leftcenterrightdel
Một nhà vệ sinh công cộng trên đường phố Paris. (Nguồn: Vietnam+) 

Là “kinh đô ánh sáng” nổi tiếng thế giới, Paris có thể khiến các khách choáng ngợp ngay từ những phút đầu tiên bước chân tới thành phố hoa lệ này trước vẻ đẹp của những tòa nhà cổ kính, của những con đường nhỏ lát đá, của những chung cư rực rỡ với những ban công bằng sắt uốn diễm lệ, với những ly càphê tinh tế, những chiếc bánh sừng bò thơm ngon.

Tuy nhiên, sau những chuyến đi, bên cạnh những cảm xúc vui vẻ, những khung hình tuyệt đẹp, nhiều du khách đã bày tỏ một vấn đề hết sức tế nhị nhưng lại đóng vai trò khá quan trọng trong những lịch trình du lịch kéo dài cả ngày, đó là vấn đề thiếu hụt nhà vệ sinh công cộng tại Paris.

Khó khăn để tìm kiếm một nhà vệ sinh công cộng

Từ Việt Nam du lịch tới Paris, chị Hà (Hà Nội) cho biết để tranh thủ thời gian thăm hết những địa điểm đẹp tại Paris trong thời gian ngắn nhất, chị đã lên một lịch trình chặt chẽ tại các điểm đến, phương thức di chuyển, thời gian đi lại. Tuy nhiên, chị lại gặp phải một vấn đề không ngờ tới, đó là nhà vệ sinh công cộng.

Chị cho biết sau khi thăm 2 điểm là tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn, chị muốn tìm một nhà vệ sinh công cộng ở gần đó, bởi tại Việt Nam, hầu hết các điểm du lịch đều có các khu vực vệ sinh công cộng, với những biển chỉ dẫn ở khắp nơi.

Nhưng tại đây, chị lại không hề thấy một biển chỉ dẫn nào. Chị cố gắng hỏi người xung quanh, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. May mắn, tại một khu vực cách đó khá xa, chị đã tìm được một nhà vệ sinh công cộng và cũng phải xếp hàng khá lâu mới được sử dụng.

Chị Phương, một du khách khác tới từ Hải Phòng, cho biết chị đã từng du lịch tới Seoul, Hàn Quốc và nhận thấy ở các cửa ra của mỗi ga tàu điện ngầm đều bố trí nhà vệ sinh công cộng rất đẹp và lịch sự.

Tuy nhiên, khi tới Paris, chị rất ngạc nhiên khi thấy những ga tàu mình đi qua đều không hề có nhà vệ sinh. Sau khi hỏi một người bạn sinh sống và làm việc ở đây rất lâu, chị mới biết không phải ga tàu điện nào của Paris cũng bố trí nhà vệ sinh công cộng, hoặc có nhưng đã xuống cấp, hư hỏng.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, mỗi khi đi mua sắm tại các khu vực trung tâm thương mại của các khu phức hợp, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những nhà vệ sinh công cộng đẹp và lịch sự.

Tuy nhiên, trái với hình dung của nhiều du khách Việt Nam, những khu vực mua sắm tại Paris thường không phải là những tòa nhà lớn nhiều tầng có mặt tại khắp mọi nơi, mà thường chỉ là những khu vực tầng trệt nằm dưới các tòa nhà, không quá rộng và cũng không có nhà vệ sinh công cộng.

Trên thực tế, vấn đề nhà vệ sinh công cộng tại Paris không phải là đề tài quá mới. Từ những năm 2000, trên các diễn đàn du lịch quốc tế, nhiều du khách đã phàn nàn về hệ thống nhà vệ sinh công cộng vừa quá tải, lại vừa mất vệ sinh tại Paris.

Đặc biệt, sự thiếu hụt đó đã khiến nhiều người lang thang, thậm chí cả du khách, lựa chọn việc “phóng uế” nơi công cộng, khiến cho một số con ngõ nhỏ tuyệt đẹp của Paris bị ô nhiễm trầm trọng, xóa đi phần nào những ấn tượng tốt đẹp của du khách khi tới thăm thành phố này.

Những năm gần đây, Paris đã có nhiều cố gắng khắc phục thiếu sót này, với việc trang bị thêm hàng trăm nhà vệ sinh công cộng tự động và hiện đại.

Theo một bài viết được đăng tải trên Lonely Planet vào tháng 5 năm nay, hiện tại Paris đã trang bị thêm được 750 nhà vệ sinh công cộng, giúp thành phố này lọt vào top đầu các khu vực có mật độ nhà vệ sinh công cộng cao nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, đối với một thành phố mà dường như bất cứ góc nào cũng trở thành một điểm du lịch đẹp, thì số lượng nhà vệ sinh công cộng đó dường như vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các du khách.

