Toshiyuki Niino (phải) and Yuichiro Okazaki thành lập công ty Exit vào năm 2017 - Ảnh: Al Jazeera.
Toshiyuki Niino (phải) and Yuichiro Okazaki thành lập công ty Exit vào năm 2017 - Ảnh: Al Jazeera.

Vài năm trước, khi Toshiyuki Niino muốn từ bỏ công việc mà anh không hài lòng, anh phải cố gắng lấy hết can đảm để đối diện với sếp của mình. Sau khi làm việc tại một số nơi khác ở Nhật Bản, Niino biết rằng quyết định của anh sẽ vấp phải sự phản đối.

“Khi bạn cố gắng bỏ việc, họ sẽ khiến bạn cảm thấy tội lỗi”, Niino, sống ở Kamakura, một thành phố ven biển cách Tokyo khoảng 65 km về phía Nam, nói với phóng viên của hãng tin Al Jazeera, “Họ cố làm cho bạn xấu hổ và tội lỗi vì bạn đã bỏ việc trong vòng chưa đầy 3 năm, và tôi đã có một khoảng thời gian rất khó khăn”.

THU PHÍ 20.000 YÊN ĐỂ HỖ TRỢ XIN NGHỈ VIỆC

Trải nghiệm không dễ chịu này của Niino đã khiến anh và người bạn thời thơ ấu Yuichiro Okazaki nảy ra ý tưởng giúp xử lý tình thế khó xử ở những người lao động muốn nghỉ việc. Vì vậy, họ thành lập công ty khởi nghiệp Exit chuyên thay mặt những người lao động quá xấu hổ và ngượng ngùng khi tự đứng ra xin nghỉ việc.

Với mức phí 20.000 Yên Nhật (khoảng 144 USD), Exit sẽ liên hệ với chủ lao động của khách hàng để thông báo cho họ về quyết định muốn nghỉ việc. Điều này giúp khách hàng của Exit tránh phải đối diện căng thẳng với cấp trên.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, mô hình kinh doanh của Exit đã được khoảng 20 công ty khác áp dụng theo, tạo ra một ngành công nghiệp trả tiền để hỗ trợ xin nghỉ việc ở Nhật Bản.

Niino cho biết hầu hết khách hàng của anh là nam giới ở độ tuổi 20 và doanh nghiệp của anh nhận được khoảng 10.000 yêu cầu mỗi năm, mặc dù không phải tất cả những người liên hệ đều sử dụng dịch vụ.

“Tôi thấy hai lý do chính là họ sợ sếp nên không thể nói rằng họ muốn nghỉ việc, và họ cũng cảm thấy tội lỗi khi muốn nghỉ việc”, anh nói.

Niino tin rằng, ngành dịch vụ này trở nên phổ biến có thể liên quan đến các khía cạnh của văn hóa Nhật Bản, đó là không khuyến khích sự bất hòa và thúc đẩy quan niệm thành công cần có cam kết lâu dài.

“Có vẻ như nếu bạn bỏ cuộc hoặc không hoàn thành nó, đó giống như một tội lỗi”, anh nói, “Giống như bạn đã mắc phải một sai lầm tồi tệ nào đó vậy”.

Tại Nhật Bản, việc làm trọn đời là quy chuẩn trong phần lớn thế kỷ 20. Đất nước này từ lâu đã nổi tiếng với văn hóa làm việc trong nhiều giờ và gắn bó lâu dài. Mặc dù đang có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ người lao động làm việc hơn 60 giờ một tuần - khoảng 6% - vẫn thuộc hàng cao nhất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

“Karoshi”, một thuật ngữ ra đời vào những năm 1970 để mô tả cái chết do làm việc quá sức, được chính thức công nhận là nguyên nhân của hàng trăm ca tử vong do bệnh tim mạch và tự tử mỗi năm.

Trong khi truyền thống việc làm trọn đời tại Nhật Bản đã phai nhạt trong những thập kỷ gần đây, người lao động Nhật Bản vẫn không thường xuyên “nhảy việc” và dựa nhiều vào tiền lương theo thâm niên.

Vào năm 2019, thời gian gắn bó trung bình của người lao động với công ty tại Nhật Bản là 12,4 năm, so với mức trung bình của OECD là 10,1 năm. Theo một nghiên cứu của OECD năm 2018, Nhật Bản cũng có mức lương cao thứ ba khi làm việc liên tục tại cùng một công ty trong ít nhất 20 năm, sau Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.

VẤP PHẢI SỰ LẠNH NHẠT TỪ MỘT SỐ CHỦ LAO ĐỘNG

Tuy Exit khai thác được nhu cầu của những người muốn nghỉ việc nhưng sợ gặp lãnh đạo ở Nhật Bản, không phải ai cũng ấn tượng với ngành dịch vụ này.

Ông Koji Takahashi, quản lý tại một công ty kỹ thuật ở Tokyo, đã rất bất ngờ khi nhận được cuộc gọi từ một công ty thông báo rằng một nhân viên cấp dưới quyết định nghỉ việc sau vài ngày đi làm nên ông đã đến gặp cha mẹ của nhân viên đó để xác nhận lại thông tin này.

“Tôi đưa cho cha mẹ của nhân viên đó danh thiếp của mình, tự giới thiệu mình là quản lý cấp cao của công ty có con trai họ mới gia nhập và giải thích tình hình”, Takahashi nói với Al Jazeera. Takahashi cho biết ông sẽ chấp nhận việc nhân viên này muốn nghỉ việc nhưng ông mong muốn anh ta liên lạc trực tiếp trước để xác nhận anh ta vẫn an toàn. Takahashi nói rằng, quyết định sử dụng công ty thuê ngoài để thôi việc đã ảnh hưởng tiêu cực đến cái nhìn của ông về nhân viên này.

Trong khi đó, Niino thừa nhận dịch vụ của công ty anh đã vấp phải sự đón nhận lạnh nhạt từ một số nhà tuyển dụng, nhưng những người chủ lao động khác lại vui vẻ khi nhận được phản hồi trung thực về điều kiện tại nơi làm việc của họ.

“Một số người lao động thường không nói lý do thực sự muốn nghỉ việc, chẳng hạn như họ không thích ông chủ”, anh nói, “Họ thường viện lý do như phải nghỉ việc để chăm sóc gia đình. Nhưng thông qua dịch vụ của chúng tôi, người sắp nghỉ việc đưa ra ý kiến trung thực về lý do tại sao họ muốn nghỉ việc”.

Niino tin rằng, các doanh nghiệp như của anh đang cung cấp một dịch vụ có giá trị xã hội. “Một số khách hàng cho biết họ từng có ý định tự tử khi làm việc cho công ty nhưng họ đã ngừng suy nghĩ đó sau khi được chúng tôi giúp đỡ”, Niino nói, “Chúng tôi đã điều hành công ty này được 6 năm và số lượng khách hàng ngày càng tăng”.

Theo vneconomy