Ảnh minh họa
Tôi hơi ngạc nhiên khi hay tin tức về giá nhà 1 USD ở St Louis. Cụ thể thì để mua nhà thì người mua phải có kế hoạch sửa chữa do các nhà thầu đề ra, mua xong phải sửa chữa tới mức có thể ở được, và phải ở ít nhất 3 năm.
Họ cũng nói thêm là các ngôi nhà này đều tập trung ở một khu vực phía bắc thành phố, chúng đều đã bị bỏ hoang ít nhất 5 năm, và chính quyền địa phương muốn bán các căn nhà này vì họ không muốn nhà đất bị bỏ hoang. Chẳng nghe họ nói gì tới lý do vì sao các căn nhà này lại lâm vào cảnh bị bỏ hoang cả.
Khoản tiền sửa chữa những căn nhà này là bao nhiêu? Một người đã mua hai căn nhà tương tự nói rằng cô ấy phải tiêu hết 180.000 USD thì hai căn nhà đó mới ở được.
Khoảng tiền 90.000 USD là lớn với hầu hết người Mỹ, nếu người mua có khéo chắc cũng phải xài tới 70.000 USD. Khoản tiền này có thể dùng để trả trước rồi mua một căn nhà tốt, có thể ở ngay với khoảng tiền trả góp không quá nhiều. Cụ thể là mua một căn nhà giá 200.000 USD, sau khi trả 70.000 USD thì khoản trả góp, bao gồm cả thuế và các khoản phí khác chỉ chừng 1.000 USD một tháng. Nhiều người Mỹ vì vậy bi quan về khả năng thành công của chương trình này.
Nhà ở Mỹ không như ở Việt Nam. Ở Việt Nam một căn nhà hoang chả là vấn đề gì, gia chủ chỉ cần phá đi rồi dựng tạm một túp lều tranh, hay dùng ít tiền để xây căn nhà cấp bốn rồi từ từ dành dụm để dựng lại nhà.
Còn nhà ở Mỹ tiền xây đắt hơn tiền đất. Nhà kiểu Mỹ phải có đường ống nước, đường dẫn chất thải, và đường dẫn đều nằm trong vách nhà. Lại phải có thêm hệ thống luân chuyển không khí để dùng khi máy sưởi hay máy lạnh chạy. Phải có chỗ để nối đường ống nước và đường ống gas cho máy giặt, máy sấy, máy rửa chén, bếp ăn.
Rồi thì trong nhà bếp phải có bộ tủ nội thất gắn vào tường, có nguyên một cái "kitchen counter", tức là cái bộ bàn gắn vào tường để làm bếp, cùng phòng tắm đủ tiêu chuẩn, tủ quần áo giống như một căn phòng (walk in closet)...sửa chữa mấy cái này cũng hụt hơi, mà chăm sóc chúng cũng phát mệt.
Vì vậy để sửa những căn nhà này tới mức ở được mới tốn kém như vậy. Mua xong, trong vòng hai tháng phải sửa chữa bên ngoài để căn nhà trông được, đạt tiêu chuẩn mỹ quan đô thị, để thành phố đẹp hơn.
Người mua cũng có thể mượn tiền ngân hàng để sửa chữa căn nhà rồi trả góp dần. Khi cho mượn tiền mua nhà, ngân hàng phải trông vào căn nhà xem giá trị là bao nhiêu, nếu người mua không trả nổi nợ thì có thể lấy lại căn nhà mà bán đi để thu hồi vốn.
Giá mấy căn này thì ai cũng biết rồi, ngân hàng cho mượn nợ thì chả trông được vào đâu để có thể thu hồi vốn khi người mượn nợ mất khả năng chi trả.
St Louis lâm vào cảnh này vì sự sút giảm của ngành công nghiệp xe hơi ở Mỹ. Xe Mỹ rất tiện nghi, dùng rất sướng, nhưng hao xăng và hay hư, vì vậy không cạnh tranh nổi với xe Nhật. Tình trạng này đã xảy ra hàng chục năm nay chứ không có gì mới.
Hồi năm 2006, hãng Ford đã lâm vào tình trạng sắp phá sản, nhà nước phải rót tiền cứu trợ. Khi đó tôi có thấy một bức tranh biếm họa vẽ một con khủng long đọc một quyển sách nhỏ có tựa "Tiến hóa dành cho kẻ ngu" (Evolution for Dummies), con khủng long đó có tên là Ford.
Những gì đang xảy ra ở St Louis cũng như vậy, nó là một cố gắng để "tiến hóa" của một thành phố đã rơi vào tình trạng thoái hóa. Đây là một điều không có gì mới ở Mỹ, các thành phố thường hay "lên" hay "xuống" tùy vào điều kiện kinh tế và người Mỹ thì rất hay di cư để tới nơi khác màu mỡ hơn.
Ngạn ngữ có câu "của rẻ là của ôi", điều này thì ở đâu cũng đúng. Bất động sản quan trọng nhất là vị trí, một căn nhà ở một nơi không có việc làm, không có cơ hội buôn bán thì chả có giá trị gì, đừng nói là còn phải tiêu tốn hàng chục ngàn đô để sửa chữa.
Vì vậy nên bạn chẳng thấy người Mỹ nào buồn tới mua. Ai cũng vậy, cho dù có đủ tiền sửa chữa nhà thì cũng chẳng có lý do gì lại bỏ công ăn việc làm để đi tới chỗ chẳng biết kiếm ăn thế nào.
Các bạn ở Việt Nam cũng như vậy, cho dù có tiền chắc cũng chẳng muốn qua Mỹ ngồi trong căn nhà đìu hiu lạnh cóng, mùa đông tuyết rơi đầy mà không biết làm gì để kiếm sống.
Theo vnexpress