Huyền gặp con ở Pháp lần thứ tư
Người đàn ông đã gửi cho Huyền một tấm hình hai cha con trên một vùng đất đầy tuyết trắng. Khi đó em bé đã được 1 năm tuổi. Huyền đoán đó là một vùng nào đó của nước Pháp!
Và người mẹ chuẩn bị cho mình một hành trình dài để tìm đứa con bé bỏng!
Tìm đường đi Pháp
Từ khi đứa trẻ bị đưa đi, đã nhiều lần Huyền đến cậy nhờ lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM nên những người làm việc ở đây nhiều người biết câu chuyện của Huyền.
Họ cũng thông cảm và chia sẻ với Huyền vì những gì cô đang trải qua. Vậy nên khi Huyền có ý định sang Pháp tìm con thì mọi thủ tục cũng được diễn ra rất nhanh gọn.
Và việc Huyền nghĩ đến đầu tiên là học tiếng Pháp. Vậy là ngày đi làm dành dụm tiền, tối Huyền đi học tiếng Pháp với vốn từ đủ để giao tiếp, chuẩn bị cho một chuyến đi mà không biết cơ hội thắng sẽ được bao nhiêu.
Đầu năm 2016, cũng phải hai năm sau khi đứa con bị tước khỏi tay mình, Huyền mới chuẩn bị được một món tiền. Đây là thời điểm cô đã sử dụng mọi biện pháp về pháp lý lẫn ngoại giao trong việc yêu cầu người bạn trai đưa trả con về cho mình mà không có kết quả.
Nhưng sang Pháp thế nào, khởi kiện ra sao lại là một vấn đề không đơn giản.
Dù trước đó Huyền đã được bạn trai đưa sang Pháp một lần, nhưng bây giờ sang Pháp một mình, lại không có người thân thích, chẳng ai quen, mà tìm con ở đâu, chẳng khác nào mò kim đáy biển...
“Một điều may mắn là trong hộ chiếu photo của người bạn trai để lại tại một cơ quan tư pháp khi đi làm khai sinh cho Sharah có ghi địa chỉ nơi ông ở là Toulouse” - Huyền kể.
Huyền lên mạng, vào những group trao đổi thông tin của các du học sinh Việt Nam tại Pháp. Cô nói rằng cần tìm một chỗ ở ghép trong thời gian hai tuần.
“Toàn bộ số tiền tôi kiếm được trong thời gian đi làm dự kiến sẽ dành cho chuyến sang Pháp này” - Huyền nói.
Và thật may mắn cho Huyền, một cô gái người Việt đang là nghiên cứu sinh tại Toulouse (Pháp) sau khi đọc những lời nhờ cậy của Huyền trên group đã đồng ý cho Huyền đến ở cùng.
“Bình thường thì tôi không bao giờ cho ai ở chung, bởi chẳng biết người ta thế nào. Nhưng khi vào Facebook của Huyền, tôi thấy Huyền có con nhỏ. Lúc ấy tôi cũng đang chuẩn bị đón con của mình sang và bỗng nhiên thấy đồng cảm.
Dù khi đó Huyền chưa kể sang Pháp để làm gì, nhưng tôi vẫn nhận lời cho Huyền ở” - chị Thanh Hương, đang học chương trình tiến sĩ ngành sinh học ở Pháp, cho biết.
Lúc đầu Huyền nói với Hương sẽ ở với cô hai tuần vì có việc riêng, nhưng việc khởi kiện ra tòa không nhanh chóng như Huyền tưởng, bởi Huyền không phải là người bản xứ, lại không nắm rõ được luật của Pháp.
Chị Thanh Hương nhớ lại: “Lúc đầu cô ấy không kể gì về việc sang Pháp đòi con. Nhưng ở với nhau vài hôm rồi, tối ấy Huyền mới kể câu chuyện éo le của mình. Huyền kể thì không khóc, trong khi tôi nằm khóc ướt hết cả gối. Bởi tôi không tưởng tượng được một người mẹ bị tước mất đứa con của mình thì sẽ sống thế nào".
Rồi cũng chính những du học sinh Việt Nam tại Pháp giới thiệu cho Huyền một phiên dịch người Việt, từ người phiên dịch này Huyền thuê được một luật sư và kể rõ yêu cầu của mình là khởi kiện để giành quyền nuôi con gái ruột là Sharah Thiên Kim.
