leftcenterrightdel
Chloe Chen, cư dân Đài Bắc, thích ăn uống tại Takemura Izakaya với bạn bè, cô nằm trong số những người ở Đài Loan tiêu hết tiền lương vào cuối tháng.Ảnh: Chloe Chen. 

Hàng tháng, Chloe Chen, nhân viên kinh doanh quảng cáo, đến một spa nổi tiếng để chăm sóc da mặt và nối mi. Nếu có nhiều thời gian hơn, cô gái 24 tuổi sẽ làm cả nail, chà gót chân bằng muối biển, massage cơ thể.

Các loại dịch vụ này có giá không hề rẻ, thậm chí lên đến 240 USD/liệu trình, con số này là quá xa xỉ với một người kiếm được mức lương hàng tháng là 43.000 Đài tệ (khoảng 1.500 USD).

Ngoài việc thường xuyên đến spa, Chen còn có thói quen tìm kiếm các nhà hàng và quán cà phê mới với bạn bè. Mỗi tháng, cô chi trả các hóa đơn, tiền thuê nhà, gửi một khoản trợ cấp cho gia đình. Nữ nhân viên trẻ cho rằng, về cơ bản cô vẫn đủ sống.

Chen là một trong số những người được gọi là Yue Guang Zu tại Đài Loan, hay theo nghĩa đen là “gia tộc ánh trăng” – một thuật ngữ mô tả những người, đặc biệt là giới trẻ, tiêu hết tiền lương của họ vào cuối mỗi tháng.

“Thật ra, nhiều đồng nghiệp của tôi cũng là Yue Guang Zu. Sống ở Đài Bắc không hề rẻ và chúng tôi không kiếm được nhiều tiền, vì vậy thật khó để tiết kiệm. Thế nên tôi tiêu tiền vào những gì mình thích”, Chen nói với The Straits Times.

Hiện tượng này vốn dĩ không mới. Thuật ngữ về nhóm người trẻ có thói quen chi tiêu này lần đầu tiên xuất hiện trên các trang web của Trung Quốc cách đây một thập kỷ, nhưng đến nay, đây vẫn là chủ đề được thảo luận sôi nổi ở Đài Loan.

Yes123, cổng thông tin việc làm, đã thực hiện một cuộc khảo sát vào tháng 10/2022 đối với nhân viên văn phòng tại Đài Bắc, kết quả cho thấy 46% người được hỏi từ 20 tuổi trở lên tự xác định họ là Yue Guang Zu vì thường tiêu hết tiền lương của mình mỗi tháng.

Trong số đó, 26,3% nói rằng họ thực sự đang sống trong nợ nần do các khoản vay sinh viên và thanh toán bằng thẻ tín dụng.

“Đôi khi những người lớn tuổi sẽ nói rằng chúng tôi vô trách nhiệm vì đã không có kế hoạch tài chính tốt. Nhưng lương của chúng tôi quá thấp, vậy chúng tôi có thể làm gì?”, Chen bức xúc. 

Theo ông Nick Marro, nhà phân tích hàng đầu về thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit (EIU), tiền lương ở Đài Loan gần như bị đóng băng, không tăng trưởng trong nhiều năm.

“Tiền lương thực tế tăng trung bình hàng năm chỉ khoảng 1% trong suốt thập kỷ qua, thậm chí có một số năm còn tăng trưởng âm”, ông nói với The Straits Times.

Dữ liệu chính thức cũng cho thấy thu nhập trung bình hàng năm tại nơi này vào năm 2021 chỉ tăng 1% so với năm trước đó, lên 506.000 Đài tệ, tương đương 1.840 USD mỗi tháng.

“Văn hóa doanh nghiệp quá nhạy cảm với việc chi phí gia tăng, bao gồm cả chi phí nhân sự. Đây là một trong những lý do khiến tiền lương không thay đổi trong một thời gian dài. Trong tương lai gần, điều này sẽ khó biến chuyển”, ông Marro phân tích.

Theo ông, các doanh nghiệp phải có sự thay đổi tư duy trong việc ưu tiên tài năng và nguồn nhân lực hơn là những lo lắng về biện pháp cắt giảm chi phí.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2016, bà Thái Anh Văn, người đứng đầu Đài Loan đã đạt được những thành tựu trong việc nâng cao mức lương tối thiểu của người lao động.

Năm 2023, mức lương được tăng thêm 26.400 Đài tệ vào một tháng. Trong khi trước đó, năm 2015, mức lương tối thiểu ấn định hàng tháng là 20.008 Đài tệ.

