Đôi khi, các giám đốc điều hành ở Thung lũng Silicon dường như tin rằng họ sống trong một thiên đường không còn phân biệt chủng tộc, theo Bloomberg.

Trong khi các công ty công nghệ lớn thường tuyển dụng ít nhân viên da đen hoặc gốc Latin, Thung lũng Silicon lại chào đón nhiều người Mỹ gốc Á.

Các tập đoàn Alphabet, DoorDash hay Zoom đều có CEO là người Mỹ gốc Á. Chẳng hạn, Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Alphabet Inc., là người gốc miền nam Ấn Độ hiện lãnh đạo một tập đoàn có hơn 40% lực lượng lao động là người châu Á.

Tuy nhiên, cũng ngay tại đây, giữa những người lao động tưởng chừng đã đạt được thành công đáng kể trong ngành công nghệ, xuất hiện nhiều câu chuyện gây nản lòng. Nhiều người Mỹ gốc Á trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là phụ nữ, phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tinh vi.

                                Thung lũng Silicon (Mỹ) là nơi tập trung của nhiều tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. Ảnh: Jonathan Clark.


Hành vi này được thể hiện dưới nhiều dạng như những bình luận mang tính khiêu dâm, đặt giả định dựa trên khuôn mẫu, hoặc đánh giá hiệu suất thiên về danh tính của đối tượng nhiều hơn, thay vì hiệu suất thật sự. Ngay cả những người đã trở thành giám đốc điều hành cũng khó thoát được sự phân biệt đối xử.

Điều khiến họ cảm thấy khó chịu hơn là sự phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á gần như không được thừa nhận ở đây.

Eric Bahn, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Hustle Fund, cho biết thông điệp từ các công ty công nghệ thường là “chúng ta đã qua thời phân biệt chủng tộc”. Thế nhưng, Bahn, người được sinh ra ở bang Michigan (Mỹ) và có cha mẹ là người Hàn Quốc, nói rằng viễn cảnh đó vẫn còn dở dang.

“Ban đầu, trông nó thật tuyệt vời, cho đến một ngưỡng bạn không thể cố gắng chịu thêm được nữa. Nó chẳng khác hành vi treo đầu dê, bán thịt chó là mấy”, anh nói với Bloomberg.

Chịu sự quấy rối vì sắc tộc, giới tính


Philippa Chen, một người Đông Nam Á, tới Mỹ để theo học một ĐH thuộc nhóm giáo dục khai phóng ở bang Massachusetts. Cô chưa bao giờ đặc biệt quan tâm tới máy tính, song vẫn tham gia các lớp khoa học máy tính cùng các bạn. Dần dần, cô trở nên yêu thích nó và hay tham gia các cuộc thi phát triển phần mềm.

Các công ty công nghệ thường cử người đến các sự kiện này để cố vấn cho sinh viên và Chen bị ấn tượng mạnh. Cô được biết rằng ở Thung lũng Silicon, những nhân viên mới vào nghề đã kiếm được mức lương 6 con số và được mặc áo phông đi làm.

Ban đầu, được làm việc trong ngành công nghệ tưởng như một giấc mơ đối với Chen. Tuy nhiên, trong kỳ thực tập đầu tiên ở Apple, ngay lập tức cô nghe thấy những lời bình luận phân biệt chủng tộc khi tham dự các cuộc gặp gỡ trong ngành.

                            Sự phân biệt chủng tộc, giới tính vẫn tồn tại tinh vi trong môi trường làm việc ở các công ty công nghệ. Ảnh: Wired.


“Bạn thật may mắn khi là người châu Á. Những người đàn ông da trắng ở đây sẽ thích hẹn hò với bạn”, một người đàn ông nói với Chen.

Chen cho biết cô nghe thấy lời nhận xét trực tiếp này thường xuyên và từ nhiều người khác nhau, đến nỗi cô không thể nhớ ra ai đã nói câu đó đầu tiên. Có thể là người da trắng, nhưng đôi khi họ cũng là người châu Á, theo Chen. Điều này khiến cho sự việc càng trở nên thất vọng hơn.

Tại công việc tiếp theo tại một công ty khởi nghiệp, một đồng nghiệp mỉa mai Chen rằng cô ấy có cơ hội thành công chỉ vì “một người trong ban lãnh đạo tôn sùng dân châu Á”.

Lần khác, cô bị đồng nghiệp phàn nàn vì nói tiếng Anh nghe khó hiểu, mặc dù Chen không có âm địa phương, thậm chí thường bị nhầm là người gốc Canada. Sau sự việc đó, Chen không dám phát biểu trong các cuộc họp suốt nhiều tuần.

Chen, hiện là nhân viên của Facebook và kiếm 125.000 USD/năm, hy vọng tương lai của mình sẽ còn xán lạn hơn nữa. Tuy nhiên, cô cảm thấy hoài nghi về các cơ hội của mình.

Hai nghiên cứu gần đây cho thấy ở các công ty công nghệ, người Mỹ gốc Á ít có khả năng vươn lên vị trí lãnh đạo nhất trong tất cả nhóm chủng tộc.

