Ảnh minh họa
Mong muốn con được học tập ở một đất nước phát triển về giáo dục nên chị Nguyễn Lan Phương (Trung Văn, Hà Nội) đã cho con đi du học ở Pháp ngay sau khi tốt nghiệp THCS. Việc cho con đi du học sớm đã được chị chuẩn bị tinh thần cho con từ mấy năm trước. Đó là hè hàng năm, chị đều cho con đi trại hè ở Pháp. Chị hy vọng, việc cho con trải nghiệm với cuộc sống bên Pháp sẽ khiến con tự tin và không còn bỡ ngỡ khi đi du học.
Dù không quá bỡ ngỡ, nhưng thời gian đầu con sống và học tập ở đất nước xa lạ, nơi không có bố mẹ, bạn bè bên cạnh, con đã bị cú sốc văn hóa. Bởi, dù trước đây đi trại hè nhưng con vẫn đi cùng các bạn người Việt, con vẫn có sự hỗ trợ của giáo viên người Việt. Thế nhưng, sang Pháp du học, một mình con phải xoay xở mọi việc. Con vốn là con một nên ở nhà được bố mẹ chiều chuộng, không phải “nhúng tay” vào việc gì. Đi du học sớm, với nhiều việc, con không biết bắt đầu từ đâu.
Ngoài ra, học với các bạn chủ yếu là người Pháp, con cảm thấy cô đơn, lẻ loi vì mình quá khác biệt. Khác biệt về cách học, cách sống, về tư tưởng, suy nghĩ khiến con không dễ kết bạn, khó tìm được người bạn thân thiết. Có những nỗi buồn, có những tâm sự con không biết chia sẻ cùng ai. Có những lúc cậu bé trở nên tự ti, cục cằn vì cú sốc văn hóa khi đi học xa nhà.
Thế nên, suốt mấy tháng đầu, chị Lan Phương như “ngồi trên đống lửa” vì thỉnh thoảng cu cậu lại gọi điện nằng nặc đòi về. Có những lúc mềm lòng, chị suýt định đưa con về bất kể mọi chuyện có ra sao, bất kể thiệt hại tiền bạc thế nào. Thời gian đó, chị đã xin nghỉ việc để sang sống cùng con một thời gian. Khi con quen dần với cuộc sống bên đó, khi con có thêm những người mới, đặc biệt là có bạn thân, khi con hòa nhập với cách học mới, chị mới quay trở về Việt Nam. Thế nhưng, thời gian sau đó, chị vẫn thường xuyên nói chuyện, động viên, quan tâm con từng li từng tí để con luôn có cảm giác vẫn có người thân ở bên.
Dù 16 tuổi nhưng con trai chị Phương Lan vẫn không dễ thích ứng với cuộc sống nơi xứ người. Vậy mà nhiều phụ huynh còn cho con đi học từ bậc THCS, khi con mới bước vào tuổi 12 thì các con còn bị “sốc” nhiều hơn thế.
Ngay khi con kết thúc tiểu học, chị Đoàn Thu Thảo (Q3, TP.HCM) đã quyết định cho con đi du học sớm ở Singapore để mong con vững vàng, tự lập, trở thành "công dân toàn cầu" trong tương lai. Tuy nhiên, việc đứa trẻ 12 tuổi phải xa mẹ để đi du học ở một đất nước khác không đơn giản, nhất là ở đất nước mà áp lực học tập không nhỏ. Dù đã được trang bị vốn ngoại ngữ khá tốt từ trong nước, nhưng khi sang Singapore, con đã bị sốc văn hóa, tiếng Anh của con không đủ để nghe giảng.
Chỉ vài tuần sau, con đòi về Việt Nam vì không thể xoay xở với việc học, không thể kết bạn. Chị cho con sống ở trung tâm có người Việt Nam chăm sóc, nhưng con gái chị vẫn cảm thấy cô độc. Thời gian này, chị thường xuyên bay sang Singapore để giúp con vượt qua stress. Chị cùng con chơi thể thao, cùng giải quyết những vấn đề rắc rối của con...
Con gái chị sau một thời gian đã bắt đầu cân bằng trở lại. Tuy nhiên, suốt năm học vừa qua, con thường xuyên phải đối mặt với sự căng thẳng trong học tập với lịch học kín đặc cả ngày. Con không có thời gian để xem tivi chứ đừng nói để than vãn. Con mệt mỏi, không còn sức sống khi phải trải qua kỳ thi căng thẳng. Con có dấu hiệu trầm cảm.
Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, trẻ đi du học sớm, ở độ tuổi quá nhỏ sẽ có nguy cơ bị tổn thương về tâm lý mà cha mẹ không thể nào lường trước được. Thế nên, khi quyết định cho con đi du học sớm, cha mẹ cần chuẩn bị rất kỹ càng về tâm lý, kỹ năng… để con tránh những tổn thương khi ở một đất nước xa lạ.
Nhật Minh