Đặc biệt, tại những điểm du lịch đẹp, nơi thu hút số lượng du khách “khủng,” sự bố trí số lượng chưa hợp lý khiến cho những nơi này, nếu có nhà vệ sinh công cộng, thường ở tình trạng quá tải.

Những nhà vệ sinh này được lắp đặt dưới dạng kiốt, với chế độ làm sạch tự động, ít hoặc không có người dọn dẹp, nên thường không ở tình trạng tốt, thậm chí còn khá bừa bộn, bẩn và “bốc mùi” khiến nhiều người ngần ngại.

Ngoài những nhà vệ sinh công cộng miễn phí trên, những du khách “may mắn” có thể tìm được những nhà vệ sinh công cộng được xây dựng khá to, đẹp, với đầy đủ các tiện nghi. Ở những nơi này, khách sẽ phải mất phí từ 1 đến 2 euro, khoản tiền này,  được thanh toán tự giác, được cho là dùng để chi trả cho các chi phí giấy, nước và dọn dẹp.

Ngoài ra, một số trung tâm thương mại, khu vực mua sắm lớn cũng bố trí nhà vệ sinh công cộng cho khách, nhưng hầu hết đều mất phí, giá trung bình là 2 euro, và xếp hàng rất lâu mới đến lượt.

Mức phí này thậm chí cao hơn cả giá của một chai nước khoáng thông thường được bán tại một cửa hàng tiện lợi trên đường phố, thường có giá từ 1,25 đến 1,5 euro.

“Sử dụng” ngay khi có cơ hội

Chị Ánh (Yên Bái) cho biết trong chuyến du lịch 5 ngày tại Paris, chị được một người bạn cho biết một “bí kíp,” đó là hầu như các ga tàu hỏa, nơi có các chuyến tàu đưa khách đến các thành phố hay quốc gia khác, sẽ có nhà vệ sinh công cộng.

leftcenterrightdel
Một nhà vệ sinh công cộng có thu phí gần khu vực Nhà thờ Trắng của Paris. (Nguồn: Vietnam+) 

Những ga này đều nằm trong hệ thống điểm đến của tàu điện ngầm Paris. Chỉ cần tìm những điểm dừng có tên gọi bắt đầu bằng chữ “gare” (ga) là chị có thể tìm được một chỗ đáp ứng nhu cầu cá nhân cấp bách khi đó.

Bên cạnh đó, du khách cũng có thể sử dụng google maps để tìm một nhà vệ sinh công cộng gần nhất. Tuy nhiên, kết quả thu được không phải lúc nào cũng chính xác.

Chị Hà cho biết chị từng thử gõ từ khóa “public toilet” khi đang đứng cạnh một nhà vệ sinh công cộng, nhưng kết quả tìm kiếm lại hướng dẫn chị đến một địa điểm khác cách đó hơn 2km.

Một cách thức khác được các du khách chia sẻ, đó là sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại các quán ăn, quán càphê. Những quán càphê nhỏ xinh, bình dân luôn xuất hiện ở các góc phố của Paris. Khách có thể lựa chọn vào quán, chọn một món đồ uống rồi sử dụng nhà vệ sinh của quán. Mức giá thấp nhất của những món đồ uống thường rơi vào khoảng trên 4-5 euro.

Bởi vậy, nếu không quá e ngại, du khách có thể lựa chọn hỏi thẳng người phục vụ rằng liệu họ có thể sử dụng nhà vệ sinh mà không gọi nước được không, và chi phí là bao nhiêu. Nếu may mắn gặp được những người phục vụ lịch sự và thông cảm, thậm chí bạn có thể được sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, những du khách tiêu tiền mặt cũng nên giữ sẵn những đồng xu lẻ, để có thể dễ dàng thanh toán trong những tình huống này, thay vì đưa tiền chẵn khiến nhân viên quán phải trả lại.

Với những du khách có nhiều thời gian hơn để khám phá Paris, bạn cũng nên “găm” sẵn một danh sách những nhà vệ sinh công cộng mình gặp trên đường, hoặc trên những trục đường, vị trí quan trọng. Ví dụ như những nhà vệ sinh nằm dọc theo khu vực đường bên dưới ven bờ sông Seine, nhà vệ sinh của trung tâm thương mại LaFayette nổi tiếng với mái vòm rực rỡ và phần sân thượng nhìn được toàn cảnh Paris...

Và đặc biệt, chị Ánh, cũng như nhiều khách du lịch Việt Nam và nước ngoài đã từng tới Paris, đã đưa ra lời khuyên cho những người đang lên kế hoạch du lịch, đó là hãy tranh thủ và cố gắng sử dụng nhà vệ sinh ngay khi bạn đến một quán ăn, càphê nào đó, hoặc khi bạn bắt gặp một nhà vệ sinh trên đường, bởi có thể bạn sẽ vất vả và không thoải mái suốt vài tiếng đồng hồ sau đó./.

Theo vietnamplus