Khó có cơ hội thăng tiến


Các công ty công nghệ lớn có một phương thức phát triển chuyên nghiệp cho nhân sự. Chẳng hạn, một số nơi ban hành hệ thống đánh số từ 1-12 hoặc cao hơn, tương ứng với mức lương nhận được và trách nhiệm gánh vác. Số càng cao, mức lương càng lớn.

Cứ 2 lần mỗi năm, các nhân viên sẽ trải qua quá trình đánh giá cạnh tranh để được thăng cấp. Vài người sẽ được tăng hạng, số còn lại sẽ giữ nguyên vị trí.

                                                             Bo Ren mất cơ hội thăng tiến vì là phụ nữ châu Á. Ảnh: Jingyu Lin.


Quá trình này trông có vẻ khách quan, nhưng bản thân các đánh giá không tránh khỏi sự chủ quan, theo Bo Ren, người từng ở vị trí quản lý sản phẩm tại Facebook, Instagram và Tumblr.

Trong một cuộc đánh giá định kỳ của Facebook, Ren bị từ chối với lý do “không nhận được sự tôn trọng từ các kỹ sư đồng nghiệp”.

“Chúng tôi không nghĩ bạn phù hợp yêu cầu công việc của một quản lý sản phẩm”, một lãnh đạo nói với cô.

Ren không thể hiểu được câu nói của lãnh đạo. Lúc đó, cô vốn dĩ đã là một quản lý sản phẩm. Chỉ một điều duy nhất khiến cô khác biệt với hầu hết đồng nghiệp của mình: Ren là một phụ nữ châu Á.

Sau đó, cô chọn rời khỏi công ty công nghệ đình đám này. Trong quá trình làm thủ tục nghỉ việc, cô hỏi một chàng trai da trắng, người có khả năng sẽ kế nhiệm vị trí của cô, rằng liệu anh ta có cần giúp tìm hiểu thêm về công việc trước buổi phỏng vấn không.

“Tôi không cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng tới vậy. Người quản lý sẽ hỗ trợ tôi mà”, anh nói với Ren.

Ren cảm thấy sụp đổ. Cô từng dành hơn 100 tiếng đồng hồ cho các cuộc phỏng vấn tương tự anh ta lúc này chỉ để chứng minh minh mình xứng đáng với công việc. Theo Ren, là một người da trắng giống như một đặc quyền.

“Tôi chợt nhận ra mình cũng gặp phải trần tre, một rào cản mà vô số người Mỹ gốc Á đều gặp phải trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp. Nó khiến tôi buộc phải làm việc chăm chỉ hơn cả trăm lần nữa”, cô nói.

Đoàn kết để thay đổi


Margaret Chin, Giáo sư xã hội học tại ĐH Hunter ở New York, người nghiên cứu về vấn đề vì sao người Mỹ gốc Á khó đạt đỉnh nấc thang sự nghiệp, cho biết: “Ngay cả khi họ được sinh ra ở Mỹ hoặc gia đình đã sinh sống tại đây thế hệ, họ vẫn bị coi là người ngoài cuộc”.

Trong những năm gần đây, các nhà hoạt động xã hội và hoạch định chính sách đã cố gắng giải quyết sự bất bình đẳng mà giáo sư Chin và những người khác xác định. Song, ngay cả việc ngừng nói về vấn đề này đã là một thách thức.

                                                           Justin Zhu đứng ra thành lập liên minh bảo vệ người châu Á. Ảnh: Simrah Farrukh.


Trong khi đó, nhiều cá nhân tấn công người Mỹ gốc Á trên đường phố. Tháng 3, Justin Zhu, người đồng sáng lập tập đoàn tiếp thị Iterable được định giá khoảng 2 tỷ USD, đã hỗ trợ thành lập tổ chức Ủng hộ người Mỹ gốc Á (SWAA), một liên minh các giám đốc điều hành người Mỹ gốc Á.

Một số lãnh đạo nổi tiếng như Jerry Yang, người đồng sáng lập Yahoo và Eric Yuan, nhà đồng sáng lập ứng dụng Zoom, đã ký vào biên bản.

“Chúng tôi, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp người Mỹ gốc Á ở Mỹ, cảm thấy mệt mỏi, tức giận và sợ hãi - và đây không phải lần đầu tiên. Chúng tôi cảm thấy chán nản khi liên tục bị đối xử tệ hơn người Mỹ, trở thành đối tượng bị quấy rối. Và giờ đây, mỗi ngày, chúng tôi phải đọc tin tức về thành viên khác trong cộng đồng của mình bị tấn công bạo lực - đơn giản chỉ vì họ là người châu Á”, trích nội dung biên bản.

Bên cạnh đó, trong những tháng gần đây, Pao - nhà sáng lập của Dự án Include, một tổ chức thúc đẩy sự hòa nhập trong ngành công nghệ - đã nhìn thấy sự phát triển đầy hứa hẹn. Cụ thể, các nhóm thiểu số khác nhau đang lên tiếng ủng hộ người Mỹ gốc Á một cách mạnh mẽ hơn.

"Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống đang ngăn cản cơ hội cạnh tranh công bằng của mọi người. Ngày càng nhiều người nhận ra rằng nếu từng nhóm thiểu số tranh giành lợi ích riêng, không ai có thể chiến thắng", cô nói.

Theo Zing