Giáo sư Thành Chi Ước, chuyên gia về chính sách lao động tại Đại học Quốc gia Chengchi, cho biết thật tuyệt khi mức lương tối thiểu tăng lên, nhưng chỉ có khoảng 1 triệu người Đài Loan và 700.000 lao động nước ngoài khác thuộc nhóm có lương tối thiểu và được hưởng lợi từ điều này.

leftcenterrightdel
Thu nhập trung bình hàng năm tại Đài Loan chỉ tăng 1%, trong khi đó, lạm phát, giá lương thực và chi phí sinh hoạt đều tăng cao, điều này khiến người trẻ chán nản.Ảnh: Taiwan News.  

"Việc chính quyền tăng lương tối thiểu không có nghĩa là những người lao động khác sẽ đều thấy lương của họ cũng được tăng lên", ông nhận định.

Ông Marro cho biết lạm phát thấp ở Đài Loan đã giúp nhiều người giảm áp lực về chi phí sinh hoạt và dễ kiểm soát tài chính trong nhiều năm. Tuy nhiên, đến nay, điều này đã không còn đúng.

"Kể từ đầu năm 2021, mức tăng lương thực tế không theo kịp lạm phát chung, điều này đồng nghĩa với việc thu nhập của nhiều hộ gia đình không theo kịp chi phí sinh hoạt tăng cao”, ông nói.

Khi giá thực phẩm, nhiên liệu đều tăng, tiền thuê nhà quá tốn kém,... đã khiến chỉ số tiêu dùng năm 2022 của hòn đảo tăng 2,95%, nhanh nhất trong vòng 14 năm qua.

Với tốc độ tăng lương trì trệ, người Đài Loan sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn.

Các nhà phân tích của EIU đã chỉ ra tác động của việc tiền lương dậm chân tại chỗ đã khiến nhiều thanh niên Đài Loan không thể mua bất động sản hoặc lập gia đình.

Chen cho biết cô hy vọng một ngày nào đó sẽ kết hôn nhưng không chắc chắn về ý định sinh con.

"Tôi hầu như không có đủ tiền cho bản thân và mẹ, chứ đừng nói đến việc phải chăm sóc thêm một người khác", cô nói.

Lý Như, biên tập viên mạng xã hội, người tự coi mình là một phần của "gia tộc ánh trăng", cho rằng “đây là điều không thể” khi ai đó khuyên cô tiết kiệm để mua một ngôi nhà.

Cô gái 27 tuổi này kiếm được 47.300 Đài tệ một tháng, bỏ ra khoảng 15.500 Đài tệ để thuê một phòng trong căn hộ chung.

“Những người như tôi sẽ không bao giờ có thể bắt kịp giá bất động sản, vì vậy tôi có thể sẽ ở nhà thuê suốt đời. Đây có thể là điều tốt mà, vì chúng tôi không bao giờ phải lo lắng về việc trả các khoản vay mua nhà”, cô ấy nói thêm.

leftcenterrightdel
Giá nhà ở Đài Loan tiếp tục tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.Ảnh: Reuters.  

Kể từ khi bắt đầu công việc này vào 3 năm trước, cho đến nay, tiền lương tháng của cô chỉ tăng 2.000 Đài tệ.

Theo công ty nghiên cứu dữ liệu kinh tế CEIC, giá nhà đất ở Đài Loan lại tiếp tục tăng vọt, thậm chí tăng hơn 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, Đài Loan cũng luôn quan ngại vấn đề chảy máu chất xám. Những lao động trẻ tuổi đang có xu hướng chuyển đến những nơi như Singapore, Nhật Bản và Mỹ để tìm kiếm cơ hội mới.

“Các nhà tuyển dụng thực sự cần nghĩ đến việc tăng lương để thu hút những người trẻ tuổi, nếu không, nhiều người trong số họ sẽ muốn rời khỏi Đài Loan và làm việc ở nơi khác”, giáo sư Thành khẳng định.

Hiện tại, Lý Như không có kế hoạch chuyển ra nước ngoài. Cô cho rằng không có tiền tiết kiệm nhưng mình vẫn có cuộc sống thoải mái, vừa đủ ở Đài Bắc.

Còn đối với Chen, ít nhất trong thời điểm hiện tại, cô biết rõ mình đang rất vui vẻ, được ăn những món ngon, đi spa mỗi tháng và dành thời gian cho bạn bè.

Theo zingnews