Hạnh phúc đến phát khóc khi gặp con
Khi đệ đơn ra tòa án Pháp và luật sư xác định được nơi ở của Sharah và cha của bé, Huyền đã yêu cầu được gặp con. Xác định đúng được các nội dung khởi kiện và những người liên quan, tòa án Pháp đã ra quyết định buộc cha của bé Sharah phải đáp ứng yêu cầu được gặp con của Huyền.
Và như vậy sau hai năm em bé bị tước khỏi tay mẹ thì Huyền đã được gặp con mình.
Vẫn còn nhớ như in thời điểm nhận thông tin về việc cha cháu bé cho phép gặp, Huyền đã lo sợ bé không còn nhớ mẹ nữa, bé sẽ sợ hãi mà khóc lóc, rồi việc gặp con vì thế khó khăn hơn.
Huyền đã chuẩn bị tất cả những câu nói bằng tiếng Pháp để có thể nói với bé, dỗ dành bé. Cô cũng chuẩn bị những món quà nhỏ xinh xinh cho con:
“Đó là những đêm mất ngủ triền miên để suy nghĩ và lo lắng. Nhưng việc được gặp con là quan trọng nhất đối với tôi, do đó tôi mong mọi sự hoàn hảo” - Huyền nói.
“Sharah vẫn chưa biết nói, bé lớn hơn rất nhiều so với ngày bị bắt đi. Bé đã biết đi. Chúng tôi có thời gian hơn hai tiếng bên nhau vui chơi và trò chuyện tại quán cà phê, địa điểm mà cha bé chọn, cách nơi tôi ở mấy trăm cây số” - Huyền kể.
Có lẽ nhờ sợi dây ràng buộc của tình mẫu tử mà đứa bé, dù hai năm trời không gặp cô vẫn không khiến bé cảm thấy lạ mẹ. Sharah vẫn sà vào lòng khi mẹ chìa bàn tay ra và ngồi yên trong lòng khi mẹ cất lời bài hát ru bé ngủ hồi còn nhỏ.
“Khi đó tôi hạnh phúc đến phát khóc. Đúng là máu mủ ruột rà khiến con không quên tôi, vẫn cảm nhận được tôi là người thân của nó. Dù khi ấy bé chưa biết nói nhưng ánh mắt bé thật vui” - Huyền kể. Sau lần gặp đầu tiên, rồi lần thứ hai, hai mẹ con vui chơi với nhau suốt buổi.
“Tôi mừng lắm vì dường như con không lạ gì mẹ cả. Chúng tôi chơi vui và cười suốt. Ở lần gặp thứ hai khi cha cháu đến đón về, cháu khóc ôm cứng lấy mẹ không buông, không chịu lên xe với cha.
Khi đó tôi phải nói với cháu bằng tiếng Việt, rồi mình sẽ gặp nhau sau nữa. Bé như hiểu những gì mẹ nói và chịu lên ôtô của cha để về nhà” - kể đến đây, Huyền khóc.
Trong thời gian ở Pháp để tìm kiếm cơ hội đòi lại con, Huyền đã nghĩ nếu luật pháp không ủng hộ cô đòi lại đứa con, cô sẽ tìm học bổng để học tập tại Pháp. “Tôi thấy có nhiều ngành học mình có thể học được. Nếu học ở đó thì cơ hội được gặp con sẽ nhiều hơn” - Huyền giãi bày.
Lúc ấy cô nghĩ dù chỉ gặp nhau một tháng một lần cũng được, bởi dù có đầy đủ vật chất nhưng nếu bé thiếu tình cảm của mẹ thì sẽ rất thiệt thòi.
“Tôi đã tìm hiểu và thấy rằng việc đi du học tại Pháp đối với tôi không khó. Tôi có gia đình, bạn bè, rất nhiều người thân ở Việt Nam, công việc cũng đang ở Việt Nam, nhưng vì bé Thiên Kim và tình yêu dành cho con, tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả để sang Pháp bắt đầu lại.
Cuộc đời mình có thể không cần làm gì thêm nữa, chỉ cần thấy con lớn lên bình yên là được rồi” - Huyền nói.
Theo Tuổi trẻ online