Năm 2022, Tòa án Nhân dân Trung cấp Thứ ba Trùng Khánh đã xử vụ tài xế họ Chen bị sa thải vì từ chối chia sẻ các bài đăng trên tài khoản WeChat của bệnh viện phụ sản, nơi anh làm việc, lên tài khoản WeChat cá nhân.
Vụ án cũ trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội vào hôm 7/5, sau khi Tòa án Tối cao Trùng Khánh chọn đây làm trường hợp tham khảo vào ngày 28/4.
Theo Sixth Tone, trong hệ thống pháp luật của Trung Quốc, các vụ án mang tính bước ngoặt được các tòa án lựa chọn và công bố là "vụ án tiêu biểu" để giáo dục công chúng tốt hơn.
Theo hồ sơ vụ án, Chen đã bị bệnh viện phạt 10.000 nhân dân tệ vì không chia sẻ các bài báo trên mạng xã hội và sau đó bị sa thải vì "vi phạm các quy tắc" và "không hoàn thành nhiệm vụ".
Tòa án Nhân dân Trung cấp đã chỉ đạo bệnh viện bồi thường cho Chen khoảng 60.000 nhân dân tệ (8.700 USD) vì chấm dứt hợp đồng bất hợp pháp.
"Nội dung được xuất bản trên WeChat Moments phải là quyết định độc lập của người dùng và người sử dụng lao động không được can thiệp bất hợp pháp", phán quyết lưu ý.
Vụ án đã khơi lại những tranh luận xung quanh thực trạng nhiều nhân viên bị buộc quảng bá các hoạt động của công ty trên tài khoản mạng xã hội cá nhân của họ.
|
|
Nhiều nhân viên ở Trung Quốc phải chia sẻ về công ty lên mạng xã hội. |
Một người dùng Weibo kể: "Sếp của tôi yêu cầu quản trị viên kiểm tra xem tôi có đăng nội dung về công ty hàng ngày không. Tôi phải đối mặt với việc bị cắt 50 nhân dân tệ mỗi khi từ chối làm như vậy".
Người này đồng thời cho biết thêm sếp của cô coi các tài khoản mạng xã hội cá nhân như một kênh quảng cáo cho các sản phẩm của công ty.
"Ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng là gì?", một người khác đặt vấn đề.
Đây không phải lần đầu tiên việc doanh nghiệp ở Trung Quốc yêu cầu nhân viên quảng bá trên trang cá nhân bị chỉ trích.
Năm ngoái, một nhân viên bán hàng đang trong thời gian thử việc ở tỉnh Tứ Xuyên đã bị công ty yêu cầu đóng phạt 3.000 nhân dân tệ. Nguyên nhân là anh không đăng bài liên quan đến công ty.
Công ty đã trích dẫn một yêu cầu nội bộ, trong đó nhân viên phải đăng ít nhất 50 bài đăng liên quan đến công việc mỗi tháng trên mạng xã hội hoặc bị phạt 50 nhân dân tệ cho mỗi lần họ không làm như vậy.
Hu Xinhong, một nhà bình luận công chúng, viết trên tờ Worker's Daily rằng những vụ việc lặp đi lặp lại như vậy xuất phát từ việc các công ty phớt lờ quyền lợi của người lao động.
Phán quyết được đưa ra vào thời điểm mà cả cơ quan quản lý và công chúng đều tìm cách bóc trần các hoạt động bí mật tương tự tại nơi làm việc, bên cạnh lịch trình "996" khét tiếng: làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần.
|
|
Nhiều nhân viên mệt mỏi vì không thể lập ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân. |
Vào tháng 4, một tòa án ở Bắc Kinh đã ra phán quyết có lợi cho một nhân viên khi cô yêu cầu công ty trả tiền "làm thêm giờ vô hình".
Sixth Tone đưa tin, nữ nhân viên tên Li Xiaoyan đã kiện chủ cũ vì khoản làm thêm giờ chưa trả, khi cô có 500 giờ liên lạc với khách hàng và đồng nghiệp qua WeChat ngoài giờ làm việc chính thức. Tòa án yêu cầu chủ cũ phải bồi thường cho cô 30.000 nhân dân tệ (4.362 USD).
Ngay cả khi các doanh nghiệp và thành phố muốn giảm giờ làm, người lao động vẫn khó tìm thấy "ranh giới" khi ngày càng có nhiều công việc được thực hiện online.
Zhu Chuang (28 tuổi), nhân viên tài chính tại Hàng Châu, nói với Sixth Tone: "Những người trẻ tuổi như tôi thường tiếp tục nhắn tin liên quan đến công việc trên WeChat ở nhà sau khi kết thúc một ngày đi làm".
Theo một cuộc khảo sát do nền tảng tuyển dụng trực tuyến 51Job thực hiện vào năm 2022, khoảng 84,7% số người được hỏi cho biết họ tiếp tục theo dõi các tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ làm, với hơn một nửa cho biết làm thêm một giờ mỗi ngày. Nhiều nhân viên văn phòng Trung Quốc bị thiếu ngủ, phải giải quyết tốt các cuộc trò chuyện liên quan đến công việc sau nửa đêm.
Mặc dù tòa án Bắc Kinh đã ra phán quyết có lợi cho Li, các chuyên gia pháp lý cho rằng tác động của vụ kiện là hạn chế, vì phán quyết xoay quanh các vấn đề thủ tục tại công ty cụ thể.
Tuy nhiên, Zhu tin rằng phán quyết là một bước đi đúng hướng: "Những người dũng cảm như Li nói lên mối quan tâm của chúng tôi, đó là một khởi đầu tốt để giải quyết vấn đề".
Theo zingnews