Yue đã đặt một vài vé máy bay về nhà ở Thành Đô nhưng các chuyến bay liên tục bị hủy khi Trung Quốc và các nước khác thực hiện lệnh cấm bay trong bối cảnh Covid-19 căng thẳng. Yue cho biết: "Tôi có hai vé vào tháng 5, nhưng không chắc sẽ bay được. Không có lý do nào để tôi ở đây. Đó là một trải nghiệm căng thẳng khi phải ở một mình".
Yue là một trong 350.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ. Chưa rõ có bao nhiêu người ở lại Mỹ vì trường học đóng cửa và các sinh viên khác về nhà để học online nốt học kỳ. Nhưng các sinh viên cho biết, đại dịch ảnh hưởng nhiều vấn đề khác so với việc làm hỏng kế hoạch di chuyển và học hành. Nó khiến các du học sinh đối diện trực tiếp với làn sóng "bài trừ Trung Quốc" và sự kỳ thị người châu Á và người Mỹ gốc Á. Một số người đang suy nghĩ về ảnh hưởng của những điều này đến tương lai của họ ở Mỹ.
|
Trường trống rỗng, vắng vẻ. vì Covid-19. Ảnh:AP. |
Một sinh viên giấu tên ở Tennessee kể, khi anh đang mua đồ tạp hóa, tình cờ nghe thấy hai người đàn ông gọi mình là "virus Trung Quốc" - một cụm từ được Tổng thống Donald Trump sử dụng. Anh cho hay: "Sau khi cụm từ ‘virus Trung Quốc’ được dùng trên mạng xã hội, tôi bị gọi như vậy khi vừa ra khỏi xe vì đeo khẩu trang". Anh nói rằng khẩu trang khiến mình cảm thấy an toàn khỏi dịch bệnh nhưng màu da lại khiến anh gặp nguy hiểm. "Nó thay đổi cảm giác của tôi về nước Mỹ và sự hứng thú khi ở lại đây. Tôi hy vọng mình được tôn trọng và không bị tấn công khi sống ở đây. Nói thật, sống ở Mỹ khiến tôi thấy không an toàn vào lúc này", anh nói.
Sự gia tăng phân biệt chủng tộc đối với người châu Á và người Mỹ gốc Á ở Mỹ được đưa tin rộng rãi. ABC News gần đây cho biết FBI đã cảnh báo sự tăng vọt những vụ án liên quan đến thù ghét hướng vào người Mỹ gốc Á trong một báo cáo gửi tới các đơn vị hành pháp trên cả nước. Một phân tích được xuất bản vào ngày 8/4 bởi Viện Nghiên cứu Network Contagion của Mỹ cho thấy, sự gia tăng mạnh trong những ca thù ghét người gốc Á trên các diễn đàn, sau đó lan tràn sang một trong các trang mạng xã hội phổ biến nhất.
Một nền tảng để báo cáo các hành vi phân biệt đối xử liên quan đến virus - được thành lập vào tháng trước bởi Hội đồng Chính sách và Kế hoạch Châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc - đã nhận được hơn 1.000 báo cáo về những vụ việc chỉ trong 2 tuần.
Lo lắng vì phải đối mặt với những điều đó, một số du học sinh đã thay đổi thói quen hằng ngày. Eva Chen - một sinh viên vừa tốt nghiệp, đang làm việc ở New York - quyết định không đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm để tránh bị chú ý. Cô cảm thấy sự gia tăng phân biệt chủng tộc có liên quan đến các chỉ trích của Mỹ hướng vào Bắc Kinh vì xử lý đại dịch kém, nhưng bị chuyển hướng sang công dân Trung Quốc và khiến một số người bắt đầu đổ lỗi cho người Trung Quốc.
Lyujiang Chen - Sinh viên năm 2 của Đại học New York - ngừng đi tàu điện ngầm sau khi nghe chuyện bạn mình bị xúc phạm trên tàu vì đeo khẩu trang. Anh nói yêu New York và hy vọng có được làm việc làm tại đây sau khi tốt nghiệp nhưng lại lo lắng về việc mình sẽ được tiếp nhận như thế nào. Anh chia sẻ: "Điều tôi lo lắng là về công dân ở đây. Ý kiến của họ về Trung Quốc bây giờ như thế nào? Liệu họ có nghĩ vì dịch bùng phát ở Trung Quốc nên Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì virus này không? Tôi không chắc về chuyện này nên càng lo lắng".
|
Một số người Trung Quốc sợ đeo khẩu trang nơi công cộng ở Mỹ. Ảnh:AP. |
Calvin Lei - sinh viên ngành Nhân chủng học và Khoa học nhận thức tại Đại học Vassar, New York - cho biết dành nhiều tình yêu cho Mỹ nhưng lại đang phải chứng kiến sự phân biệt chủng tộc và sự bất bình đẳng trong hệ thống y tế. Anh nói: "Điều đó khiến tôi suy nghĩ lại về ý nghĩa của việc mình ở lại đây. Mỹ tự hào rằng mình là quốc gia của tự do và đa dạng nhưng tất cả những việc này không phản ánh tinh thần đó".
Khi số du học sinh này dự định quay về Trung Quốc, họ lo sợ sẽ phải đối mặt với việc kiểm soát số ca nhập ngoại từ chính quyền quê nhà. Những biện pháp này khiến nhiều người phàn nàn về phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với người nước ngoài. Đáng chú ý nhất là Thành phố Quảng Châu, nơi người châu Phi bị đuổi ra khỏi nhà thuê, khách sạn hoặc bị ép đi cách ly. Công dân Trung Quốc quay về từ nước ngoài cũng phải đối mặt với không ít định kiến.
Khi du học sinh quay về, họ phải đối mặt với nỗi sợ bị hiểu "mang virus về cùng". Lyujiang Chen, người được quay lại Trung Quốc trước khi lệnh cấm bay được áp dụng đã đọc những bình luận trên mạng trước và trong khi cách ly 14 ngày bắt buộc. Nó khiến cậu thấy tồi tệ hơn. "Cứ như chúng tôi từ một vùng dịch nào đó quay lại Trung Quốc", anh nói. Mặc dù vậy, anh nghĩ rằng đây là ý kiến trái chiều bị truyền thông thổi phồng lên.
Yue, người ở lại trường tại California cũng đang theo dõi sát sao sự việc này. Từ đầu đại dịch, cậu thấy nhiều người, trong đó có cả người thân quen đã cố gắng tránh mặt cậu. Yue nói bản thân không ngạc nhiên bởi sự gia tăng phân biệt chủng tộc và đối xử này bởi có nhiều vấn đề đã ăn sâu vào nước Mỹ và virus này đưa người châu Á trở thành tâm điểm của sự chú ý. Nhưng điều khiến cậu ngạc nhiên là sự phản đối du học sinh Trung Quốc trở về nhà. "Tôi luôn có ý nghĩ là dù có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn là công dân Trung Quốc. Nhưng thái độ trên mạng mà tôi thấy gần đây khá buồn. Giống như bạn muốn gia đình chào đón bạn quay về, nhưng họ đóng sập cửa vào mặt bạn", Yue nói.
Theo ione.net