leftcenterrightdel
Một nhà vệ sinh phải trả phí ở Venice, Italy. (Ảnh: Reuters) 

 

Khi châu Âu đang đối mặt với một mùa Hè nóng kỷ lục, du khách tới đây cần phải uống đủ nước để tránh các bệnh liên quan đến nhiệt. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến bất tiện khi càng uống nhiều nước, họ lại càng cần đi vệ sinh nhiều hơn.

Để tránh lâm vào tình trạng khó xử khi mắc tiểu, du khách nên làm quen với thói quen đi vệ sinh ở châu Âu bởi trải nghiệm này có thể gây sốc văn hóa.

Tại châu Âu, nhà vệ sinh công cộng thường được chính quyền hoặc quản lý đô thị quản lý. Du khách có thể tìm thấy các nhà vệ sinh công cộng ở ga tàu, bến xe, công viên, vườn hoa và các điểm du lịch.

Các phòng vệ sinh có thể bố trí theo kiểu truyền thống với một dãy bồn vệ sinh và bồn rửa, hoặc một bồn vệ sinh độc lập với bồn rửa được kích hoạt bằng bàn đạp chân.

Kate Storm, một blogger du lịch ở New York, người chuyên đưa tin về văn hóa nhà vệ sinh trên trang web Our Escape Clause chia sẻ: “Châu Âu có nhiều phòng vệ sinh công cộng hơn ở Mỹ nhưng bạn thường phải trả tiền khi đi sử dụng.”

Các phòng vệ sinh mất phí thường có người dọn dẹp. Khoản phí này giúp trang trải chi phí bảo trì, vật tư và nhân công, thường là một khoản tiền lẻ nhỏ như một euro hoặc một, hai franc Thụy Sĩ.

Phòng vệ sinh có thêm tiện nghi, chẳng hạn như phòng thay đồ, có thể tính phí cao hơn một chút.

Nhiều điểm đến tại châu Âu đang hướng tới nền kinh tế không tiền mặt và ngày càng nhiều nhà vệ sinh chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Chính sách nhà vệ sinh mở

Sử dụng nhà vệ sinh tại các nhà hàng, quán càphê hoặc cửa hàng, sẽ phức tạp hơn. Một số cơ sở kinh doanh, đặc biệt là ở các khu du lịch sầm uất, thường ngăn những người không phải là khách hàng bằng biển báo “không có nhà vệ sinh công cộng.”

Tuy nhiên, các thành phố đang phải đối mặt với lượng du khách đông đúc và tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng đang thúc đẩy các doanh nghiệp mở thêm nhà vệ sinh cho công chúng.

Một sáng kiến tại Đức có tên Nette Toilette, hay Nice Toilet, trả cho các nhà hàng, cửa hàng khoản trợ cấp hàng tháng từ 64-107 USD để đổi lấy việc cho phép mọi người sử dụng nhà vệ sinh.

Chương trình này được triển khai vào năm 2000 tại thị trấn Aalen của Đức và đã mở rộng tới hơn 200 thành phố và hơn 2.500 cửa hàng ở Đức và Thụy Sĩ.

leftcenterrightdel
Biểu tượng mặt cười tại các cửa hàng tham gia chương trình nhà vệ sinh miễn phí Nette Toilette. (Nguồn: ZVW) 

 

Những người tham gia sáng kiến này treo một biển báo màu đỏ có hình mặt cười lên cửa sổ phía trước cửa hàng. Du khách cũng có thể tìm thấy các địa điểm trên ứng dụng Nette Toilette.

Một mẹo nhỏ là các trung tâm mua sắm, nhà hàng và quán càphê lớn hoặc đông đúc thường không để ý đến việc bạn lẻn vào bên trong để đi vệ sinh.

Trong cuốn sách “Châu Âu qua cửa sau,” chuyên gia du lịch Rick Steves gợi ý sử dụng nhà vệ sinh miễn phí tại những địa điểm ăn uống có chỗ ngồi ngoài trời hoặc quán ăn nhanh.

Tác giả này nói rằng việc mua soda hoặc khoai tây chiên là không cần thiết, mặc dù đôi khi mã cửa nhà vệ sinh được in trên hóa đơn.

Ứng dụng bản đồ nhà vệ sinh

Khi bắt buộc phải đi vệ sinh, bạn thực sự không có thời gian để lãng phí vào việc tìm kiếm nhà vệ sinh gần đó.

Rất may, nhiều văn phòng du lịch và quầy thông tin đã in hoặc đăng bản đồ vị trí các nhà vệ sinh. Một số thành phố như Oslo và Rome cũng cung cấp thông tin này trực tuyến hoặc trong ứng dụng du lịch.

leftcenterrightdel
 Bản đồ chỉ dẫn vị trí các nhà vệ sinh công cộng miễn phí tại Zurich, Thụy Sĩ. (Nguồn: Wikimedia)

 

Các công ty chuyên xây dựng nhà vệ sinh đã phát triển các ứng dụng chỉ hướng cho những người tìm kiếm nhà vệ sinh.

JCDecaux, công ty thiết kế nhà vệ sinh công cộng miễn phí tại Thụy Điển, đã phát triển ứng dụng có tên ToaSverige vào năm 2021, trong đó liệt kê 100 nhà vệ sinh chỉ riêng ở Stockholm.

Nếu bạn đang đi du lịch với ngân sách tiết kiệm, hãy lập chiến lược sử dụng nhà vệ sinh tại bảo tàng và điểm tham quan văn hóa mà bạn ghé thăm.

Tại ga xe lửa, hãy đợi và sử dụng nhà vệ sinh trên tàu, mặc dù nó có thể không dễ chịu như nhà vệ sinh thông thường cũng như có thói quen sử dụng nhà vệ sinh sau mỗi bữa ăn.

Ngoài ra, đừng quá lạm dụng giấy vệ sinh. Hệ thống đường nước thải ở châu Âu có thể đã cũ và bạn không muốn trở thành khách du lịch làm tắc nghẽn nhà vệ sinh công cộng./.

Theo vietnamplus