sang bậc ruộng khác, cuốn theo màu của phù sa hòa lẫn với màu của bầu trời phản chiếu, làm tôi cảm giác như đang ngắm một bức tranh vẽ”, nhiếp ảnh gia Minh Dũng chia sẻ.

Du khách đặt chân đến huyện Bát Xát còn được trải nghiệm cuộc sống văn hóa đậm chất vùng cao của các dân tộc như Hà Nhì, Mông, Dao hay Giáy. Mỗi dân tộc có nét sinh hoạt riêng nhưng điểm chung khi ra đồng là sử dụng trâu cày bừa để ải đất, chuẩn bị cho vụ cấy. Họ khó đưa máy cày xuống ruộng do đặc thù những thửa ruộng bậc thang hẹp về bề ngang.


Trẻ em thường theo cha mẹ ra đồng phụ giúp hoặc chơi đùa quanh ruộng. Khi gặp “người lạ”, chúng bẽn lẽn đứng nhìn nhưng sau đó nhanh chóng làm quen, và không ngại tạo dáng trước ống kính.

                                                                                                                                                                 Theo vnexpress