Những tờ rơi xuất hiện ở khu vực Carson, quận Los Angeles với con dấu giả của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kêu gọi người dân tránh xa những nhà hàng gốc Á như Panda Express vì nguy cơ mắc dịch viêm phổi corona (Covid-19).

Một học sinh trung học ở quận này cũng bị bạn cùng trường đánh đến mức nhập viện sau khi bị rêu rao là một người gốc Á nhiễm virus. Đơn kiến nghị đóng cửa trường học ở khu Alhambra nhận được hơn 14.000 chữ ký, ngay sau khi có thông tin một n gười ở Los Angeles nhiễm nCoV.

Đó là những trò lừa đảo, những tin đồn và những vụ tấn công mà giới chức Los Angeles đã vạch trần hôm 13/2 nhằm dập tắt làn sóng kỳ thị người gốc Á đang nổi lên ở bang California, nơi chiếm hơn một nửa trong số 15 ca mắc nCoV của Mỹ.

Phụ huynh đón con đi học về ở một trường học khu Alhambra, quận Los Angeles, bang California, Mỹ, hôm 4/2. Ảnh: AFP

Tình trạng bắt nạt và tấn công người Mỹ gốc Á được ghi nhận từ New York cho đến New Mexico, xuất phát từ những lo sợ vô căn cứ về dịch bệnh có nguồn gốc từ Trung Quốc. Với cộng đồng gốc Á lớn nhất trong số các bang, giới chức California đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng này trước khi nó lan rộng.

"Chúng tôi sẽ không chấp nhận sự thù ghét", giám sát viên quận Los Angeles Hilda Solis tuyên bố, kêu gọi người dân trình báo các hành vi phạm tội như trên đến đường dây đặc biệt 211.

Những định kiến tồn tại đối với người gốc Á đi kèm với những hình ảnh trên truyền thông Trung Quốc đã tạo ra nỗi lo sợ rằng người gốc Á có khả năng nhiễm virus. Sự phân biệt đối xử có thể nghiêm trọng hơn khi virus lây lan trong các cộng đồng Mỹ thời gian tới, ông Robin Toma, giám đốc Ủy ban Quan hệ Con người quận Los Angeles, nói.

Những chiếc khẩu trang mà người gốc Á thường đeo cũng trở thành thứ bị kỳ thị. Nhiều người đã bị lăng mạ hay tấn công chỉ vì người khác nghĩ họ bị bệnh nên mới đeo khẩu trang, ông Toma cho hay.

"Chúng tôi cần các bạn đứng lên và lên tiếng khi nhìn thấy điều đó xảy ra với những người khác", ông nói.

Làn sóng bài Á từng nổi lên vào năm 2003 khi bùng phát Hội chứng Viêm đường hô hấp Cấp tính Nặng (SARS), một dịch bệnh cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đó là khi chưa có những mạng xã hội như Twitter và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chưa bị khuếch đại như hiện nay.

California không phải là nơi duy nhất đối mặt với vấn đề này. Nhà thiết kế ở thành phố New York Yiheng Yu làm việc trong một văn phòng có nhiều đồng nghiệp gần đây về Trung Quốc đón Tết và cô cũng như những người khác phải đeo khẩu trang để đề phòng virus corona.

Một lần, cô đeo khẩu trang ra ngoài và bị một phụ nữ phản ứng dữ dội.

"Bà ta bắt đầu hét lên 'Cô bị điên à? Cút ra khỏi đây'", Yu, 34 tuổi, kể lại. "Tôi nhận ra nguyên nhân là vì mình đang đeo khẩu trang".

Thậm chí ho hắng cũng gây nên nỗi sợ hãi, Ron Kim, ủy viên hội đồng bang New York, đại diện cho quận Queens, nơi có một lượng lớn người châu Á và gốc Á sinh sống.

"Có một nhân viên của tôi đến ga tàu Albany và ho một chút, những người xung quanh nhanh chóng tiến lại hỏi có phải cô ấy nhiễm virus corona không", ông Kim kể. Hôm 7/2, ông đã thành lập Hội đồng Tư vấn Sức khoẻ người Mỹ gốc Á để truyền thông cho người New York về loại virus này.

"Chúng ta đang sống trong một xã hội bị dẫn dắt bởi nỗi sợ hãi, nếu chúng ta cũng như thế, mọi người sẽ trở nên xấu xí", ông nói.

Bà Manjusha Kulkarni, chủ tịch A3PCON đại diện cho hơn 1,5 triệu người gốc Á và Thái Bình Dương ở quận Los Angeles, cho rằng cần khẩn trương thông tin cho người dân để tránh những thông tin thêu dệt về virus corona. Toàn thế giới hiện ghi nhận 67.100 trường hợp nhiễm nCoV và 1.526 người tử vong, gồm 3 ca ngoài Trung Quốc đại lục là một người đàn ông Vũ Hán ở Philippines, một người đàn ông ở Hong Kong và một cụ bà ngoài 80 tuổi ở Nhật Bản.

"Các doanh nghiệp và nhà hàng bị sụt giảm mạnh lượng khách hàng", bà nói về những doanh nghiệp gốc Á. "Ở Los Angeles, chúng ta chỉ có một trường hợp nhiễm virus corona mà thôi".

Theo Vnexpress.net