Số lượng người trẻ NEET tại Hàn Quốc tiếp tục tăng cao đáng báo động trong bối cảnh thị trường việc làm trở nên tồi tệ do đại dịch Covid-19, theo Korea Bizwire.
NEET là viết tắt của cụm từ Not in education, employment, or training (tạm dịch: không học vấn, không việc làm, không được đào tạo). Còn nhóm thanh niên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 được gọi là "thế hệ mất mát".
|
Tỷ lệ người trẻ Hàn xếp vào nhóm NEET tăng liên tiếp trong những năm gần đây. Ảnh:Pulse News. |
Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Hyundai công bố hôm 21/3, số lượng người trẻ xếp vào nhóm NEET ở xứ củ sâm chạm ngưỡng 436.000 người vào năm 2020, tăng 24,2% so với năm trước đó, tương đương thêm 85.000 người.
Trong đó, có 245.000 người là nam giới, 191.000 người là nữ giới. Đáng chú ý, số lượng nữ giới tăng vọt chỉ trong vòng 1 năm. Những năm gần đây, con số chỉ dao động quanh mốc 100.000.
Báo cáo thực hiện khảo sát trên đối tượng người trẻ 15-29 tuổi, chưa kết hôn, không có công ăn việc làm cũng như không phải gánh trách nhiệm chăm sóc trẻ em, gia đình.
Năm 2015, các nhà phân tích ở Viện Nghiên cứu Hyundai từng chỉ ra tỷ lệ người dân học đại học ở Hàn Quốc cao hơn các nước khác. Những năm 1990, chỉ có khoảng 40% người dân nước này đăng ký học đại học. Kể từ thập niên 2000, tỷ lệ đã lên 80%, nghĩa là cứ 10 người Hàn Quốc thì có 8 người tốt nghiệp đại học.
|
Thị trường việc làm vốn khó khăn, lại càng lao đao hơn trong một năm Covid-19 giáng đòn vào nền kinh tế. Ảnh:Korea Herald. |
Đồng thời, ngày càng nhiều việc làm không lâu dài hoặc các công việc với điều kiện lao động kém xuất hiện - hai yếu tố làm giảm động lực làm việc của thanh niên.
Với trình độ học vấn cao, nhiều người từ bỏ chuyện kiếm việc làm ngày càng phổ biến.
Trong vòng 5 năm, con số NEET ở Hàn Quốc đã tăng gấp 1,7 lần. Năm 2016, con số dừng ở mức 262.000 người.
Số lượng thuộc nhóm NEET nhưng có bằng cấp cao hơn trình độ đại học cũng tăng mạnh, từ 172.000 người vào năm 2016 lên 275.000 người trong năm ngoái.
"Khi người trẻ không kiếm được việc làm hoặc chỉ nhận được công việc có chất lượng thấp, họ sẽ có xu hướng mất hứng thú hoặc ngừng tìm kiếm. Hàn Quốc là đất nước có tỷ lệ lao động không thường xuyên cao. Tỷ lệ NEET tăng dần kể từ cuối năm 2012 là thách thức lớn mà thị trường lao động Hàn Quốc phải đối mặt", Kim Gwang Sik, nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu Hyundai cho biết.
Lee Boo-hyeong, người đứng đầu của nhóm nghiên cứu kinh tế, cho hay cách giải quyết tình trạng này chỉ nằm ở cách đất nước tăng cường chất lượng giáo dục và tạo ra thêm nhiều việc làm tốt.
Theo Zing